Xót xa vị chủ tịch xã quên mình giúp dân bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm trong lũ

18/11/2020 08:00 GMT+7

Ông Phan Thanh Miên (51 tuổi, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình ) sau thời gian dài lăn xả trong nước lũ giúp dân đã ra đi vì nhiễm khuẩn trong nước bẩn, khiến cư dân mạng, bà con tiếc thương.

Hết mình vì dân

Theo lời ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Trạch, khi tổ chức thực hiện cứu hộ người dân trong nước lũ, ông Miên va chạm vật cứng, nhưng không nghĩ nguy hiểm đến vậy. Khi ông Miên sốt, có ra trạm xá tiêm và sau 3 - 4 ngày thì sụt khoảng 15 kg.
“Nếu có điều kiện thì đi Hà Nội ngay lúc đó, nhưng vì gia đình khó khăn nên phải đi từng bước, vào bệnh viện tuyến huyện, rồi vào Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, sau đó chuyển vào Huế. Tại Huế, các bác sĩ hội chẩn với bác sĩ nhiều nơi khác đã xác định “vi rút lạ” trong nước bẩn, làm nhiễm trùng máu xong hại đến nội tạng và chảy máu dạ dày. Gia đình không còn hy vọng nữa đã đưa anh Miên về và anh trút hơi thở cuối cùng”, ông Vui kể.

Ngôi nhà đầy nước mắt của chủ tịch xã chết vì virus lạ trong nước lũ

PV Thanh Niên thăm hỏi, động viên và trao 5 triệu đồng tiền bạn đọc hỗ trợ vợ con của ông Miên vượt qua khó khăn trước mắt Ảnh: H.M

PV Thanh Niên thăm hỏi, động viên và trao 5 triệu đồng tiền bạn đọc hỗ trợ vợ con của ông Miên vượt qua khó khăn trước mắt

Ảnh: H.M

“Vi rút lạ” chính là vi rút gây bệnh Withmore mà Bệnh viện Trung ương Huế vừa ghi nhận sau những trận lũ dữ ở miền Trung.
Ông Vui nhận xét: “Trong thời gian diễn ra lũ lụt, đồng chí Miên có trách nhiệm và phải nói rằng, với tư cách Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cũng là Trưởng ban Phòng chống bão lụt, đồng chí đã triển khai kế hoạch, rồi bám sát địa bàn; đặc biệt phối hợp với các cơ quan ban ngành, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lúc hoạn nạn. Vì chưa lúc nào mà xã Bắc Trạch trải qua trận đại hồng thủy như vậy, lớn hơn mực nước năm 2010. Dân cả đêm kêu cứu, nhưng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Miên, anh em đã phối hợp đưa được rất nhiều người lên các điểm cao”.

Mong có chính sách tương xứng

Ông Miên ra đi, để lại vợ và 3 người con, trong đó con út Phan Hiền Nhi mới học lớp 2.
Bà Nguyễn Thị Oanh (46 tuổi, vợ ông Miên) kể những ngày mưa lũ, khi nước vô đến sân nhà thì bà gọi chồng về để kê đồ lên cao nhưng ông nói “để lo ngoài xã cho xong”. “Suốt ngày đó anh cứ theo lụt bão, đến tận chiều hôm sau mới ghé nhà một tí. Tối 20.10, anh đi cứu dân, tôi ở nhà dọn đồ. Anh bị xước một tí nơi đầu gối phải, có ra sơ cứu tại trạm xá rồi tiếp tục đi cứu dân, không nghĩ vết thương trầm trọng vậy”, bà Oanh nghẹn ngào và cho biết: “Bác sĩ ở Huế tận tình cứu chữa nhưng khi đó quá muộn...”.
Khi xảy ra mưa lũ, 2 con gái lớn của vợ chồng ông bà là Phan Thị Cẩm Hương (27 tuổi) và Phan Thị Cẩm Linh (25 tuổi) đang sống, làm việc ở miền Nam. Linh kể: “Lúc ba em bị bệnh đi bệnh viện, ba không cho mẹ điện cho em với chị. Rồi khi em điện về, hỏi mãi mẹ mới nói là ba bị đau, khi đó ba còn nói sốt sơ sơ. Em định về mà mẹ nói thôi, ba chưa có chi nghiêm trọng”, rồi nấc nghẹn: “Sau đó ba trở nặng, em về mà chỉ gặp được ba 1 lần ở Huế rồi ba hôn mê. Ba thương con cái. Cả cuộc đời chỉ có ba lo cho con, cho chị, cho em gái chứ con cái chưa làm được cái gì cho ba cả”.
Điều mà cán bộ, nhân dân Bắc Trạch và cả gia đình ông Miên mong muốn là các cấp quan tâm chế độ chính sách cho gia đình vị chủ tịch xã. Mới đây, Phó chủ tịch UBND xã Bắc Trạch Phan Văn Thành ký văn bản đề nghị, báo cáo UBND H.Bố Trạch xem xét, cho ý kiến về đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng ba cho ông Phan Thanh Miên, đã vì nhân dân quên mình trong công tác phòng chống lũ lụt năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.