Đến thăm xưởng gạch Tam Hòa (Sanhe) tại khu Đại Thụ, TP.Cao Hùng (Đài Loan) vào những ngày đầu xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy quy mô và những hoạt động khác không liên quan đến sản xuất.
tin liên quan
Phật Quang Sơn Đài Loan tổ chức lễ cầu bình an đầu nămTối 9.2 tại Phật Quang Sơn (Cao Hùng, Đài Loan) đã tổ chức bắn pháo hoa cầu bình an cho dân chúng. Người dân xứ Đài và khách du lịch các nước đã tập trung rất đông để thưởng ngoạn.
Ngoài khu chế biến gạch, lò nung gạch và khu thành phẩm thông thường, nơi đây còn dành một khu lớn để hướng dẫn và trưng bày những sản phẩm đồ chơi, vật kỷ niệm làm từ gạch.
Một hướng dẫn viên của lò gạch mau mắn đưa chúng tôi vào khu bày những dãy bàn dài, hỏi mỗi người xem thuộc tuổi con gì rồi phát cho mỗi người một viên gạch nhỏ gọn trong lòng bàn tay, in hình con vật thuộc tuổi của mình, cùng bảng màu.
Ai nấy đều toát mồ hôi cắm cúi tô từng nét mảnh trên miếng gạch bé xíu. Chao ơi, khó ơi là khó. Kiên nhẫn bặm môi bặm lợi mất cả tiếng, cuối cùng cũng tô xong, những nét màu xiên xẹo, nhòe nhoẹt cả. Liếc nhìn sang một nhân viên lò gạch khác đang tỉ mẩn sắp xếp từng miếng gạch bé xíu bằng nửa đốt ngón tay để xây thành một món đồ chơi tinh xảo, cả đám đều không khỏi lắc đầu lè lưỡi thán phục.
Thì ra xưởng gạch Tam Hòa đã có hơn 100 năm tuổi đời. Ông chủ hiện nay đã bước sang đời thứ 4, cứ cha truyền con nối như vậy. Trước đây nơi này là một xưởng sản xuất gạch nổi tiếng của Đài Loan, tuy nhiên do nhu cầu thị trường dần thay đổi, nhu cầu về gạch cũng giảm dần, thu nhập bị giảm sút, xưởng gạch chỉ sản xuất một số lượng vừa đủ nhằm phục chế các công trình giả cổ.
Ngoài ra, xưởng gạch đã kết hợp với các điểm du lịch, đón nhận khách tới tham quan và tìm hiểu về công việc làm gạch tại địa phương. Nhiều gia đình cũng thường tranh thủ đưa con cái tới, cùng vui vẻ làm những đồ chơi xinh xẻo từ gạch, hoặc cùng tô màu tạo hình lên gạch.
Nhiều khách du lịch mê mẩn trong khu bán hàng các sản phẩm tinh xảo được làm từ gạch. Từng món bé xíu xiu nhưng vô cùng tinh tế và nghệ thuật như gương, lược, đồ đựng xà phòng, gối kê đầu, lư đốt tinh dầu, hộp đựng card visit… Tất cả đều được làm tinh tế tới mức khó tin. Giá cả mỗi món cũng không đắt, chỉ khoảng từ 35.000 VND - 350.000 VND. Tất cả đồ lưu niệm đều có hộp mang về, rất thuận tiện.
Cô hướng dẫn xưởng gạch cho biết, các nhân viên đứng bán đồ lưu niệm, hướng dẫn các trò chơi, người làm đồ chơi… đều là nhân viên của xưởng thay phiên nhau làm. Các sản phẩm trang trí và đồ lưu niệm tại đây đều tận dụng từ các sản phẩm phế liệu hoặc chưa đạt chất lượng khi làm viên gạch truyền thống nên không tốn kém.
Từ khi xưởng gạch được cải tạo để trở thành một điểm du lịch văn hóa, thu nhập cuộc sống của họ được ổn định và đảm bảo hơn.
“Chúng tôi rất vui khi được đứng giới thiệu tỉ mỉ cho khách về công việc của xưởng, để họ hiểu thêm sự vất vả của người làm gạch. Thật ra gạch có nhiều chức năng, không chỉ nhằm chức năng xây dựng và trang trí như chúng ta thường nghĩ, mà còn được sử dụng thuận tiện trong cuộc sống hàng ngày với nhiều món đồ dùng hữu ích. Vấn đề là trí tưởng tượng của bạn đến đâu để đưa gạch sử dụng được nhiều thêm vào tiện ích sống,” cô nói.
Chia tay xưởng gạch Tam Hòa với một vài món đồ kỷ niệm làm từ gạch tinh tế, lại chợt nghĩ về những xưởng gạch tại Việt Nam. Giá mà ai nấy cũng đều biết phát huy truyền thống và đẩy mạnh dịch vụ sáng tạo tương tự như vậy thì hay biết mấy.
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)