Nhiều sự cố ngang nhiên đi lên đường cao tốc, băng qua đường gây va chạm, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông... Việc xử phạt người đi bộ vi phạm đang như bắt cóc bỏ đĩa, khi tình trạng này không giảm mà vẫn tiếp diễn.
Ngày 2.11, trên phố Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, chiếc xe bồn trộn xi măng do Nguyễn Huy T. (25 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển di chuyển trên đường Vĩnh Tuy bất ngờ tông trúng ông Nguyễn Viết T. đang đi bộ sang đường. Vụ tai nạn khiến ông Nguyễn Viết T. ngã ra đường và bị xe bồn cán qua người, tử vong tại chỗ. Theo người dân chứng kiến vụ việc, người đàn ông đi bộ qua đường do không chú ý quan sát nên đã xảy ra vụ việc đáng tiếc trên.
Trước đó, anh Nguyễn Văn Chiến (Quảng Ninh) đi qua đường va chạm với xe tải do anh Bùi Văn Tám điều khiển. Hậu quả, anh Chiến tử vong tại chỗ. Nguyên nhân do anh Chiến sang đường không chú ý quan sát, lái xe tải không làm chủ được tốc độ.
Theo Nghị định 46, từ 1.1.2018, người bộ hành đi qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách hoặc đi vào đường cao tốc, có thể bị phạt hành chính từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài ra, theo điều 260 bộ luật Hình sự, từ 1.1.2018, người đi bộ, dẫn dắt động vật sai quy định khi tham gia giao thông đường bộ, nếu gây tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt đến 15 năm tù hoặc phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.
Dù mức phạt rất nặng, nhưng tình trạng vi phạm, đi bộ sang đường không quan sát, không đúng làn đi bộ vẫn diễn ra rất phổ biến.
Theo ghi nhận tại Hà Nội, ở những khu vực giao thông phức tạp như Bến xe Mỹ Đình, người đi bộ vẫn thản nhiên nườm nượp qua đường. Thậm chí, quanh nhiều trường đại học và cao đẳng, mặc dù có cầu vượt bộ hành nhưng người dân vẫn chọn đi tắt qua đường.
Theo một cán bộ cảnh sát giao thông, việc xử lý người đi bộ vi phạm gặp những khó khăn nhất định do mức phạt hiện nay rất thấp. Về cơ bản, CSGT chỉ xử lý các trường hợp đi lên đường cao tốc và nhắc nhở đối với một số trường hợp đi vào nơi không dành cho người đi bộ qua đường, chủ yếu hiện tại vẫn là nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức.
Không chỉ Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố lớn khác cũng đã đầu tư hàng loạt cầu đi bộ, hầm đi bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Dù vậy, văn hóa đi bộ vẫn chưa được hình thành ở nhiều nhóm đối tượng. Nhiều người đi bộ vẫn có ý nghĩ mình là nhóm đối tượng ưu tiên, không bị xử phạt, nên tiện đâu đi đấy mà không cần tuân thủ quy định…, vừa nguy hiểm cho bản thân, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Theo các chuyên gia, bên cạnh tuyên truyền, thời gian tới, các ban ngành chức năng cũng cần mạnh tay trong xử lý, răn đe. Chỉ khi mạnh tay xử lý, duy trì, thay đổi dần nhận thức cho người đi bộ khi tham gia giao thông, tình trạng vi phạm mới giảm thiểu.
Bình luận (0)