Em Samantha Trần (24 tuổi, thư ký Tòa án Brooklyn) vui vẻ nói: “Em và bạn trai sẽ ăn tối ở một nhà hàng cao cấp lãng mạn. May quá, dịp này lại vào cuối tuần, thành phố New York mở cửa nhà hàng nên tụi em được đi ra ngoài đổi không khí.”
Em Cindy Trần (21 tuổi, sinh viên Đại học Brooklyn) cho biết: “Từ sáng bạn trai em đã đến nhà để cùng dành thời gian ngày Valentine bên nhau. Anh ấy còn mua rất nhiều sushi nữa vì biết đó là món em thích nhất.”
Em Cindy đang ở New Jersey cùng ba mẹ và em trai, vẫn chưa trở về New York từ tháng 3 năm ngoái. Trường Đại học Brooklyn cũng đã đóng cửa từ đó đến giờ nên các em học sinh đều về quê và học trực tuyến, do vậy đôi lứa sinh viên cũng ít được gặp nhau!
Em Yến Trinh (27 tuổi, du học sinh Thạc sỹ Đại học Brooklyn) đã kịp chụp vài tấm hình áo dài truyền thống ở Quảng trường Thời Đại (Times Square), em phấn khởi chia sẻ: “Cuối cùng ước mơ có được những tấm hình mặc áo dài ở Times Square đã trở thành hiện thực. Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn lại gặp mùa đông lạnh nên thành phố New York vẫn vắng vẻ. Em tha hồ chụp đủ cảnh. Mặc áo dài thời tiết này lạnh kinh khủng chị ơi. Nhưng tất cả vì cái đẹp mà!”
|
|
Các ông bà, cô chú Việt kiều lớn tuổi ở New York thì cúng kiếng, ăn uống tại nhà. Cô Anh Đào (49 tuổi, thợ nail Brrooklyn) lại chọn đi làm dịp cuối tuần này vì: “Valentine khách đông hẳn lên. Nhờ dịp lễ mới có khách thôi. Nhiều khách quen đã rời khỏi New York nên tiệm khó khăn lắm.”
Năm nay tết rơi đúng vào dịp Valentine nên các cô thợ nail ở thành phố New York đều đi làm “tăng ca”. Các cửa hàng nail đều sáng đèn từ sáng sớm. Chị Jolie, chủ tiệm nail, nói: “Nghề làm đẹp lúc người ta đi chơi thì mình phải làm, ngày lễ sao mà dám đóng cửa, mất khách hết.”
|
Houston
Các tiệm nail và tiệm tóc cũng có nhiều người vào làm đẹp, so với dịp Valentine trước thì vắng khách hẳn. Bà Khanh (62 tuổi, thợ nail ở Houston) bày tỏ: “Năm nay lạnh quá nên người ta ít ra đường, cũng ngại đi làm đẹp luôn. Mà có làm đẹp cũng đâu có ai thấy, phải bịt kín từ đầu đến chân mà.”
Các chùa Việt Nam ở Houston cũng vắng vẻ. Nhiều Việt kiều tranh thủ vào ngày cuối tuần đến chùa lạy Phật cầu nguyện đầu năm. Du xuân, xin xăm, chụp hình dưới hoa đào, hoa mai cũng không có. Các anh chị trẻ tuổi hẹn nhau mặc áo dài đi chùa đầu năm. Tuy nhiên ai nấy đều phải trùm kín.
Ăn uống vui chơi ngoài trời của giới trẻ Việt kiều đêm Valentine gần như đóng băng vì Houston chưa bao giờ đối diện với đợt lạnh chưa từng có này. Em Janet Huỳnh (27 tuổi, sinh tại Mỹ) lo lắng: “Em không lường trước cái lạnh khủng khiếp như vậy nên không chuẩn bị đủ quần áo ấm.”
Ông bà Hải (72 tuổi) ở nhà cả ba ngày tết, chỉ loanh quanh trong bếp rồi qua phòng ngủ. Máy sưởi nhà chưa đủ còn phải để thêm máy sưởi nhỏ nữa mà vẫn phải mặc luôn cả quần áo ấm.
Tuy nhiên, đêm giao thừa và mồng một tết Việt kiều tại Mỹ vẫn giữ thói quen đi ăn ở ngoài. Các nhà hàng đường Bellaire (Phố Tàu) tại Houston vẫn khá đông đúc nhưng đóng cửa trước giờ quy định vì mọi người phải về nhà sớm để tránh cái lạnh tê buốt.
Các chuyến đi thăm họ hàng, gia đình đầu năm đến các thành phố và tiểu bang gần của các gia đình Việt kiều tại Houston đều bị hủy vì đường đóng băng tuyết, không thích hợp cho việc lái xe đường dài.
|
Bác sĩ Tuệ Đinh (62 tuồi) tâm sự: “Theo kế hoạch, gia đình tôi sẽ lái xe đến Dallas, cách Houston 4,5 tiếng lái xe để thăm gia đình bà xã. Tuy nhiên phút cuối phải bỏ kế hoạch vì thời tiết quá lạnh và đường trơn trượt.”
Houston đang đối diện với đợt lạnh nhất trong 70 năm qua. Người người đi mua các tấm bạt, dụng cụ sửa nhà để chống vỡ đường ống nước và để ủ ấm cho cây.
Anh Henry Phạm (32 tuổi, giảng viên Đại học Houston) thố lộ: “Mấy đồ chụp vòi nước và phủ cây ở các cửa hàng Home Depot đã bán hết sạch”. Anh còn nói đùa: “Valentine này tặng máy sưởi, đồ sửa đường ống nước là hợp thời nhất đó.”
|
Nhiều con em Việt kiều làm ngành Y tại thành phố Houston đăng kỳ trực đêm vào cuối tuần này trong chiến dịch đặc biệt chống Covid-19 của bệnh viện vì có ờ nhà cũng đâu có đi chơi dịp đầu năm hay Valentine được.
Anh Nghi Bùi (30 tuổi, TS dược Bệnh viện Methodist), chị Trân Đỗ (30 tuổi, TS dược Bệnh viện MD Anderson) và các bạn bè đều đã đăng ký đi phục vụ cộng đồng.
Họ đem theo các món ăn cổ truyền của nhà như bánh tét, bánh chưng, dưa món, chả lụa, củ kiệu… vào ăn chung trong giờ nghỉ giải lao cho có không khí tết.
California
Ông Quý Đỗ (68 tuổi) trầm ngâm tỏ bày: Mỗi năm vợ chồng tôi đều về quê đón Tết, theo kế hoạch Tết năm nay sẽ về đón giao thừa tại Hà Giang, vì tình hình dịch bệnh nên đành chọn đón Tết ở xứ xa.
Để có không khí Tết, sáng 30 vợ chồng tôi cũng mua ít thực phẩm, bánh mứt, nhà đã có cây đào trước cửa, bưởi sau vườn, vài chậu hoa cúc.
Theo thông lệ, sáng mồng 1 vợ chồng tôi đi xông đất nhà bà con, bạn bè nhưng năm nay chỉ ở nhà. Trong tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ, lòng nhớ đến những cái Tết ở quê nhà với bao ký ức đẹp đẽ.
Những ngày trước Tết sắc xuân Cali cũng rất mờ nhạt dù con đường chính nhộn nhịp xe cộ qua lại, năm ba cửa hàng đã mở cửa, vài cô bán hàng trong chiếc áo dài màu Têt, các ông khăn đống, áo dài đen truyền thống đứng trò chuyện nơi góc phố. Xác pháo vương vải màu đỏ thắm trên nền bậc cửa, trước khu đậu xe của tiệm. Không có sự mua sắm nhộn nhịp như những năm trước. Tết của người Việt hải ngoại chỉ có thế!
Cô Quyên Đỗ (35 tuổi) buồn buồn nói: “Các ngày Tết không đi đâu cả, mấy mẹ con chỉ quanh quẩn trong nhà lủi thủi chơi với nhau. Nhớ gia đình ở Việt Nam quá!”
Nhìn chung không khí đón tết và đón ngày Valentine ở Houston, New York, và Cali chưa thật khởi sắc. Thật tội cho những nhà hàng Việt, cửa hàng làm đẹp một năm dịch bệnh tưởng rằng dịp Tết và ngày lễ Tình Nhân có thể vớt vát được chút ít thế mà thêm đợt lạnh coi như mất trắng. Nhìn các đồ trang trí Valentine như hoa, gấu bông, chocolate được bày bán từ vài tuần trước cho dịp lễ đặc biệt này ế ẩm trên các kệ hàng mà đau lòng. Lại một mủa lễ thất bát ở nước Mỹ.
Vậy mà Việt kiều Mỹ vẫn sống vui, vẫn cố gắng. Họ xem đây như là những thử thách phải có trong cuộc sống để cùng chia sẻ, thông cảm giúp đỡ lẫn nhau…
Bình luận (0)