EU và một số thành viên làm găng Trung Quốc liên quan các cáo buộc về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, về chính sách và hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan và về việc Trung Quốc áp dụng những biện pháp trừng phạt Lithuania sau khi thành viên EU này thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Đài Loan.
EU nói chung và một số thành viên EU nói riêng còn hạn chế và tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc ở châu Âu. Ngay trước khi đi Trung Quốc lần này, bà von der Leyen công bố những định hướng chính sách mới của EU đối với Trung Quốc với tông điệu chủ đạo là hợp tác với Trung Quốc nhưng không giảm gay gắt với Trung Quốc trong tất cả vấn đề vướng mắc hiện tại giữa hai bên. EU và cả ông Macron đều không ủng hộ sáng kiến mà Trung Quốc mới đưa ra về giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.
Ông Macron và bà von der Leyen đều muốn vừa đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Trung Quốc vừa thúc ép Trung Quốc nhượng bộ trong các vấn đề mắc mớ song phương nói trên. Bên cạnh đó, họ còn muốn vận động Trung Quốc liên quan lập trường trong cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt thuyết phục, răn đe Nga và không cung cấp vũ khí, viện trợ quân sự cho Nga. Họ muốn được nhiều trong khi Trung Quốc mới chỉ sẵn sàng nhượng bộ ít.
Hai người này đạt được cam kết và thiện chí của Trung Quốc về thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương nhưng không đạt được tất cả các mục tiêu khác. Trung Quốc đã trở thành đối tác càng ngày càng thêm khó hợp tác toàn diện đối với EU và Pháp. Chuyến đi của ông Macron và bà von der Leyen ở Trung Quốc không hẳn thất bại nhưng cũng chưa hẳn thành công.
Bình luận (0)