Quy định PPP trong y tế chưa rõ ràng
|
Mỗi tháng BV sẽ trả cho nhà đầu tư hơn 5,2 tỉ đồng (chưa VAT), bao gồm cả vốn lẫn lãi theo quy định. Theo BS Quân, chọn BLT thuận lợi là vì nó vẫn là BV công lập, BV được điều hành dự án, sử dụng nhân sự của BV... Về giá dịch vụ, BV thu theo giá Bộ Y tế quy định.
Còn BV Nhi đồng 1 thì lựa chọn hình thức PPP là hợp tác BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cho dự án tòa nhà số 341 Sư Vạn Hạnh, P.10, Q.10. Dự án gồm 13 tầng nổi và 1 tầng hầm, có 50 phòng khám, 150 giường bệnh… với mức đầu tư 721 tỉ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến là khoảng 25 năm. Với hình thức này, nhà đầu tư quản lý điều hành dự án, tài chính, BV Nhi đồng 1 phụ trách chuyên môn, đưa BS qua khu BOT khám, chữa bệnh; bệnh nhân có nhu cầu thì khám, chữa bệnh tại khu BOT (không bắt buộc). Về giá dịch vụ, lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết căn cứ vào tình hình thực tế, BV sẽ đề xuất và do TP phê quyệt, giá sẽ không cao hơn giá của phòng khám theo yêu cầu của BV nhưng phải có lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Cả 2 dự án BV Nhi đồng 1 và BV Q.Thủ Đức đang trong giai đoạn chờ Sở Y tế và UBND TP phê duyệt. Hiện, tại TP.HCM còn có BV Q.Tân Phú cũng đang làm dự án PPP, nhưng chưa được UBND TP phê duyệt.
BS Quân chia sẻ, khi có dự án PPP, lãnh đạo BV phải gửi đến từng nhân viên của từng khoa, phòng ban, trong BV để góp ý. Chỉ cần 1 người không đồng ý thì lãnh đạo BV giải thích, tạo sự đồng thuận 100%.
BS Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc BV Nhi đồng 1) cho rằng, khó khăn hiện nay của các BV là: chưa có văn bản hướng dẫn đầu tư theo PPP trong lĩnh vực y tế; chưa có quy định hình thức sử dụng đất, thời hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ nhà đầu tư tham gia dự án PPP có sử dụng đất; mức thu phí dịch vụ công chưa phù hợp cơ chế thị trường...
TS Nguyễn Thanh Nguyên, chuyên gia tư vấn PPP, cũng nhìn nhận hình thức này trong y tế hiện nay còn nhiều trở ngại, lớn nhất là các quy định pháp luật của nhà nước vì hình thức này chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư chưa biết được chắc chắn dòng tiền bỏ ra có mang lại lợi nhuận hay không. Bên cạnh đó, thực tế có nhiều giám đốc BV, nhân viên y tế, “nhóm lợi ích” hưởng lợi từ BV công không muốn tiếp nhận đầu tư PPP bởi lo sợ ảnh hưởng quyền lợi... Theo ông Nguyên, PPP y tế trong giai đoạn hiện nay là hướng đi tốt, nhưng khá mới mẻ, gây tâm lý lo sợ cho các cấp quản lý nhà nước như sợ bị “qua mặt”, không kiểm soát được, sợ tiêu cực, sợ nhà đầu tư chỉ lo kiếm lời mà không quan tâm chăm lo bệnh nhân nghèo...
Thương hiệu BV công phải tính khi thực hiện PPP
Giám đốc một BV công ở TP.HCM nói: BV công có bề dày lịch sử hàng chục đến hàng trăm năm, là “thương hiệu” vô giá. Việc liên doanh, liên kết, xã hội hóa hay hợp tác công - tư giữa một cơ sở y tế mới thành lập với các BV đã có tên tuổi là xu thế hiện nay, nhưng khi sử dụng tên của BV công có thương hiệu thì phải tính giá trị thương hiệu.
TS Đinh Thị Thanh Nga, giảng viên luật kinh tế - Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng khi hợp tác PPP hay hình thức hợp tác khác với đối tác tư nhân thì cần phân định rõ phần vốn góp của nhà nước, đặc biệt là thương hiệu BV công và đội ngũ nhân viên. Nghĩa là các tài sản vô hình phải được xác định rõ chứ không lập lờ, nếu không sẽ rất thiệt thòi cho BV và nhà nước, có thể tạo nguy cơ thất thoát và bị lợi dụng.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng không ít BV công gặp khó khăn nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, phát triển BV trong bối cảnh tự chủ tài chính. PPP là cơ hội để các BV tìm hướng đi cho riêng mình. Tuy nhiên, hợp tác như thế nào để vẫn đảm bảo mục tiêu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân là điều các BV cần cân nhắc.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về vay vốn đầu tư; sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập. Các lĩnh vực được liên doanh, liên kết... này không sử dụng ngân sách nhà nước, gồm: khám, chữa bệnh và dịch vụ phòng điều trị theo yêu cầu; các dịch vụ, kỹ thuật y tế chất lượng cao; các dịch vụ phụ trợ như cung ứng thuốc, dịch vụ đưa đón người bệnh.
Theo ông Liên, lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra quy định về định giá giá trị thương hiệu của đơn vị (BV công) góp vốn liên doanh, liên kết, giá trị thương hiệu phải được xác định theo tiêu chuẩn thẩm định giá VN, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan. Hiện chưa có BV nào thuộc Bộ Y tế liên doanh theo hình thức PPP, nhưng rất cần có các quy định để các đơn vị có thể thực hiện trong tương lai. Vấn đề định giá, xác định giá trị thương hiệu BV công là rất quan trọng, nên phải thuê tổ chức định giá chính xác.
Dự kiến thông tư được ban hành có hiệu lực từ 1.3 vừa qua, nhưng hiện vẫn đang còn tập hợp ý kiến.
BV Nhân dân 115 và BV Gia An 115 hợp tác thế nào ?Theo TS-BS Trương Vĩnh Long - Giám đốc BV Gia An 115: Ngày 27.3.2015, UBND TP.HCM ra Quyết định số 1323/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hợp tác công - tư giữa BV Nhân dân 115 với Công ty TNHH Bệnh viện quốc tế Hoa Lâm (nay là Công ty TNHH BV Gia An 115) theo Nghị quyết 93/NQ-CP và theo Quyết định số 1323/QĐ-UBND của UBND TP.HCM. Hai BV phối hợp về chuyên môn, nguồn nhân lực; BV Nhân dân 115 hỗ trợ hội chẩn khi cần thiết... Việc đặt tên doanh nghiệp của Công ty TNHH BV Gia An 115 cũng như tên BV Gia An 115 là một tên riêng, phù hợp với quy định luật Doanh nghiêp 2014 và các quy định pháp luật liên quan, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thanh Tùng
|
Bình luận (0)