'Xâm hại trẻ em với mức độ nghiêm trọng và gia tăng'

16/06/2017 19:05 GMT+7

Đó là nhận định của chuyên gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại hội thảo Thực trạng và giải pháp phòng chống xâm hại và buôn bán trẻ em (do Hội Bảo trợ Trẻ em TP.HCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào ngày 16.6 tại TP.HCM).

Chỉ là phần nổi của tảng băng chìm
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, thuộc Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐ – TB và XH) TP.HCM, cho biết: Tính đến tháng 6.2017, số trẻ em dưới 16 tuổi tại TP.HCM là hơn 1,5 triệu trẻ. Trong đó, có hơn 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 35.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt...
Cũng theo ông Tính, tổng hợp báo cáo từ Phòng LĐ – TB và XH của 24 quận, huyện tại TP.HCM cho thấy: Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã xảy ra hơn 100 trường hợp xâm hại, bạo lực, hành hạ... trẻ em.
Ông Tính thẳng thắn nhìn nhận: Trên thực tế, còn có rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực xảy ra nhưng ngành LĐ – TB và XH không nắm bắt được. Một trong những nguyên nhân phổ biến là nhiều gia đình biết vụ việc xảy ra nhưng vì lý do riêng, đã không tố giác tội phạm.
“Tình hình xâm hại, bạo lực trẻ em đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Điều đáng lưu tâm là tính chất của các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức và hậu quả tác động của các vụ việc xâm hại, bạo lực này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ”, ông Nguyễn Văn Tính cảnh báo.
Trong khi đó, Trung tá Phan Văn Tặng (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho biết: Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận, huyện xác minh 14 vụ việc liên quan đến mua bán phụ nữ ra nước ngoài.
“Tình hình mua bán trẻ em ra nước ngoài những năm gần đây chưa phát hiện ra vụ việc nào. Tình hình mua bán phụ nữ thì cũng không nhiều, thỉnh thoảng có gia đình của nạn nhân đến trình báo con em của họ bị các đối tượng đưa ra nước ngoài, nhất là đưa đến những cơ sở dịch vụ để tiếp khách. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra ở nước ngoài nên việc thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên, mấy năm trở về đây, số vụ việc nạn nhân trình báo thì có nhưng chưa xử lý được vụ việc nào về mua bán phụ nữ ra nước ngoài”, trung tá Tặng nói.
Phản hồi lại ý kiến trên, bà Đoàn Lê Phong (Phó chủ tịch Hội phụ nữ Từ thiện TP.HCM) nói: “Qua một số thông tin, chúng tôi thấy bất ngờ vì TP.HCM an bình quá. Nhưng tôi cảm thấy lo sợ trong sự an bình đó”. Bà Lê Phong chia sẻ thêm: “Tôi có một người em dâu, không hiểu sao 3 tháng nó đi đâu mất tích. Gia đình đã báo công an nhưng chưa có thông tin gì...”.
Nhận định về vấn đề chưa phát hiện được vụ việc nào liên quan đến phụ nữ và trẻ em sống tại TP.HCM bị mua bán ra nước ngoài, ông Trần Công Bình, Chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bình luận ngắn gọn: “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

tin liên quan

Lập tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em bị xâm hại
Ngày 3.4, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Bộ đã đề xuất mở tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em sau khi xảy ra hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Cần những giải pháp căn cơ
Đã và đang tham gia nhiều vụ việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng tình hình buôn bán trẻ em và phụ nữ rất phức tạp. Vì vậy, cần có những cách giải quyết tận gốc vấn đề, đó là phải đào nghề, tạo công ăn việc làm cho những nạn nhân.
Theo luật sư Ngọc Nữ, cần đẩy mạnh phòng ngừa xâm hại trẻ em bằng việc tuyên truyền pháp luật tận những khu dân cư và trường học.
“Khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, các vụ huynh cần bình tĩnh để thu thập và lưu giữ chứng cứ. Có những vụ đã có được 90% chứng cứ để có thể đưa kẻ phạm tội ra tòa, nhưng do phụ huynh mất bình tĩnh nên đối tượng đã kịp phi tang. Phụ huynh cũng nên mạnh dạn tố giác tội phạm, vì im lặng là tội ác”, luật sư Ngọc Nữ nhắn nhủ.
Luật sư Ngọc Nữ đề nghị cơ quan công an nên linh hoạt, nhanh chóng hơn trong việc thu thập chứng cứ và điều tra vụ việc. Bên cạnh đó, cần đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho một số chiến sĩ nữ tham gia xử lý những vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Luật sư Lý Thị Tố Mai (Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) nêu ý kiến: “Nói gì thì nói, luật pháp phải tôn trọng chứng cứ. Chúng tôi làm nhiều vụ xâm hại tình dục thấy chứng cứ mong manh vô cùng. Có những ông bố bà mẹ sau khi nghe con kể bị xâm hại tình dục, đã giục con mau mau đi tắm!”.
Theo luật sư Tố Mai, tốt nhất là ngăn ngừa các vụ việc xảy ra chứ không phải chỉ lo giải quyết hậu quả. Bà Mai lưu ý một số trường hợp trẻ em nam bị xâm hại nhưng việc thu thập chứng cứ cũng rất khó khăn.
“Các vụ xâm hại tình dục trẻ em trước nay phải xử kín thì bảo vệ cái gì? Đó là để bảo vệ nạn nhân chứ không phải xử kín là không cho tất cả mọi người biết để phòng chống, ngăn ngừa”, luật sư Tố Mai nêu quan điểm.
Có thể đưa nạn nhân đi giám định bất cứ lúc nào
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, thuộc Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội TP.HCM, thông tin: Khi xảy ra các vụ trẻ bị xâm hại, gia đình cần liên hệ ngay với Phòng LĐ- TB- XH quận, huyện để lấy giấy giới thiệu đưa trẻ đến giám định bất cứ lúc nào tại Trung tâm Pháp y TP.HCM (số 336 đường Trần Phú, P.7, Q.5). Kết quả giám định sẽ được chuyển thẳng cho cơ quan điều tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.