Vợ mất đột ngột khi trẻ, 'người ở lại' chăm con: Bố đơn thân ngược xuôi xin sữa
12/09/2018 12:12 GMT+7
Vợ đột ngột ra đi khi con gái chỉ mới hơn một tuần tuổi, anh trở thành ông bố đơn thân với hành trình chăm con đơn độc. Trách nhiệm của người ở lại, bao giờ cũng nặng nhọc và bao giờ cũng thiêng liêng.
Tự động phát
Trách nhiệm người ở lại
Trình Tuấn (SN 1984, hiện sống ở Q.8, TP.HCM) gặp Nguyễn Thị Phượng, người vợ quá cố của mình, khi cả hai còn là sinh viên. Ban đầu, Tuấn và Phượng “không ưa” nhau, nhưng rồi đúng như lời ông bà xưa, rằng “ghét của nào trời trao của ấy”.
“Có một bạn nữ cùng phòng Phượng nhờ tôi qua sửa máy tính, vì máy hư khá nghiêm trọng nên tôi loay hoay đến 12 giờ đêm vẫn chưa xong, cũng không để ý thời gian. Lúc đó, Phượng đánh tiếng đuổi khéo tôi là khuya khoắt vầy rồi mà không về, còn ở phòng con gái làm gì. Sau lần đó, thú thật tôi không có thiện cảm với Phượng. Nhưng dần dần, khi có cơ hội trò chuyện và tiếp xúc nhiều hơn, chúng tôi mới cảm thấy có nhiều thứ rất hợp nhau”, Trình Tuấn chia sẻ.
Hẹn hò được 3 năm, Tuấn quyết định cùng Phượng tiến đến hôn nhân. Trở ngại duy nhất chỉ là gia đình hai bên không muốn anh và Phượng kết hôn xa, nhưng trước tình yêu của hai người, họ cũng không phản đối. Tuấn chia sẻ, anh vẫn còn nhớ hôm rước dâu, Phượng và người thân cô đã khóc rất nhiều khi chia tay. Để rồi cho đến giờ anh vẫn còn ray rứt là đã lấy đi mãi mãi của gia đình vợ một người con gái…
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trải qua nhiều khó khăn về nơi ăn chốn ở, rồi cũng dần ổn định. Thế nhưng trong những tháng ngày Phượng mang thai con gái đầu lòng, nhiều rắc rối đã xảy đến.
“Phượng khi có bầu tới tháng thứ 5, cổ tử cung ngắn phải nhập viện. Sau đó không lâu, em lại nhập viện lần nữa vì thiếu ối, sau 4 ngày không ổn tôi đưa em sang Từ Dũ. Được một ngày đêm thì nước ối tăng trở lại và bác sĩ cho em xuất viện. Sau 1 tuần, Phượng đau bụng dữ dội, bác sĩ cho biết nước ối lại giảm và có dấu hiệu sinh”, Trình Tuấn nhớ lại quãng thời gian khó khăn.
Sau 2 ngày nằm chờ và hơn 10 tiếng truyền dịch để giục sinh, Ủn mới cất tiếng khóc chào đời, chỉ mới 8 tháng. Niềm vui vỡ òa với vợ chồng trẻ.
Một buổi sáng sau đó 10 ngày, Trình Tuấn phải tham gia sự kiện ở một tỉnh ven thành phố, để điện thoại ở chế độ im lặng. 20 cuộc gọi nhỡ, cho đến lúc biết vợ đang cấp cứu, Tuấn vẫn chưa hình dung rõ ràng về nỗi đau mà mình phải đối mặt. Phượng bị xuất huyết tử cung. Tuấn trở về ôm con vào lòng và thủ thỉ, như một cách để trấn an mình: "Ủn ngoan nhé, nhất định mẹ sẽ về với hai ba con mình!". Cuộc phẫu thuật được thực hiện, cô qua cơn nguy kịch. Rồi sau đó lại tiếp tục không ổn, cô ra đi.
Mất mát quá lớn có thể khiến con người ta dễ dàng từ bỏ cuộc sống của mình, từ bỏ mọi thứ. Nhưng gạt đi nỗi đau, anh ôm con vào lòng và đứng dậy, gắng dành cho cô bé mọi điều tốt đẹp nhất. “Người ta vẫn hỏi động lực nào để tôi tiếp tục sống và nuôi con. Tôi nói, con chính là động lực để tôi tiếp tục sống, chứ không phải điều gì là động lực để tôi sống và nuôi con…”, câu chuyện cũ vẫn làm Tuấn nghẹn giọng.
Thăng trầm “gà trống nuôi con”
|
Một người cha “tập sự” chưa bao lâu, bắt đầu gánh thêm trách nhiệm làm mẹ. “Con đã mất mẹ, không thể thiếu thêm ba! Vì vậy mà nhà nội kêu tôi đưa Ủn về quê chăm sóc, tôi không đồng ý. Như ai đó đã nói mỗi người đều có cuộc chiến riêng của mình, cuộc chiến của tôi bây giờ là duy trì nguồn sữa mẹ cho con, giữ con luôn cạnh mình”, Trình Tuấn trải lòng về giai đoạn đầu của hành trình chăm con.
Anh bắt đầu học cách thay tã, vệ sinh, cho Ủn ăn… và một điều tốt đẹp nhất anh muốn dành cho con gái là nuôi con bằng sữa mẹ. Anh ngược xuôi mang túi đi xin sữa khắp nơi. Ủn được bú sữa của hơn 10 người mẹ không quen biết trong suốt hơn 2 năm trời và chưa một lần bỏ cữ. Thậm chí có những hôm Ủn hết sữa, anh dầm mưa chạy xe máy hơn 20 cây số từ Q.Tân Phú qua tận Q.9 mang sữa về cho con kịp bữa.
Dù cẩn thận chăm chút cho con từng li nhưng đôi lúc ông bố “tập sự” vẫn mắc những sai lầm cơ bản, như cho con ăn sai tư thế. Khi Ủn được 3 tháng tuổi, Trình Tuấn từng bị stress với hàng loạt chuyện, như nhu cầu dinh dưỡng giảm sút đột ngột, không chịu bú, chơi tới sáng, tăng chỉ vài trăm gram… Anh loay hoay với hàng tá lời khuyên trên mạng, sau đó tìm đến bác sĩ cũng như quan sát con kỹ hơn. Với anh, khó khăn nhất chính là vượt qua sự sợ hãi của bản thân, tin vào chính mình, cũng như linh cảm và bản năng làm cha.
“Tôi tham khảo cách chăm con của phương Tây, Nhật… nhưng không nhất thiết theo phương pháp nào, tức là tiếp thu có chọn lọc, cái nào phù hợp cho con thì mình áp dụng. Cách chăm con theo họ khác nhiều so với Việt Nam, nên nhiều khi tôi không nhận được sự đồng ý từ người thân. Như chuyện cho ăn, người Mỹ thường để bé tự ăn, thậm chí ăn bốc, rồi cho trẻ đi bơi sớm, tiếp xúc thiên nhiên ngay từ bé, nên tôi vẫn thường đưa Ủn đi chơi khi rỗi. Cách chăm con của người Nhật hướng đến sự tự lập, nên tôi cũng rèn luyện cho con tự lập từ sớm. Về sức khỏe bé, tôi đặc biệt tránh tình trạng lạm dụng thuốc”, anh chia sẻ.
Khi Ủn lớn lên và bắt đầu đi học, bắt đầu bước ra thế giới bên ngoài, thách thức tiếp tục với Trình Tuấn là tìm môi trường phù hợp để bé phát triển theo những giá trị anh đã định hướng. Anh cho biết, chẳng hạn bé nhà mình bú sữa mẹ, phải tìm được trường có thể hỗ trợ bé uống sữa mẹ. Rồi phải giải thích cho bé vì sao các bạn đều uống sữa công thức còn bé thì không, các bạn uống nước ngọt, ăn snack còn bé thì không… Rất nhiều thứ mà khi bé còn nhỏ không phải giải thích, nhưng lúc lớn lên anh phải chú ý để trả lời vạn câu hỏi vì sao.
Nhưng có lẽ câu hỏi khó nhất với ông bố đơn thân, vẫn là việc cô bé hỏi... mẹ. Tình Tuấn kể: “Một lần tôi ẵm bé đi thả mấy con cá nhỏ, trên đường tôi thủ thỉ: “Mình đi thả bạn cá về với mẹ nhé!”. Ủn gật đầu, chu mỏ: “Đi thả cá nha”. Ủn thích thú nhìn cá bơi đi, nhưng sau đó hụt hẫng: “Cá đâu rồi ba?”. Suốt dọc đường về con vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi đó và đôi lúc mếu máo. Tôi phải an ủi: “Cá về với mẹ rồi, bạn cá lạc mẹ, mẹ cá đi tìm nhớ cá con lắm đó”. Như một phản xạ ngôn ngữ, con quay qua hỏi: “Mẹ Ủn đâu?”. Tôi lặng đi. Tôi nói: “Mẹ ở trên thiên đàng, người tốt sẽ ở đấy. Mẹ nhớ Ủn lắm đó, Ủn có nhớ mẹ không?”. Ủn gật đầu. Bé ý thức được việc mẹ mất từ nhỏ, nên chỉ cần mình khéo léo là được, bởi trẻ em thường thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh”.
Trở lại với chính bản thân Trình Tuấn, sau khi vợ mất, anh từng nghĩ mình sẽ không còn yêu ai được nữa. Nhưng không chỉ bà ngoại Ủn, mà rất nhiều bà mẹ trên các diễn đàn cũng như bạn bè của anh đều khuyên anh nên tìm mẹ mới cho Ủn. Thời gian trôi, nhân duyên đã đến với ông bố nhiều nghị lực.
“Ma Mi của Ủn (cách Tuấn và con gọi người vợ mới của anh) biết Ủn trước. Ban đầu cô ấy tìm đến thăm, chăm sóc cho Ủn, nghĩa là thông qua Ủn, tôi với Ma Mi Ủn mới đến với nhau. Cô ấy đã đỡ đần cho tôi rất nhiều trong việc chăm sóc bé. Cô ấy hằng năm đều lo giỗ cho Phượng. Cô ấy không phải để khỏa lấp chỗ trống Phượng để lại, mà là cả hai thực sự cảm thấy hòa hợp, có thể dựng xây một gia đình hạnh phúc. Cô ấy chấp nhận chuyện cũ của tôi và cho tôi biết rằng mỗi người cũng nên sống ở thì hiện tại”.
Tháng 7 vừa qua, gia đình nhỏ của anh lại đón thêm một nàng công chúa xinh xắn. Hành trình làm bố của Trình Tuấn lại được nối dài. Chỉ có điều, anh đã không còn đơn độc nữa.
Bình luận (0)