Đời tàu chợ - Kỳ 1: Toa tàu chở cuộc mưu sinh

31/12/2009 14:40 GMT+7

Đó là đoàn tàu lửa chạy chậm nhất VN hiện nay, dừng ở nhiều ga nhất, vé rẻ nhất, trên tuyến đường sắt đi qua những vùng thuộc diện nghèo khó nhất của đất nước.

Hai tiếng “tàu chợ” đối với nhiều người là ngại ngùng về một sự chen chúc xô bồ, hay là dĩ vãng xa xôi của thời bao cấp đi lại khó khăn. Nhưng tàu chợ bao nhiêu năm qua vẫn chung thủy với cuộc mưu sinh của dân nghèo...

Nếu có một kỷ lục về mật độ nhà ga đỗ lại tính trên đường chạy thì chuyến tàu chợ Huế - Đồng Hới chắc chắn đang nắm giữ, bởi chỉ 180km nhưng tàu đỗ lại tới 21 ga, nhiều gấp đôi số nhà ga đoàn tàu SE từ Hà Nội vào TP.HCM. Nhưng hơn 30 năm nay, mỗi ngày chuyến tàu chậm chạp ấy là phương tiện của rất nhiều dân nghèo vùng đất Bình Trị Thiên.

Từ mỗi sân ga, họ ngóng đợi tiếng máy tàu, hình bóng những toa xe đã sờn màu của một đoàn tàu chợ chưa bao giờ bỏ rơi cuộc mưu sinh...

Như miền ký ức

Dân đi tàu DH vẫn còn nhớ trận lũ tháng 11-1999, chuyến tàu DH42 từ Đồng Hới vào đến ga Phò Trạch, còn cách Huế 30km thì bị nước lũ cô lập. Hành khách đa số là dân nghèo và sinh viên nên không mấy ai có nhiều tiền.

Vậy nhưng bảy ngày đêm kẹt lại giữa đồng Phò Trạch, hơn 100 người không ai bị đói. Nhà tàu đã bảo lãnh để khách ăn thiếu cơm, mì tôm, nước uống. Một tuần kẹt lũ ấy khách và nhân viên nhà tàu thân thiết như người nhà. Không cần ghi giấy nợ, thế chấp gì nhưng sau đó khách đến nhà tàu trả lại tiền gần như không thiếu một ai.

Tàu DH41 chạy từ Huế ra Đồng Hới là chuyến tàu “mở hàng” cho ga Huế mỗi ngày từ lúc 5g30 sáng. Cũng giống người anh em Vinh - Đồng Hới, tàu không bán vé, ai muốn ngồi đâu thì tùy. Nhà tàu sẽ thu tiền tùy theo ga đến, rẻ nhất chỉ... 4.000 đồng dành cho trẻ em xuống ga An Hòa, ngoại vi TP Huế. Còn đi suốt tuyến chỉ 40.000 đồng.

Vừa yên vị trên dãy ghế gỗ, tôi đã suýt bật ngửa khi nhận ra người mặc đồng phục lúc nãy bốc chiếc xe máy của mình và nhiều sọt đồ buôn lên toa hàng cũng chính là trưởng tàu Đỗ Đức Thu.

Ông cười xòa, phân bua: “Cả lái tàu lẫn tạp vụ chỉ hơn mười người, mình làm luôn cho tiện”. Hơn 50 tuổi, gần 30 năm ngược xuôi ngày hai lượt trên đoàn tàu chợ này, trưởng tàu Đỗ Đức Thu bảo sân ga, hành khách... đã thay đổi nhiều lắm, chỉ điều duy nhất không đổi: tốc độ tàu vẫn chưa đến 30km/giờ!

Tàu ì ạch qua An Hòa, Văn Xá, Hiền Sĩ... những sân ga có lẽ là “xép” nhất trong cung đường Nam - Bắc. Ở đâu tàu cũng dừng, trả đón khách, nhẫn nại như một chuyến xe đò ráng vét đến hành khách cuối cùng. Bởi thế có lẽ không chuyến tàu nào như chuyến tàu chợ này, khi nhân viên thu tiền vé có sẵn cả một bao tiền xu để thối cho những hành khách chỉ mất dăm ngàn tiền vé.

Hơn 30 năm trước, tàu DH là một trong những chuyến tàu đầu tiên nối liền vĩ tuyến, chở những người dân và sản vật vùng Bình Trị Thiên lại qua đôi bờ Bến Hải. Và bây giờ, nếu có hành khách nào từng qua Bình Trị Thiên trên chuyến tàu DH mấy chục năm trước sẽ không có gì để lạ lẫm, bởi đoàn tàu những ngày đầu tiên ấy vẫn còn đây. Vẫn chiếc đầu máy cũ nhập của Tiệp Khắc. Vẫn những toa xe đủ kiểu ghế dọc, ghế ngang, chắp vá từ những đoàn tàu đã hết hạn sử dụng, do Nhà máy Gia Lâm đóng từ những ngày chưa hòa bình.

Đó cũng không phải là điều thân quen duy nhất còn lại, ga Huế mỗi buổi mờ sương còn đón quang gánh của những mệ buôn chuyến ra Đông Hà, Đồng Hới, nói cười hể hả, với điếu thuốc rê sâu kèn lệch cả mép. Ngồi kế tôi trên băng ghế chạy dọc theo toa là mệ Du, người Đông Hà, chuyên buôn đồ nhựa nhập từ Lao Bảo. Lấy gấu quần quẹt trầu, chỉ tay vào hai sọt hàng, mệ Du hể hả: “Hơn 20 năm ni, từ hồi đầu buôn trầu buôn chuối, mợ và đám bạn buôn lấy tàu làm nhà. Rẻ ớn! Hơn tạ hàng cộng với mệ mà chưa tới bốn chục nghìn tiền vé!”.

Ngồi cạnh tôi là bác Đặng Thanh Hoài, người Hải Lăng (Quảng Trị). Từ TP.HCM về quê bằng tàu hỏa nhưng bác Hoài chỉ mua vé đến Huế, nán lại một đêm để tờ mờ sáng lại leo lên chuyến tàu ì ạch này. Lý do chỉ để ra toa cuối cùng ăn được tô cơm gà Mỹ Chánh. Bác Hoài nói món gà chặt to, kho mặn với rau muống, ăn kèm với cơm trắng - tiêu biểu cho cách nấu gói ghém của một thời nghèo khó giờ khó tìm ở hàng quán nào ngoài chuyến tàu này.


Ngổn ngang tàu chợ - Ảnh: Viễn Sự

“Sứ mệnh” mưu sinh

Chừng đó sân ga với rất nhiều hành khách và hành lý lỉnh kỉnh đầy khoang nhưng cả đoàn tàu hơn mười toa, chỉ vào ngày tết hay đợt thi đại học bán đủ mới được 15 triệu đồng mỗi chuyến. Còn ngày thường trung bình chuyến ra (DH42) được 7 triệu đồng, chuyến vào từ Đồng Hới (DH41) chỉ 6 triệu đồng, may lắm thì vừa đủ tiền dầu và chi phí nhân viên.

“Nhưng tàu không chạy, ai chịu thêm mấy lần tiền vé cho sinh viên muốn ra Huế, dân nghèo muốn đưa nông sản từ những vùng trung du heo hút Quảng Bình, Quảng Trị...” - trưởng tàu Đỗ Đức Thu như lý giải cho sứ mệnh của tàu DH.

Những hành khách như bác Hoài đang tụ nhau hít hà bên bếp than có nồi gà kho Mỹ Chánh có lẽ không biết được gần mười năm trước suýt nữa cơm gà Mỹ Chánh đã không còn có mặt trên đoàn tàu chợ này. Khi đó, ngành đường sắt quyết tâm dẹp bỏ nạn bán hàng rong trên tàu, nhưng rồi những người điều hành chuyến tàu đã làm đơn xin cho cơm gà Mỹ Chánh được ở lại trên góc toa cuối cùng. Chuyện cũ, nghe hỏi, trưởng tàu Đỗ Đức Thu không kể gì thêm mà chỉ hỏi lại: “Mấy chục năm bám tàu chợ, hất khỏi toa thì các mệ biết sống bằng gì”.

Câu chuyện về những thúng cơm gà Mỹ Chánh làm tôi xâu chuỗi hình ảnh mấy cụ bà dậy thật sớm đứng ở đầu cửa ga Huế, cầm can nhựa xin xăng từ xe máy trước khi bốc lên toa hàng. Những bao lạc, bao than chỉ vài mươi ký đợi theo tàu ra Đồng Hới bán cho được giá ở sân ga Sa Lung... 21 sân ga đều có những con người trông ngóng vào những chuyến ngược xuôi của đoàn tàu chợ DH. Tốc độ chạy tàu và cả những quy tắc cải tiến của ngành đường sắt hình như bị “lãng quên” trên chuyến tàu chợ này.

Nhưng với những người dân nghèo vùng Bình Trị Thiên, sự lạc hậu ấy có khi là một may mắn. Bởi nếu một ngày tàu DH cũng đua theo những người anh em SE, TN - không còn ì ạch mà cửa kính bít bùng, lạnh lùng vút qua những ga xép cũ kỹ ấy, còn ai sẽ chở giùm dĩ vãng và những cuộc mưu sinh...

Theo Nguyễn Viễn Sự / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.