Chẳng ai có thể đoán được đâu là ranh giới giữa suối và đường..
Một trưa cuối tháng 7, những tình nguyện viên của Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông cộng đồng SECC tìm đến thôn Hà Dài để đem dự án "Xây trường Tottochan” (một dự án tình nguyện) đến với trẻ em người Raglai nơi đây.
tin liên quan
Đánh cược mạng sống trên những con đò vượt sông Ngàn SâuNgười dân các xóm Liên Hòa, Liên Châu, Tân Lệ, Bình Quang của xã Đức Liên (H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) nhiều năm qua phải đánh cược mạng sống trên chiếc thuyền nhỏ để qua sông sản xuất nông nghiệp, học tập và mưu sinh.
Các tình nguyện viên đang mải mê dạy học thì cơn mưa ập đến. Mưa như trút nước. Mưa càng lúc càng lớn. Đám học sinh nhao nhao: "Đêm nay thầy, cô phải ở lại đây rồi". Những học sinh ở các thôn khác cũng ngậm ngùi, thút thít: "Làm sao được về nhà đây?"...
Thoáng thấy những người phương xa như chúng tôi tỏ vẻ chưa hiểu, những đứa trẻ ngập ngừng giải thích: "Vì đường ngập rồi, bãi tràn cũng ngập luôn rồi".
Cảnh tượng đang diễn ra hoàn toàn khác xa lúc trưa. Lối đi bê tông khô ráo đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, vì mưa đã làm cho nước suối dâng, tràn lên bãi tràn Hà Dài hơn nửa mét, thậm chí gần cả mét.
|
Mưa vẫn rơi không ngớt, khiến những dòng chảy càng táo bạo, xoáy mạnh hơn và xiết đến đáng sợ, như muốn nuốt chửng bất kỳ ai có ý định băng qua.
Chúng tôi không một ai dám băng suối để bước qua bên kia bờ, là trung tâm của xã Ma Nới. Đây lại là con đường duy nhất nối giữa xã Ma Nới vào thôn Hà Dài. Chúng tôi bị cô lập hoàn toàn. Cái cảm giác bị cô lập bởi dòng nước thật đáng sợ.
tin liên quan
Hàng ngàn người lội nước tiễn biệt nữ sinh thiệt mạng khi vượt lũ đến trườngChiều nay, 5.11, hàng ngàn người tiễn đưa nữ sinh Dương Thị Kim Anh về nơi an nghỉ cuối cùng khi nước lũ vẫn chưa rút.
Nhìn phía bên kia suối, có nhiều người chịu chung cảnh ngộ. Ai đó qua trung tâm xã có việc, bây giờ muốn về thôn Hà Dài cũng chẳng thể qua sông. Chỉ có những người vì "chẳng đặng đừng", mắc việc quan trọng, gấp gáp, mới phải bất chấp băng suối về nhà, bằng cách dò dẫm từng bước khó khăn. Rồi họ phải mang vác theo nhiều vật nặng trên người để chống chọi lại sức mạnh của những dòng nước cuồn cuộn hung bạo, để không bị cuốn trôi.
Nhìn nhiều đứa trẻ lượm đá bỏ vô cặp cho thật nặng với ý định vượt suối, chúng tôi ngăn lại.
Thật xót xa khi nhìn hình ảnh ấy, nhìn cây cầu Hà Dài bị chìm hẳn trong những dòng nước, làm cô lập thôn Hà Dài với xã Ma Nới, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng đất nghèo này. Những giao thương - trao đổi lương thực, thực phẩm đều bị hoãn lại. Rồi các học trò nghèo bắt buộc phải lựa chọn: một là nghỉ học, hai là chấp nhận nguy hiểm để băng suối đến trường...
Thế nhưng với đồng bào Raglai nơi đây, cũng như với đám học sinh nghèo ở mảnh đất này thì hình ảnh ấy đã quá đỗi quen thuộc. Cứ mỗi khi thời tiết khắc nghiệt, những cơn mưa dầm dề trút xuống, thì họ tự khắc hiểu: Cầu Hà Dài đã chìm, thôn Hà Dài đã bị cô lập hoàn toàn.
Cái khó khăn, cái nghèo khổ đã khiến họ không dám ước mơ có một cây cầu vững chãi hơn, an toàn hơn, nối giữa thôn Hà Dài và xã Ma Nới. Họ dường như chấp nhận, cam chịu. Chỉ biết khi mưa thì chờ cho nước xuống. Hoặc chấp nhận mạo hiểm mà băng suối...
tin liên quan
Xe trâu lội nước 'vượt' sông Ngàn SâuTừ bao đời nay, cứ vào mùa thu hoạch, hàng trăm người dân ở xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) lại phải điều khiển xe trâu chơi vơi giữa dòng sông Ngàn Sâu để chở lúa về nhà trong sự hiểm nguy rình rập.
Như chính lãnh đạo địa phương, ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch xã Ma Nới, cũng thừa nhận: "Cuộc sống của khoảng 170 hộ dân thôn Hà Dài (trẻ em rất nhiều - PV) thường rơi vào cảnh điêu đứng mỗi khi mưa lớn. Họ bị "kẹt" ở thôn, bị cô lập vì dòng nước suối tràn lên bãi tràn, phải chờ nước rút cạn. Học sinh cũng vì thế mà đành nghỉ học. Thấy cuộc sống của họ như thế, tội và xót xa lắm".
Cũng theo ông Vinh, người dân đã nhiều lần kiến nghị, "nhưng biết làm sao được khi kinh phí xây dựng cầu quá lớn, vượt qua khả năng của xã, lấy tiền đâu mà đầu tư. Ngân sách nhà nước thì có hạn, chắc phải chờ dài cổ, chắc ước mơ có cây cầu phải mất khoảng chục năm nữa mới trở thành sự thật".
Ông Cao Trọng Bằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ma Nới, cho biết: "Hễ đến ngày mưa to, nhất là mùa bão lũ, thì học sinh thôn Hà Dài phải nghỉ học rất nhiều. Vì chẳng thể băng suối đến trường. Chúng tôi cũng lo đến tính mạng của học sinh, nên luôn coi dự báo thời tiết, để phối hợp cùng xã phát loa thông báo cho học sinh, khuyến cáo không được đi học. Nhìn học sinh phải nghỉ học vì thời tiết, thương lắm, nhưng biết phải làm sao?".
Chia sẻ với người viết, người dân nơi đây cho biết họ thật sự cần có một cây cầu như thế. Để có mưa bão đi chăng nữa, họ không phải rơi vào tình cảnh không thể về nhà, để nỗi ám ảnh bị cô lập mỗi khi mưa về không còn nữa...
Và những đứa trẻ Raglai ở đây cũng vậy, khi nói chuyện với chúng tôi, chúng không mong ước gì cho bản thân. Chỉ mong ở thôn mình có một cây cầu thật chắc, thật vững vàng được xây. Để dù trời có mưa tầm tã, có bão lũ đi chăng nữa, chúng vẫn có thể đến trường để kiếm tìm con chữ, không còn cái cảnh "ngày nắng đi học, ngày mưa bắt buộc phải ở nhà" như bấy lâu nay. "Chứ có khi thèm học quá, tụi em phải lén cha mẹ, Để băng suối đến trường", những chia sẻ này của các học sinh người Raglai ở đây khiến chúng tôi không thể cầm được nước mắt.
Chúng khao khát đến trường, khao khát được đến lớp học, mà đôi khi tất cả phải hoãn lại, chỉ bởi... một cây cầu.
Theo ông Võ Đình Vinh, Chủ tịch UBND H.Ninh Sơn, đây là vấn đề trăn trở của địa phương từ nhiều năm qua. Huyện đã có đề xuất xây cầu bắc qua con suối Hà Dài để người dân đi lại trong mùa mưa lũ nhưng do kinh phí của tỉnh còn khó khăn nên chưa thực hiện được.
Bình luận (0)