Uber, Grab xung đột với taxi truyền thống ở các nước cũng rất căng

13/10/2017 21:08 GMT+7

Sự ra đời của những hãng taxi công nghệ dù tạo ra tiện ích cho người dùng nhưng cũng gây xung đột lợi ích với các hãng taxi truyền thống và khiến giới chức các nước đau đầu tìm biện pháp giải quyết.

Taxi công nghệ dù xuất hiện trong chưa đầy 10 năm qua nhưng đã phát triển rộng khắp ở nhiều nước. Đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tiện dụng, giá rẻ, đáng tin cậy là những yếu tố giúp  taxi công nghệ nhanh chóng chiếm được thị phần trong ngành vận tải hành khách.
Xung đột đến đốt cả xe

Tuy nhiên, loại hình taxi này cũng gây ra làn sóng phản đối dữ dội ở những nơi nó xuất hiện, đa phần từ giới taxi truyền thống, những người cho rằng bị mất đi thu nhập trong khi phải cạnh tranh không công bằng. Cụ thể là họ gánh chịu những quy định khắt khe hơn.
Hồi đầu tháng 9, hai chiếc xe của tài xế taxi công nghệ Uber bị đốt cháy tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) sau một mâu thuẫn với taxi truyền thống, theo tờ The Guardian. Trước đó, đã có nhiều xung đột giữa tài xế taxi công nghệ và tài xế taxi truyền thống tại nước này kể từ khi ứng dụng gọi xe trên điện thoại thông minh xuất hiện cách đây 4 năm ở Nam Phi.
Vụ biểu tình của các tài xế taxi truyền thống ở Paris năm 2015 Reuters
Ở quy mô rộng hơn, những hãng taxi công nghệ như Uber hay Grab cũng gây phản đối mạnh mẽ tại nhiều nước như Anh, Ấn Độ, Pháp, Indonesia. Hồi tháng 2, xung đột xảy ra tại một cuộc biểu tình của tài xế taxi truyền thống ở Rome (Ý). Ở Pháp, cuộc bạo lực tại cuộc đình công năm ngoái yêu cầu cấm taxi công nghệ đã buộc cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.
Tài xế taxi truyền thống Jeffrey Sumampouw nói trong cuộc biểu tình ở Jakarta (Indonesia) hồi tháng 3 năm 2015 rằng doanh thu của ông đã sụt giảm 60% từ khi Uber và các ứng dụng gọi xe khác trở nên phổ biến tại thành phố này năm 2015. “Chính quyền phải bảo vệ chúng tôi trước những tài xế không hợp pháp, những người đã cướp thu nhập của chúng tôi”, ông Sumampouw nói.
Biện pháp kiềm chế
Dù vậy, các hãng taxi công nghệ gần đây cũng phải chịu nhiều sự quản lý chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng tại các nước. Tại thành phố San Francisco (Mỹ), chưởng lý Dennis Herrera đang điều tra liệu các hãng như Uber hay Lyft có gây ra những cản trở công cộng hay không. Cuộc điều tra nhằm mục đích áp dụng những mức phạt tiền cũng như quy định hoạt động của những hãng này chặt chẽ hơn.
Ở thành phố New York (Mỹ), Uber cũng bị gây áp lực phải cung cấp dữ liệu hoạt động của tài xế cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, hãng này cũng nhiều lần bị kiện vì không đáp ứng đủ số xe cho người tàn tật ngồi xe lăn.
Tại Quebec (Canada), chính quyền quy định tài xế của hãng taxi công nghệ phải trải qua 35 giờ đào tạo tương đương với tài xế truyền thống, phải được cảnh sát kiểm tra lý lịch phạm tội và phương tiện được kiểm tra mỗi 12 tháng. Ở một số thành phố khác, các hãng taxi cũng bị yêu cầu cung cấp dấu vân tay tài xế cho cơ quan quản lý, theo đài CBC.
Tài xế taxi truyền thống biểu tình ở London năm 2016 phản đối taxi công nghệ AFP
Tuy vậy, không phải hãng taxi công nghệ nào cũng bị phản đối ở các nước. Cơ quan giao thông và đường bộ UAE đang bàn bạc với Uber nhằm thiết lập một dịch vụ vận chuyển giá rẻ mới tại thành phố Dubai, đáp ứng mục tiêu gia tăng hình thức vận tải chia sẻ, giảm lượng phương tiện lưu thông và sử dụng các phương tiện chạy bằng điện để chuyên chở khách. Tuy nhiên, hãng này bị ràng buộc bởi những quy định chặt chẽ hơn như mức phí phải cao hơn taxi truyền thống ít nhất 30%.
Ở Jakarta (Indonesia), giới chức hồi tháng 3 ban hành quy định mới cho phép chính quyền áp đặt mức phí vận chuyển của các hãng taxi công nghệ như Uber, Grab hay Go-Jek gần bằng mức phí của taxi thông thường. Bên cạnh đó, số lượng xe taxi công nghệ hoạt động trong một khu vực cũng bị hạn chế. Ngoài ra, tài xế phải có giấy phép về việc chuyên chở hành khách, theo CNBC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.