Vườn miền Tây trong thiên tai xâm nhập mặn: 37 tỉ chở nước cứu, cây vẫn chết

26/06/2020 12:14 GMT+7

Những tưởng có mưa đầu mùa thì cây trồng sẽ được cứu nhưng trái lại, tình hình thiệt hại hậu thiên tai tại nhiều khu vực ở miền Tây còn nghiêm trọng hơn lúc đỉnh điểm của thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2020.

Đốn bỏ vườn cây, bán đất để trả nợ

Đất trong mảnh vườn sầu riêng rộng 3 công (1 công tương đương 1.000m- PV) của gia đình ông Nguyễn Xuân Trạng (xã Tân Phú, H.Châu Thành, Bến Tre) đã ẩm ướt nhờ vài cơn mưa đầu mùa. Và đây là điều mà cả gia đình 4 miệng ăn của ông Trạng trông mong gần nửa năm qua.
Thế nhưng, chẳng những sầu riêng không được cứu mà còn rụng sạch lá non một cách thê thảm hơn so với lúc đỉnh điểm thiên tai xâm nhập mặn.
Mảnh vườn này là nguồn thu chính của gia đình, cho nên ông Trạng đang liên hệ với UBND xã Tân Phú để xin lại sổ hộ nghèo để mong được hưởng chính sách của nhà nước trong thời điểm quá khó khăn này. Hộ ông Trạng mới thoát nghèo hơn một năm trước.

Nhiều nhà vườn ở Chợ Lách cho biết họ đang không biết được vùng đất của mình phù hợp để trồng cây gì trước nguy cơ xâm nhập mặn tái diễn khó lường

ẢNH: B.B

“Thiếu nước tưới lúc đỉnh mặn đã khiến cây rụng sạch lá, khô hết các nhánh nhỏ. Sau đó, các lá non mọc ở một số nách nhánh lớn nên tôi cũng mừng nhưng mà mưa xuống phèn hực lên khiến lá non giờ cũng cháy rụi, khô cây. 3 công sầu riêng hơn 10 năm tuổi của tôi xem như hết cứu. Giờ tôi phải đi vay nợ mua cây bưởi da xanh về trồng lại”, ông Trạng bần thần.
Không ngồi chờ trời mưa như gia đình ông Trạng, ông Nguyễn Hữu Hội đã chi hơn 50 triệu đồng mua nước ngọt để tưới với hy vọng cứu khu vườn 7 công sầu riêng gần 10 năm tuổi. Trớ trêu, ông Hội không những phải “đốt đuốc” tìm nhân công đốn bỏ 7 công sầu riêng này mà còn rao bán phân nửa diện tích đất để trả tiền trả nợ vay ngân hàng, kiếm ít vốn liếng cải tạo đất, mua cây có múi giống về trồng.
“Thời điểm này năm ngoái, tôi đang bán hơn 14 tấn trái sầu riêng với giá tốt. Thấy tình hình khả quan, tôi đi vay thêm tiền mua công rưỡi đất trồng thêm sầu riêng. Thiên tai năm nay và kết hợp với dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ còn diễn ra dữ dội hơn nữa trong thời gian tới nên tôi hiểu rằng cây sầu riêng đã không còn phù hợp với vùng đất này nữa”, ông Hội chia sẻ.
Hai huyện Châu Thành và Chợ Lách có tổng diện tích vườn trồng sầu riêng hơn 5.000 ha và hầu hết đã bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng sau thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2020.

Nhiều nhà vườn trồng chôm chôm ở Bến Tre cho biết thiên tai làm cho cây suy kiệt, rụng sạch lá nên sau khi thu hoạch vụ thuận năm nay sẽ phải đốn bỏ cây

ẢNH: B.B

 “Chợ Lách có tổng cộng 8.575 ha cây ăn trái, trong đó sầu riêng chiếm hơn 3.000 ha, hơn 70% diện tích đó đã bị xâm nhập mặn gây thiệt hại từ 100% năng suất, sinh trưởng của cây. Đáng lo nhất là hầu hết nhà vườn đang bắt đầu tuyệt vọng với các loại cây ăn trái trứ danh với thương hiệu Cái Mơn là sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Sau thiên tai chỉ còn nhà vườn trồng cây có múi bị ảnh hưởng nhẹ. Đầu mùa mưa là thời điểm tiêu thụ chính của khoảng 40 triệu cây giống của Chợ Lách nhưng mà hiện nay nhà vườn đang không có cây để bán. Thiên tai xâm nhập mặn đã gây nên hệ quả cực kỳ khó khăn cho đời sống, sản xuất của người nông dân”, tiến sĩ (TS) Bùi Thanh Liêm (Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách) cho biết.
Không những chủ vườn cây đang gặp khó khăn mà hàng nghìn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang trong cảnh mất việc làm, cuộc sống lâm vào túng thiếu.

Chưa có hướng dẫn chính sách hỗ trợ do thiên tai

Nói về nguyên nhân của tình trạng chết cây hàng loạt sau khi có mưa đầu mùa, TS Liêm cho biết lúc đỉnh mặn, lòng đất đã bị nhiễm phèn, mặn với nồng độ cao tích tụ. Trong điều kiện thời tiết thay đổi, mưa xuống là lúc phèn mặn bốc lên mặt đất, cây trồng sẽ lập tức bị ngộ độc nặng hơn, cây chết nhanh hơn.

Nhà vườn ở H.Chợ Lách (Bến Tre) sản xuất hàng năm nhưng hiện nay đầu mùa mưa, thời điểm tiêu thụ chính trong năm nhưng nhà vườn không có cây để bán, cây chết bỏ đống. Tuy vậy, chủng loại cây trồng này không nằm trong danh mục được hỗ trợ từ chính sách thiên tai

ẢNH: B.B

Trong tình cảnh hết sức bi đát này, hàng chục ngàn nhà vườn tại Bến Tre cũng như một số vùng trồng khác tại ĐBSCL đang trông chờ chính quyền địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ ảnh hưởng do thiên tai.
“Chợ Lách chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào của Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Bến Tre là sẽ hỗ trợ 400.000 đồng/công cây ăn trái bị thiệt hại từ 70% trở lên. Không những vậy, hiện nay tỉnh cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể việc xác định tỷ lệ thiệt hại trên cây ăn trái, việc xác định thiệt hại hiện nay chỉ là cảm tính thôi. Mặc dù Chính phủ quy định mức hỗ trợ cho cây ăn trái bị thiệt hại trên 70% là 400.000 đồng/công, nhưng UBND cấp tỉnh là nơi quyết định về vấn đề hỗ trợ này. Riêng đối với cây con, cây giống thì không nằm trong danh mục được hỗ trợ do thiên tai, mặc dù giá trị bị thiệt hại của nhà vườn là rất lớn”, TS Liêm nói.

Đang mùa tiêu thụ chính của năm nhưng cây giống ở "Vương quốc cây giống của cả nước" trong tình trạng héo úa, vàng vọt

ẢNH: B.B

Song, TS Liêm cho biết bản thân ông cho rằng thiệt hại đối với cây ăn trái quá lớn nên hỗ trợ mức 400.000 đồng/công là không phù hợp. H.Chợ Lách mong muốn được hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; kinh phí xây dựng công trình thủy lợi và tổ chức các đợt tập huấn cho nông dân về phương pháp giải độc cứu cây…

37 tỉ đồng chở nước cứu cây xong cây vẫn chết

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Huỳnh Quang Đức (Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre) khẳng định Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ các địa phương cấp huyện theo đúng như đề nghị từ huyện. Ngoài ra, Sở NN-PTNT Bến Tre cũng đang tiến hành nhiều buổi tập huấn hướng dẫn nông dân tự cứu vườn cây sau thiên tai và đây là sự hỗ trợ thiết thực mà sở đang tập trung thực hiện.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tiên tai xâm nhập mặn do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây tại tỉnh Long An, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết toàn tỉnh có hơn 13.500 ha trồng sầu riêng, với sản lượng hơn 277.000 tấn/năm.
Mặc dù UBND tỉnh Tiền Giang đã trích ngân sách 37 tỉ đồng để vận chuyển nước tưới cứu vườn sầu riêng do thiên tai xâm nhập mặn nhưng 4.799 ha vườn sầu riêng bị thiệt hại, một số vườn có dấu hiệu chết dần.

Ông Tuấn cho biết Tiền Giang trích hàng chục tỉ ngân sách để mua nước ngọt giúp dân cứu cây ăn trái trong lúc thiên tai nhưng sau thiên tai, vẫn xuất hiện hiện tượng chết cây

ẢNH: B.B

“Cây bị khô nước được tưới kịp nên lượng cây chết không đáng kể nhưng mà sau khi hết mặn thì cây bắt đầu chết. Hiện tượng đó được ngành nông nghiệp xác định là do nồng độ phèn, mặn quá cao ngấm trong đất và chúng đã bốc hơi lên khiến cho cây chết và hiện tượng này là rất khó xử lý. Cũng do nồng độ mặn quá cao ngân vào đất đai ở Tiền Giang từ nhiều phía nên hiện nhiều khu vực tại vùng ngọt hóa Gò Cồng đang có nồng độ rất cao”, ông Tuấn nêu thực trạng. 

Quy trình giải độc cây sầu riêng của Viện cây ăn quả miền Nam

Theo TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cây sầu riêng được xếp vào nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn, cũng là cây chịu hạn kém nhất nếu gặp thiên tai xâm nhập mặn. Trên cơ sở kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016, TS Thoại hướng dẫn quy trình phục hồi vườn sầu riêng tùy theo tình hình thực tế và các điều kiện gồm các bước: Rửa mặn cho đất; phục hồi bộ rễ và lá; hỗ trợ bộ lá phát triển; hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá; tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.