Sáng 29.1, cộng đồng mạng xôn xao trước video clip “hôi của” chỉ trong 15 giây với sự tham gia của nhiều người. Sau khi tiền rớt, có rất nhiều người đã nhanh chóng chạy đến để… “hôi của” thay vì nhặt trả lại cho người bị rớt. Vụ việc gây xôn xao dư luận, nhiều trang mạng nhanh chóng chia sẻ bài viết và ngập tràn những bình luận chỉ trích, phê phán lòng tham.
“Mất cả rồi”
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chủ nhân của số tiền 30 triệu đồng bị rơi là chị Bảo Trân (25 tuổi), quê ở Long An. Theo lời chị Trân, vào lúc 11 giờ 30 ngày 28.1, chị rút 30 triệu tích góp một năm qua để mang đi trả nợ nhưng không may rớt mất. Chia sẻ thêm, chị Trân cho biết đánh rơi tiền trên đường D4 thuộc P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM. Sau khi đi tiếp một đoạn và được người đi đường đuổi theo báo, Bảo Trân mới nhận ra số tiền của mình đã bị người ta lượm hết.
Sau khi trích xuất camera an ninh từ nhà người dân gần đó, Bảo Trân đã liên hệ, khóc xin mọi người trả tiền nhưng cô chỉ nhận được những cái lắc đầu. Riêng người bán hàng gần đó trả lại 4 triệu đồng.
Từ khi xảy ra vụ việc, chị Trân vô cùng lo lắng, buồn bã, không dám về quê ăn tết vì số tiền dành dụm trả nợ đã mất sạch. Bảo Trân cũng chưa dám cho gia đình hay tin vì sợ cha mẹ bị “sốc”. Cô bạn Hải Băng (25 tuổi, quê Gia Lai), bạn cùng phòng của Trân cũng lo lắng chia sẻ: "Trân vốn hiền lành, chăm chỉ làm ăn, chuyện không may này khiến Trân vô cùng buồn bã. Bạn ấy không ăn không ngủ suốt 2 ngày, người tiều tụy vì thất vọng". Hải Băng hiện vừa an ủi Trân, vừa giúp bạn xoay xở tìm cách kiếm lại số tiền đã mất.
Bảo Trân tâm sự, từ trước đến nay chị là trụ cột của gia đình gồm cha mẹ cùng người em 7 tuổi ở quê. Năm 2020, dịch Covid-19 khiến công việc buôn bán quần áo của Trân thua lỗ, nợ nần. May mắn thay, sau khi biết được sự việc và kiểm chứng video trích xuất từ camera, phía chủ nợ đã đồng ý gia hạn cho Bảo Trân.
|
Có thể xử lý hình sự
Chị Trân cho biết vì đoạn clip không thấy được mệnh giá tiền nên cơ quan chức năng khó xác định. Ngày 29.1, Thanh Niên liên hệ Công an P.Tân Hưng (Q.7, TP.HCM), được biết sự việc có diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, trường hợp này như tài sản cá nhân bị rơi rớt, đâu có ai móc túi, người ta nhặt xong bỏ đi hết nên không thể giải quyết ngay được. Công an P.Tân Hưng cũng cho biết không có thẩm quyền trả lời chi tiết về vụ việc.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho biết về trách nhiệm hành chính, căn cứ theo điểm e khoản 2 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả được xếp vào hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác và có thể bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Về trách nhiệm hình sự, theo điều 176 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, khung hình phạt áp dụng căn cứ vào giá trị tài sản nhặt được. Phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với hành vi nhặt được/tìm được/bắt được/giao nhầm tài sản có giá trị từ 10 đến dưới 200 triệu đồng nhưng không trả lại. Như vậy, theo luật sư, trường hợp “lượm tiền” như bài viết nêu trên, trong quá trình cơ quan chức năng điều tra xem xét, nếu không đủ để xử lý về hình sự thì sẽ xử phạt hành chính.
Cư dân mạng bức xúc lên tiếng chỉ trích kịch liệt hành động “hôi của” đáng xấu hổ này. Thậm chí còn cho rằng người lớn đã dạy hư đứa trẻ khi trong clip có hình ảnh một chị chạy xe dừng lại cho đứa bé xuống nhặt rồi rời đi. Tết nhất đến nơi, dân mạng mong muốn cơ quan chức năng nên vào cuộc giúp chị Trân tìm lại đồng tiền mồ hôi nước mắt, thậm chí có người còn tạo page quyên góp để giúp đỡ chị Trân.
Bình luận (0)