Hai ngày qua, nhiều người con Lệ Thủy xa quê đi khắp các nhóm trên mạng xã hội để cầu cứu tiếp tế lương thực khẩn cấp đến người thân của mình trong vùng rốn lũ. Họ càng lo lắng, sốt ruột hơn khi nghe tin người thân vẫn phải cố thủ trên nóc nhà, không thể liên lạc mà thức ăn, nước uống cạn kiệt.
Mất trắng tất cả
Anh H.T.P (sinh viên học tại Đà Nẵng) cho biết, là con trai trong nhà nhưng lại ở xa gia đình lúc quê hương đang là rốn lũ khiến lòng anh như lửa đốt. Trong đêm 18.10, khi nước lũ lên nhanh, anh không dám chợp mắt mà thức trắng đêm để liên lạc liên tục với gia đình.
Anh P. lo lắng kể: “Lúc chiều qua tôi liên lạc còn được, ba mẹ nói ở đây giờ chỉ có ăn mì tôm sống thôi, nhưng mì thì cũng hết rồi, nước uống cũng không có phải uống nước mưa. Không biết có đoàn cứu trợ nào tiếp cận được không vì ở đây nước ngập sâu quá, các đoàn chưa tiếp cận được. Lúa để dành cũng ướt hết cả rồi vì nước lên quá nhanh”.
|
Chiều 19.10, nước bắt đầu xuống chậm dần, thuyền vào được, cả nhà liền nhờ hàng xóm đẩy thuyền đưa ông sang nhà hàng xóm tránh ít hôm.
“Lụt kiểu này mất trắng hết cả rồi. Xe máy, tủ lạnh, ti vi, máy giặt,… tất cả đều chìm trong nước, hư hết cả rồi”, anh P. thở dài.
|
Lần gần nhất chị Thu liên lạc được với gia đình thì nhận được thông tin cả nhà tại xã Xuân Thủy vẫn đang ở trên nóc nhà, thức ăn và nước uống hết sạch, sau đó tất cả số điện thoại của người nhà đều không liên lạc được khiến chị sốt ruột.
|
‘Mong đừng bỏ sót nhà nào’
Chị Đặng Thị Vân Anh (29 tuổi, ngụ Đồng Hới) cho hay, gia đình chị 6 người thì 2 người đang bám trụ trên nóc nhà ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy còn 4 người kia đã đi trú nhờ nơi khác. Hiện nay để cập nhật tình hình, chị Vân Anh chỉ có thể gọi cho người hàng xóm gần nhà chứ không còn liên lạc được với gia đình.
Chị Thủy nói, có nhiều đoàn cứu trợ đến tiếp tế lương thực nhưng không tiếp cận được vùng An Thủy vì ngập sâu. Khi lên nóc nhà, người thân của chị có dự trữ chút đồ ăn nhưng đều bị nước cuốn trôi.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư huyện Lệ Thủy cho biết hiện nước đang rút rất chậm, một số hộ di dân tập trung ở trụ sở xã, trường học ở tạm, một số thì bám trụ tại nóc nhà hoặc tầng trên cao của căn nhà.
Nói về việc người dân lên mạng xã hội cầu cứu tiếp tế lương thực, ông Thế cho biết, trong hôm nay 20.10 lực lượng cả tỉnh được huy động để tham gia cứu trợ cho bà con ở huyện. Hôm nay nước rút bớt nên nhiều đoàn cứu trợ cũng mới tiếp cận được xã An Thủy.
|
Theo ông Thế, đợt ngập này huyện có 3 xã nằm ở vùng trũng, hạ lưu sông Kiến Giang bị ngập sâu nhất là: An Thủy, Lộc Thủy và Sơn Thủy. Việc cứu trợ bà con có một số bất cập vì hàng cứu trợ chuyển về trung tâm xã nhưng xã không thể cùng lúc phát hết cho tất cả mọi nhà vì không đủ lực lượng, không đủ xuồng, nước lại ngập rất cao.
Ông Thế cũng nói thêm, chiều 20.10, huyện Lệ Thủy vẫn đang có mưa, nước ngập mênh mông, cả huyện chưa có điện trở lại vì vậy đến 7 giờ là trời tối đen như mực, việc di chuyển trong thời tiết, điều kiện như vậy cũng rất khó khăn cho những người tham gia công tác cứu trợ với tinh thần khẩn trương.
Bình luận (0)