'Vương quốc' hoa kiểng, cây giống điêu đứng vì xâm nhập mặn: Sầu riêng, bưởi... ế ẩm

02/03/2020 11:50 GMT+7

Hơn 100.000 ha cây ăn trái và hơn 40 triệu cây giống, hoa kiểng các loại ở hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang héo hắt, có nguy cơ chết vì hạn mặn đã bao trùm trên các sông, rạch.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang, từ sau Tết Canh Tý 2020, xâm nhập mặn đã lấn quá sâu vào các kênh nội đồng ở khu vực phía trung tâm và phía Tây của tỉnh Tiền Giang (TP.Mỹ Tho, TX.Cai Lậy, các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước). Nơi đây được xem là “vườn trái cây của cả nước” với tổng diện tích hơn 80.000 ha các loại trái cây trứ danh như thanh long ruột đỏ Chợ Gạo, sầu riêng Cai Lậy.

Sầu riêng ở Tiền Giang vẫn đang khô héo vì thiếu nước tưới

Ảnh: Bắc Bình 

Trong khi đó, độ mặn hơn 2‰ đã bao trùm toàn bộ diện tích các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP.Bến Tre của tỉnh Bến Tre.
Bến Tre được mệnh danh “Vương quốc hoa kiểng, cây giống” của cả nước với sản lượng hàng năm trên 30 triệu cây giống, hơn 12 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại và hơn 10.000 ha cây ăn trái đặc sản (chôm chôm, măng cụt, sầu riêng của Cái Mơn; bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre).

Những trái sầu riêng, bưởi da xanh được chủ vườn vớt vát từ khu vườn bị nhiễm mặn mang ra chợ Lộ Đất, xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách bán bị khách hàng chê nên ế ẩm

Ảnh: Bắc Bình

Từ nhiều năm qua, sản lượng trái cây của Tiền Giang và Bến Tre luôn chiếm giữ thị phần lớn tại thị trường trong nước cũng như trong tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm.
Các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) là vườn ươm cây giống lớn nhất cả nước và hàng năm đều có xuất khẩu cây giống bán ra nước ngoài. 

Nhà vườn xứ Cái Mơn, huyện Chợ Lách đốn hạ chôm chôm mang ra đường bán củi do cây nhiễm mặn không còn cải tạo, phục hồi được

Ảnh: Bắc Bình

Thông thường, những ngày sau Tết Nguyên đán, hàng trăm ngàn hộ dân vùng này sẽ thu hái đợt trái cuối cùng nếu đã xử lý cây cho trái nghịch vụ. Nếu, chủ vườn nào chọn cho trái theo chu kỳ tự nhiên của cây vùng nhiệt đới gió mùa thì dọn vườn, vô phân, tưới nước cho cây để ra hoa, đậu trái để kịp thu hoạch trong dịp Tết Đoan Ngọ (Mùng 5 Tháng 5, Âm lịch).
Nhưng, từ sau Tết Canh Tý 2020, nước ngọt dự trữ trên các tuyến kênh, mương nội đồng ở các vùng này đã kiệt quệ, trong khi đó các hệ thống cống điều tiết nước cũng đã được đóng kín từ lâu nên mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp hầu như ngưng trệ.

Một vườn bưởi da xanh ở xã Phú Túc, H. Châu Thành, Bến Tre chỉ còn lại chủ yếu là trái, trong khi lá cây đã rụng gần hết từ mấy ngày do thiếu nước tưới

Ảnh: Bắc Bình

Sầu riêng vụ thuận chỉ mới đậu trái đã bị chủ vườn hái bỏ dành sức cho cây vượt qua mùa mặn

Ảnh: Bắc Bình

Cấy giống vốn đặc biệt mẫn cảm với nước mặn nên đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các chủ vườn ươm tại Chợ Lách, Bến Tre

Ảnh: Bắc Bình

Cây giống ở Chợ Lách không có nước tưới nên chủ các vườn ươm đành đổ bỏ ven đường

Ảnh: Bắc Bình

Thiếu nước ngọt để tưới nên hàng chục ngàn ha vườn cây ăn trái ở Bến Tre và Tiền Giang đang rũ rượi, nhiều khả năng nông dân phải trồng cây khác thay thế do cây bị nhiễm mặn sẽ khó có thể phục hồi năng suất như trước.
Các giải pháp tốn hàng chục tỉ đồng tiền ngân sách như đắp đập tạm ngăn mặn bằng cừ của tỉnh Bến Tre, xây đập thép Nguyễn Tấn Thành ở tỉnh Tiền Giang… nhằm khu biệt nước ngọt trong các kênh mương cụt bộ phục vụ tưới tiêu cho vùng trái cây, hoa kiểng nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả đáng kể.
Đến những ngày đầu tháng 3.2020 cái nắng Nam bộ vẫn như đổ lửa. Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre vẫn đang nỗ lực với các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho xâm nhập mặn.

Đập thép “dã chiến” Nguyễn Tấn Thành (thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang) vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi

Ảnh: Bắc Bình

Nhiều cây kiểng, bonsai ở Chợ Lách đã khô trong chậu nên được chủ nhân của chúng bán đổ bán tháo để vớt vát tiền công chăm sóc

Ảnh: Bắc Bình

Nước ngọt đối với "Vương quốc hoa kiểng" Chợ Lách hiện là thứ được người dân trông chờ nhất

Ảnh: Bắc Bình

 

Hình ảnh hàng kiệu đựng nước như thế này đã dần xuất hiện tại khá nhiều gia đình ở Chợ Lách và các huyện phía Tây Tiền Giang. Điều này chưa từng xảy ra trước đây

Ảnh: Bắc Bình

 

Nhiều hộ dân xứ dừa cũng đã tuyệt vọng với cây này và đã đốn hạ tìm cây khác có giá trị lợi nhuận cao hơn để trồng

Ảnh: Bắc Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.