Xứ sở cây thuốc quý: Loay hoay tạo thương phẩm

23/05/2015 11:17 GMT+7

Với các đề án bảo tồn, khuyến khích phát triển sâm Ngọc Linh và 7 loài cây thuốc quý đầy tham vọng, Quảng Nam đang muốn biến tiềm năng về dược liệu đang 'ngủ quên' dưới các tán rừng thành những thương phẩm cụ thể.

Với các đề án bảo tồn, khuyến khích phát triển sâm Ngọc Linh và 7 loài cây thuốc quý đầy tham vọng, Quảng Nam đang muốn biến tiềm năng về dược liệu đang “ngủ quên” dưới các tán rừng thành những thương phẩm cụ thể.

Xứ sở cây thuốc quý: Loay hoay tạo thương phẩmSâm Ngọc Linh đang được lập đề án quốc gia để phát triển bền vững - Ảnh: C.T.V
Nguy cơ tuyệt chủng
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, muốn phát triển thương hiệu quốc gia và vượt trội (so với sâm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) thì trước hết sâm Ngọc Linh phải được công nhận sản phẩm quốc gia, đồng thời sớm có cơ chế phát triển sâm thành ngành sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, đề án bảo tồn 7 loài dược liệu quý của Quảng Nam cũng chuẩn bị kỹ lưỡng về tên dược liệu, bộ phận dùng, cách thu hái và sơ chế, tác dụng chính, sản phẩm, kỹ thuật nuôi trồng... để phát triển thành cây hàng hóa.
Nhiều vùng phân bố tự nhiên của bạc hà, ngũ vị tử, đương quy, hoàng đẳng... ở Quảng Nam đang bị thu hẹp do nạn phá rừng và mất rừng. Kết quả điều tra dược liệu mà Sở Y tế Quảng Nam công bố hồi đầu năm 2015 một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng cây thuốc quý. Hậu quả của quá trình khai thác liên tục trong nhiều năm nhưng không bảo vệ tái sinh thật khủng khiếp. Hương nhu tía và đậu ván trắng bị lãng quên. Hà thủ ô đỏ, sa nhân đã phải nhập khẩu. Nhiều vùng có cây thuốc phong phú hoàn toàn biến mất. Chưa kể, 36 loài cây thuốc ở Quảng Nam cũng có tên trong “Sách đỏ VN” như đẳng sâm, bạc hà, giảo cổ lam, hoài sơn... Cần nhắc lại, danh mục thuốc thiết yếu VN ban hành năm 2005 ghi nhận toàn quốc có 94 thuốc thành phẩm, 215 vị thuốc từ dược liệu, 60 cây thuốc; riêng số cây thuốc, vị thuốc hiện diện tại Quảng Nam đã chiếm gần 60% trong danh mục đó. Như vậy, trong số 50.000 tấn dược liệu dùng để bào chế thuốc đông dược trên toàn quốc mỗi năm, Quảng Nam cung ứng nguồn nguyên liệu rất lớn. Tuy nhiên, nguồn dược liệu quý giá ấy lại luôn gặp rủi ro bởi ¾ trong tổng số 832 loài phát hiện tại Quảng Nam là cây thuốc mọc tự nhiên và rải rác ở rừng, đồi, nương rẫy, bản làng...
Trong khi đề án phát triển sâm Ngọc Linh (sâm VN) đang trình Chính phủ phê duyệt với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 9.362 tỉ đồng, thì ở phạm vi hẹp hơn, Quảng Nam cũng gấp rút thiết kế đề án khuyến khích, bảo tồn và phát triển 7 loại dược liệu quý (gồm sa nhân tím, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, bạc hà, nghệ, hoài sơn). Sau cuộc hội thảo do Sở Y tế vừa chủ trì, đề án này hiện “chuyển” sang Sở NN-PTNT và dự kiến trình HĐND tỉnh vào tháng 7 tới. “Chuyển đề án sang Sở NN-PTNT do liên quan đến vấn đề đất, rừng. Ngành y tế đã giúp xác định các loại cây thuốc, cùng doanh nghiệp tính toán đầu ra sản phẩm… để có cơ chế khuyến khích phù hợp”, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế nói.
Nghịch lý “khủng hoảng thiếu”
Ông Nguyễn Văn Hai vừa kết thúc chuyến khảo sát thực tế ở các tỉnh phía Bắc, gặp gỡ một số doanh nghiệp để xác định nhu cầu mở rộng nguồn dược liệu. Tại cuộc hội thảo vào đầu tháng 4.2015, nhiều doanh nghiệp than phiền về chuyện thiếu hụt nguyên liệu, thậm chí họ phải nhập khẩu một số dược liệu từ Trung Quốc. Đây là nghịch lý khó chấp nhận, bởi ngay tại xứ sở cây thuốc quý lại lâm cảnh “khủng hoảng thiếu”. Mặc dầu vậy, sẽ không dễ để gỡ cùng lúc nhiều nút thắt: vừa cân nhắc xem nên khuyến khích người dân trồng gì, ở đâu, thị trường tiêu thụ ra sao, lại phải tìm tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý Nhà nước-doanh nghiệp-người dân trong khâu chế biến.
Trên lộ trình đầy rủi ro ấy, đã có bài học bảo tồn “đắt giá” với củ sâm Ngọc Linh. Những năm cuối thế kỷ 20, Chính phủ đã phải lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung ở Kon Tum và Quảng Nam do hàng ngàn ha rừng nguyên sinh bị tàn phá sau các cuộc truy tìm sâm quý. “Bây giờ, chúng ta phải vừa giữ không để sâm Ngọc Linh tuyệt chủng, vừa nhân giống có chọn lọc và phát triển thành hàng hóa. Với những cây thuốc quý khác cũng phải làm giống như vậy. Chúng tôi đã nêu 7 loài dược liệu quý trong đề án bảo tồn sắp trình HĐND tỉnh, nhưng cần thiết sẽ khảo sát kỹ. Không nhất thiết bảo tồn tất cả mà có khi chỉ dừng ở 3-4 loài cây, nếu phát triển chúng thành vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Hai phân tích thêm.
Tình trạng “thẩm định” dược liệu bằng mắt thường đang gây nên những tình huống dở khóc dở cười, khi khách hàng than phiền bị mua nhầm sâm Ngọc Linh giả, ba kích giả, nấm lim xanh trôi nổi... Những nghi ngờ về chất lượng, xuất xứ kiểu như thế đã gây phương hại đến uy tín của nguồn dược liệu chính hiệu. Vì vậy, có thể quế Trà My trong quá khứ đã tạo lập thương hiệu khi xuất khẩu đi nhiều nước, có thể thương hiệu sâm Ngọc Linh vẫn đặt nhiều kỳ vọng mang tầm quốc tế như đề án quốc gia sâm VN đang theo đuổi, có thể 7 loại dược liệu quý sớm hình thành vùng sản xuất tập trung... Nhưng nếu không đi đến tận cùng để cho ra những thương phẩm chất lượng với tiêu chuẩn cụ thể, dược điển (thông tin về hình dáng và hàm lượng chuẩn) phải thể hiện rõ, thì xứ sở cây thuốc quý vẫn tiếp tục vùi trong giấc ngủ chập chờn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.