Vụ việc này Báo Thanh Niên đã từng có bài phản ảnh vào tháng 5.2016.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị liên quan lập hồ sơ về việc bồi thường, bố trí tái định cư cho 7 hộ dân chưa được bồi thường và tổ chức kiểm điểm, xử lý cán bộ vi phạm chậm thực hiện việc hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ ngừng sản xuất, hỗ trợ gia đình chính sách... bị ảnh hưởng bởi dự án.
Từ năm 2008 - 2015, trong quá trình GPMB, bố trí tái định cư để triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải ở P.Nhơn Bình do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có 13/127 hộ bị ảnh hưởng đã khiếu nại.
Theo kết quả thanh tra của Bộ TN-MT, khung chính sách tái định cư và phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ GPMB do WB ban hành đều có quy định về khoản hỗ trợ đời sống nhưng trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương không áp dụng chính sách này. Sau khi các hộ dân khiếu nại, UBND tỉnh Bình Định mới ban hành quyết định bổ sung về khoản hỗ trợ.
Các hộ bị thu hồi đất không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ thêm từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng/hộ trong thời gian tối thiểu 3 tháng (kế hoạch tái định cư đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt có chính sách hỗ trợ này) nhưng chính quyền địa phương không thực hiện. UBND P.Nhơn Bình không xác nhận đầy đủ các hộ thuộc gia đình chính sách, khi bị khiếu nại mới có quyết định bổ sung việc hỗ trợ cho 9 gia đình chính sách.
Dự án có 18 hộ dân lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở từ trước tháng 7.2004 nhưng có 7 hộ bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính, còn 11 hộ không xử lý. Khi thực hiện chính sách bồi thường GPMB nhà máy xử lý nước thải ở P.Nhơn Bình, tỉnh Bình Định bồi thường đất ở và bố trí tái định cư cho 11 hộ không bị lập biên bản, 7 hộ bị lập biên bản không được bồi thường, dẫn đến không công bằng, gây khiếu nại tố cáo kéo dài.
Bình luận (0)