Xe buýt những ngày giãn cách phòng Covid-19, người Sài Gòn hồi hộp đứng đón xe

06/05/2020 19:46 GMT+7

Xe buýt tại TP.HCM hoạt động trở lại khiến nhiều người Sài Gòn thường xuyên di chuyển bằng phương tiện công cộng vừa mừng vừa lo khi đứng trạm chờ mà xe nếu đủ khách theo qui định nên không thể ghé rước.

Sau cách ly xã hội, 69 tuyến xe buýt trợ giá tại TP.HCM đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP.HCM, hành khách đi xe buýt ngồi cách nhau một ghế hoặc tối thiểu 1 mét để đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 19.
Vì vậy, hầu hết các xe buýt đều chỉ chở 50% khách so với trước đây. Không những chở số lượng khách ít hơn mà hầu hết các chuyến xe đều bị cắt giảm chuyến so với khi chưa có dịch Covid-19.

Không ghé trạm khi đã đủ số lượng người

Hết cách ly xã hội, những chuyến xe buýt đông khách vào ngày thường như xe buýt 150 (Bến xe Chợ Lớn - Ngã 3 Tân Vạn), xe buýt 19 (Bến xe Công viên 23/9 - Bến xe ĐHQG),… tiếp tục phương tiện chủ yếu để di chuyển trong thành phố đến nơi làm việc, đi học của nhiều người.
Theo ghi nhận vào ngày đầu xe buýt hoạt động trở lại, để phòng dịch Covid-19, mỗi xe buýt đều trang bị nước rửa tay trên xe, lau dọn xe buýt thường xuyên sau mỗi chuyến đi.

Một số chuyến xe buýt thưa người những cũng có một số chuyến đông người trong những ngày đầu xe buýt chạy lại.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hành khách sau khi lên xe buýt sẽ được tiếp viên nhắc nhở để ngồi giãn cách và không ngồi chung hàng ghế. Một số xe buýt in giấy dán lên ghế để phân biệt ghế nào được phép ngồi đảm bảo khoảng cách cho hành khách khi lên xe.
Bên cạnh đó, để hạn chế tập trung đông người, nhiều chuyến xe buýt khi chở đủ số lượng hành khách, các tài xế tiếp viên sẽ không ghé trạm để đón khách và ra dấu hiệu cho hành khách đợi chuyến xe sau.
Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sau những ngày cách ly xã hội nhưng xe buýt thực hiện giãn cách khiến nhiều người than thở khi phải dành nhiều thời gian ở trạm xe buýt dưới thời tiết nắng nóng của Sài Gòn. Chưa kể, nhiều người còn phải đối diện với áp lực muộn giờ học, giờ làm, giờ khám bệnh,…

Tiếp viên, tài xế xe buýt sẽ ra hiệu không nhận thêm hành khách lên xe nếu xe đã đủ số lượng hành khách cho phép để phòng dịch.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Đặc biệt, một số trường đại học trên địa bàn thành phố đã có lịch học trở lại. Với tình trạng này, nhiều người không khỏi lo lắng khi mới ít trường cho đi học lại mà như vậy, không biết sau này nhiều trường đại học đồng loạt cho sinh viên trở lại thì phải làm thế nào?

Đợi xe

“Giờ đi ăn đi, quay lại có xe buýt là vừa”, “không lẽ giờ đi bộ về nhà” hay “đi khám bệnh mà chờ nửa tiếng rồi vẫn chưa có xe”, là những câu nói quen thuộc của những người đợi xe buýt ở các trạm xe trong ngày đầu xe buýt hoạt động trở lại.

Một sinh viên đứng đợi xe buýt ở trạm đã hơn 30 phút nhưng bị từ chối khi xe buýt đến

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Trên các hội nhóm về xe buýt trên Facebook, nhiều cư dân mạng cũng thể hiện sự lo lắng. Tài khoản Minh Chiến đăng status với nội dung: “Chiều định lên Sài Gòn chơi mà ngồi đợi xe 622 hơn 2 giờ. Ra công viên ngồi uống hết ly cà phê mà toàn thấy xe công nhân về”. Lập tức, nhiều cư dân mạng khác cũng hài hước hưởng ứng rằng chủ bài viết nên ở nhà luôn.
Tài khoản Hoa Hoang bình luận: “Nắng lên cao chưa lên được xe về luôn học hành gì nữa”. Tài khoản Hưng Lê góp vui: “Cho mình hỏi xe 81 chạy lại chưa ạ, mình đứng đây từ sáng”.

Người Sài Gòn đứng dưới thời tiết nắng nóng của Sài Gòn để đợi xe buýt.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Từ ngày 4.5, sinh viên trường ĐH Công nghệ TP.HCM - HUTECH (Q. Bình Thạnh) bắt đầu trở lại trường sau nhiều ngày cách ly xã hội. Là một trong những trường đại học ở TP.HCM cho sinh viên quay lại giảng đường sớm nhất, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bến xe buýt trước trường cổng trường ĐH Công nghệ TP.HCM luôn đông người đợi xe buýt, đặc biệt vào buổi trưa hay cuối giờ chiều khi tan tầm.
Phương tiện đi lại của Kim Thành (20 tuổi) chủ yếu là xe buýt và thường xuyên đón tuyến 150 để đến trường. Thành kể, từ sáng 4.5 sau khi có lịch học trở lại, Thành đã đi học muộn ngay buổi học đầu tiên vì lỡ chuyến, không đón được xe buýt 150. Nhà ở quận 6 khá xa trường lại không có phương tiện cá nhân nên việc di chuyển bằng xe ôm công nghệ quá sức với Thành về chi phí.

Xe buýt là phương tiện đi lại chủ yếu của nhiều người bao gồm công nhân, sinh viên,... vì không có phương tiện cá nhân.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Lúc trước xe số 150 khoảng 5 đến 10 phút là có một chuyến, nhiều khi 2 chuyến đến một lần, nay mình chờ cũng hơn 15 phút rồi mới có một chuyến mà lúc nãy đủ người, phải ngồi đợi tiếp. Nếu chuyến tiếp theo cũng vậy nữa thì mình cũng không biết phải làm sao ngoài việc ngồi đợi tiếp và về nhà trễ”, Thành thở dài.
Tương tự với Thành, Nguyễn Ngọc Phương Trà (21 tuổi) lo lắng chia sẻ vì có lịch học vào buổi tối đến 20 giờ 30, nhưng khi ra đón xe buýt 150 để về nhà thì lại không có xe dù ngày bình thường đến 21 giờ vẫn có thể đón được xe buýt 150.

Nhiều người buồn rầu, bất lực khi xe buýt đến nhưng lại không được lên xe.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

 Chiều nay 6.5, Bộ GTVT vừa cho phép gỡ bỏ toàn bộ quy định giãn cách trên tất cả các phương tiện vận tải hành khách gồm xe buýt, taxi, xe khách, tàu hoả, máy bay, tàu thủy... từ ngày mai, 7.5. Theo công điện khẩn gửi đến Tổng cục Đường bộ, Cục Hàng không, Cục Đường sắt, Cục Hàng hải và các Sở GTVT, Bộ GTVT cho biết, dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện đã cơ bản được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm (20 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng). Nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách gồm xe buýt, taxi, xe khách, tàu hoả, máy bay, tàu thuỷ… Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 7.5.
Với thông tin này, những hành khách đi xe buýt sẽ thuận lợi hơn và không còn phải khó khăn khi đứng đón, chờ xe. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.