Điều 94, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này”.
Theo đó, trách nhiệm của người đang trực tiếp nuôi con là phải tạo điều kiện cho người kia được tới lui, thăm nom, chăm sóc và giáo dục con. Nếu như người trực tiếp nuôi con gây khó, ngăn cấm, cản trở người kia trong việc thăm nom, chăm sóc con thì đây là hành vi bạo lực gia đình, sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Pháp luật không quy định việc đưa rước con về nhà cha hoặc mẹ sau khi ly hôn, mà đó chỉ là sự thỏa thuận giữa các bên. Việc thỏa thuận này có thể ghi vào trong quyết định của tòa án hoặc cũng có thể thỏa thuận bên ngoài. Trường hợp trên, nếu khi ly hôn các bên không có thỏa thuận, hiện nay vì lý do nào đó người mẹ không đồng ý cho anh rước con về nhà của mình hoặc nhà ông bà nội chơi, thì anh phải chấp nhận. Do pháp luật không quy định nên tòa án cũng không có cơ sở để giải quyết theo yêu cầu của anh được.
Việc cấp dưỡng nuôi con là một nghĩa vụ bắt buộc, nếu trong quyết định ly hôn có ghi rõ việc anh phải cấp dưỡng nuôi con, thì anh phải tôn trọng và chấp hành cho đúng. Không thể vì lý do người mẹ không cho rước con về nhà chơi mà miễn việc cấp dưỡng nuôi con được.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
Bình luận (0)