Xả rác, tiểu bậy... tràn lan ở Sài Gòn, Hà Nội: Phải xử lý mạnh tay hơn!

27/06/2016 08:06 GMT+7

Cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, đồng thời nâng cao ý thức người dân để chấm dứt nạn xả rác, tiểu bậy. Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 26.6 đăng bài Xả rác, tiểu bậy... tràn lan .

Thay đổi cách xử phạt
Theo tôi, để bắt quả tang và xử phạt những người vứt rác, tiểu bậy là không khó bởi họ thường tập trung vứt rác hoặc tiểu bậy ở một số điểm nhất định, cứ cho người túc trực hoặc lắp đặt camera tại các điểm nóng đó. Chỉ cần xử lý vài trường hợp, công khai trên các phương tiện đại chúng thì người nào có thói quen xấu sẽ sợ ngay. Tuy nhiên, cách xử phạt bằng tiền với mức 100.000 - 200.000 đồng là quá nhẹ sẽ không đủ tác dụng để họ bỏ thói xấu này.
Vừa qua, tôi thấy TP.HCM đưa ra biện pháp là buộc những người này phải rửa dọn chỗ tiểu bậy cũng rất hay. Vì vậy, ngoài việc phạt tiền, thì cũng nên có biện pháp kèm theo là buộc người xả rác, tiểu bậy phải lao động công ích.
Trần Tuấn Minh (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Thói quen xấu
Dường như việc tiểu bậy, xả rác đã trở thành thói quen xấu của rất nhiều người VN đến nỗi ai cũng xem đó là bình thường. Theo tôi, đó là do ý thức của mỗi người. Song, công tâm mà nói chỉ ở Q.1 (TP.HCM) thì mới dễ tìm nhà vệ sinh công cộng, còn ở các tuyến đường khác thì khó mà tìm được nơi để "trút bầu tâm sự". Vì vậy, theo tôi, bên cạnh việc chính quyền phải xử phạt mạnh tay đối với tình trạng này thì cũng nên có định hướng giáo dục, tuyên truyền và trang bị nhà vệ sinh, thùng rác… hữu hiệu hơn nữa.
Trần Quang Dinh ([email protected])
Giáo dục lâu dài
Trong khi chờ đợi sự nâng cao ý thức của người dân, thì cơ quan chức năng nên nâng cao trách nhiệm, tập trung tuần tra, xử lý thật nghiêm khắc những người vi phạm. Bên cạnh đó, giáo dục thế hệ tương lai cũng là một việc làm rất đáng quan tâm để thay đổi nhận thức con người về vấn đề này. Hiện nay, việc giáo dục những kỹ năng sống, cách ứng xử với xã hội cho học sinh ít được quan tâm nên ngay cả những em nhỏ cũng đã xem việc xả rác, tiểu bậy nơi công cộng là chuyện nhỏ, thì khi lớn lên, các em sẽ trở thành người như thế nào?
Nguyễn Thế Phương (Q.3, TP.HCM)
Phải làm ngay
Theo tôi, nếu không có sự quyết liệt, chủ động của các cơ quan chức năng đối với thực trạng này thì đừng bao giờ hy vọng người dân thay đổi được. Bên cạnh việc xử phạt nặng, kiểm tra thường xuyên, lắp đặt camera để phạt nguội..., thì cũng phải xây dựng, nâng cao chất lượng các nhà vệ sinh công cộng và bố trí thùng rác ở những nơi phù hợp.
Nguyễn Tuyết Anh (Q.2, TP.HCM)
Tại sao những nước lân cận làm được mà mình lại không làm được. Đó là do họ làm rất nghiêm. Còn ở VN thì có mấy ai đã bị xử phạt đâu nên tình trạng này cứ liên tục tiếp diễn. Sự thật là ý thức của một số người dân còn rất thấp, dù có tuyên truyền họ cũng không quan tâm, vì vậy, tốt nhất là cứ phải làm mạnh tay thì tự khắc họ sẽ chấp hành.
Lương Thị An (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Ngoài việc xử phạt thật nặng bằng tiền thì cũng cần phải có những biện pháp khác đánh vào lòng tự trọng của họ như nêu tên trên các phương tiện truyền thông, bắt buộc lao động công ích, dọn rác, rửa sạch các khu vực tiểu bậy... Quan trọng hơn hết là phải duy trì thường xuyên chứ nếu chỉ làm bữa có bữa không thì cũng chẳng đem lại kết quả.
Nguyễn Tấn Đạt (H.Củ Chi, TP.HCM)
T.T - Hải Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.