Vỡ òa cảm xúc sản phụ ung thư giai đoạn cuối đón con trai Bình An xuất viện

15/07/2019 15:18 GMT+7

Sau 55 ngày được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, bé trai Đỗ Bình An, con sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối Nguyễn Thị Liên, đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình và tập thể y, bác sĩ.

Sự sống cho con là điều hạnh phúc nhất của người mẹ

Tròn 1 tháng sau lần đầu gặp bé Bình An tại Bệnh viện K T.Ư - nơi chị Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, ở Lý Nhân, Hà Nam) điều trị ung thu vú, chị Liên mong ngóng từng giây, từng phút để được gặp lại con.
Mặc dù đến cuối giờ sáng 15.7, các thủ tục xuất viện mới hoàn thành, nhưng chị Liên đã có mặt tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư trước cả tiếng đồng hồ. Anh Đỗ Văn Hùng, chồng chị Liên, cùng con gái cũng đã từ Hà Nam lên Hà Nội từ 5 giờ sáng để đón bé Bình An xuất viện.
Mặc dù sau 6 lần xạ trị, tóc đã rụng hết nhưng sắc mặt chị Liên đã khá hơn rất nhiều so với lần đầu đón con. Chị Liên rạng rỡ khoe: “Trộm vía, từ ngày gặp con, mình như được tiếp thêm sức mạnh, nhờ ăn uống và truyền thuốc nên sức khỏe đã hồi phục được 80%, cân nặng xấp xỉ 50 kg”.

Sản phụ bị ung thư vú giai đoạn cuối đến đón con trai xuất viện

Chị Liên kể, trong thời gian điều trị ở Bệnh viện K T.Ư, tuy không được gặp con nhưng ngày nào chị cũng được ngắm con qua ảnh. Bác của bé Bình An ngày nào cũng đến thăm cháu và chụp ảnh gửi chị Liên xem.
"Nhìn con lớn từng ngày, mới tuần trước 2,2 kg, hôm nay bác sĩ vừa thông báo con được 2,4 kg. Mình trông mong từng giây phút được vỗ về, ôm con vào lòng, được chăm sóc con”, chị Liên chia sẻ.
Theo lời chị Liên, khi phát hiện bệnh ung thư vú di căn giai đoạn cuối, cả bác sĩ Bệnh viện K T.Ư và Bệnh viện Phụ sản T.Ư đều khuyên gia đình phẫu thuật thai nhi để điều trị bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng đều quyết định giữ thai, không bỏ.
“Lúc ấy, cái thai cũng đã lớn rồi, bỏ đi thì tội. Thực sự mình cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất bởi không ai tin mình có thể qua khỏi. Mình chỉ cầu mong “con vuông” nên cũng đã dặn chồng nếu mình không may mắn thì cố gắng chăm con lớn, vài năm nữa rồi đi bước nữa. Với mình, mang lại sự sống cho con là điều hạnh phúc nhất”, chị Liên bộc bạch.
Những ngày truyền hóa chất đau đớn, chị Liên bò vòng quanh chân giường khóc không thành tiếng. Đến khi gặp con, chị như được tiếp thêm sức mạnh để chống chọi lại bệnh tật. Sau 3 tháng lên Hà Nội điều trị bệnh, hôm nay, chị Liên cũng được xuất viện về nhà chăm sóc con.
“Hôm nay, lần đầu tiên cả gia đình được đoàn tụ, mình không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn ông bà đã phù hộ, cảm ơn các bác sĩ, y tá của 2 bệnh viện đã chăm sóc mẹ con mình trong thời gian qua. Mình mong có phép màu nào đó giúp mình khỏi bệnh để ở bên con và gia đình”, chị Liên rưng rưng bày tỏ.

Kỳ tích của ngành y học 

Theo TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), bé Đỗ Bình An sinh ngày 22.5.2019, tuổi thai 31 tuần, nặng 1,5 kg, khi nhập viện có tình trạng không tự thở, phản xạ kém, rất non yếu và phù nhẹ.
“Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản T.Ư đánh giá khó khăn khi điều trị gồm suy hô hấp nặng do bệnh màng trong; suy giảm miễn dịch do mẹ dùng nhiều thuốc; sức khoẻ kém; bản thân trẻ không tạo được sức đề kháng... Trẻ có thể mắc nhiễm trùng mẹ sang con, xuất huyết, đặc biệt xuất huyết não, phổi, khó nuôi dưỡng, ăn nôn trớ khó tiêu, dễ viêm ruột hoại tử. Sau quá trình điều trị vất vả, từ 1,5 kg, cháu Bình An đã có cân nặng là 2,4 kg”, TS Trác cho biết.
Hiện tại, bé An Bình không còn phải dùng thuốc, ngoại trừ Vitamin và vi chất, tự thở ổn định, liên tục 15 ngày không có cơn ngừng thở, tím tái. Cậu bé bú được, tăng cân đều đặn, phản xạ sơ sinh bình thường, biết mỉm cười tự nhiên.
PGS - TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, người trực tiếp thực hiện ca mổ, chia sẻ: “Khi gặp sản phụ, nhìn chị ấy phải ngồi nghiêng cúi người để thở, tôi cảm thấy dường như sự sống của chị rất mong manh, có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy khiến ê kíp phẫu thuật ngày hôm đó không giấu được sự thương cảm, xót xa đến nghẹn ngào!”.
TS Cường nhìn nhận, dù y học có giỏi đến mức nào cũng khó có thể thành công nếu như không có sự nỗ lực của bệnh nhân. Nếu sau này cắt được khối u, bệnh nhân tiến triển tốt thì đây là trường hợp kinh điển trong y học.
"Trước đây, với những ca bệnh ung thư trong thai kỳ rất đáng sợ, ngay cả với giới y khoa, nhưng để có được ngày gặp gỡ hôm nay, đây là điều đặc biệt và kỳ tích của ngành y. Đây là kết thúc có hậu của hành trình chống chọi với bệnh tật và hành trình phát triển bên ngoài của một em bé", TS Cường nói, và cho biết thêm, các bác sĩ sẽ đồng hành chăm sóc em bé từ xa một cách tốt nhất.
"Thật là tuyệt vời nếu 18 năm nữa, tôi hy vọng sẽ đón em bé Bình An vào Trường đại học Y”, TS Cường nói.
Sau ít ngày về nhà chăm con, chị Nguyễn Thị Liên tiếp tục quay trở lại viện điều trị và chống chọi với căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối.
Dưới đây là những hình ảnh cuộc đoàn tụ xúc động của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Liên trong ngày đón bé Bình An xuất viện phóng viên Thanh Niên vừa ghi lại:

Chị Nguyễn Thị Liên kể về những ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối

ẢNH THU HẰNG

PGS - TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, thông tin về ca mổ đẻ cứu bé Bình An

ẢNH THU HẰNG

PGS - TS Trần Danh Cường trao bé Bình An cho gia đình chị Liên

ẢNH THU HẰNG

Gia đình chị Liên đoàn tụ trong niềm vui vỡ òa

ẢNH THU HẰNG

Chị Nguyễn Thị Liên hạnh phúc ôm con vào lòng

ẢNH THU HẰNG

Cậu bé Bình An ngủ ngon trong vòng tay mẹ

ẢNH THU HẰNG

Quà tặng của Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư dành cho bé An Bình

ẢNH THU HẰNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.