Người cha ấy là ông Nguyễn Bá Tân (63 tuổi, ngụ xóm Hiệp Lực, xã Bồi Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An).
Tuổi thơ nhọc nhằn
Hai bàn tay thô ráp xỏ vào đôi dép nhựa, hai chân ông bò lết trên sàn nhà. Ông di chuyển bằng 4 chi. Rất nhanh nhẹn. Ông nhổm người nhoài lên chiếc ghế nhựa để tiếp khách. Tôi nhìn hai đầu gối của ông. Nó to bất thường so với đôi chân bị liệt còng queo đã tóp lại. Hai cái đầu gối ấy đã gánh chức năng của đôi bàn chân từ hơn 60 năm nay. Da đã chai sạn.
Ông Tân bị liệt từ khi mới 1 tuổi. Cơn sốt kéo dài đã khiến bố mẹ ông phải đưa con chạy chữa khắp nơi, kể cả Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhưng rồi bố ông phải bất lực ôm con trở về. Đôi chân của cậu bé từ đó không còn chức năng để đi lại.
8 tuổi, Tân mới vào lớp 1. Quãng đường từ nhà đến trường hơn 1 cây số. Mỗi ngày hai bận, bố mẹ ông thay nhau cõng con đến trường và từ trường về nhà. Học giỏi, nhưng chỉ theo hết lớp 7, cậu bé tàn tật này phải dừng lại vì trường quá xa.
|
“Năm học lớp 1, tui thường bò sang nhà hàng xóm chơi. Thấy họ chẻ tre để đan lát tui cũng về nhà làm theo. Rồi tui cũng tự đan được thúng, mủng, dần, sàng cho gia đình sử dụng”, ông Tân kể.
Những đồ đan lát dư thừa, mẹ ông mang đi bán để mua gạo. Nhà làm nông, 7 đứa con nên cuộc sống gia đình ông lúc đó rất khó khăn. 25 tuổi, anh thanh niên tàn tật này quyết định học nghề may. Ông nói, không có tiền và cũng không thể đi tìm thầy để học nên ông bò đến nhà thợ may trong làng để học mót.
Thương đứa con tật nguyền đam mê nghề may, bố ông chạy vạy vay mượn anh em họ hàng để mua một chiếc máy khâu vì hồi đó máy may còn rất đắt tiền. “Đó là người bạn tri kỷ nhất và là niềm vui của tui hồi đó”, ông Tân nhớ lại.
Có máy, chàng trai này suốt ngày tự học may. Đôi chân không thể đạp cho máy khâu hoạt động, ông dùng tay để xoay vì lúc đó xã này chưa có điện lưới. Rồi ông cũng thành công. Sự cần mẫn và đôi bàn tay khéo léo của ông đã chinh phục được nhiều người. Họ kéo đến nhờ may, vá quần áo.
|
“Hồi đó, anh thợ may cũng có giá lắm vì chưa có quần áo may sẵn. Khách đến đặt rất đông nên thu nhập của tui cũng rất khá”, ông Tân cười. Thế nhưng, tình duyên của ông lại lận đận. Ông bảo, chẳng ai muốn lấy một người đi bằng bốn chân như ông, dù ông cũng đã chứng tỏ được khả năng lao động không thua kém gì người lành lặn.
Dựng mái ấm
33 tuổi, chàng trai “đi bốn chân” Nguyễn Bá Tân cũng chinh phục được trái tim của một cô gái cùng làng Lương Thị Từ. “Tui đã để ý cô ấy từ lâu, nhưng sợ bị từ chối nên không dám ngỏ lời”, ông Tân nhìn vợ, cười. Bà Lương Thị Từ bảo bà bị chinh phục bởi nghị lực phi thường của ông Tân. Nhưng khi bà quyết định lấy ông thì cả gia đình bà phản đối vì “ai lại đi lấy một người què”.
Mặc cho nhiều người thân ngăn cản, thậm chí dọa sẽ từ mặt, bà Từ vẫn cương quyết làm theo mệnh lệnh của trái tim. Đám cưới, có người còn giễu “con rể mặc quần đùi, đi bốn chân”. “Cũng vì thế mà chúng tôi lại càng thương nhau hơn”, ông Tân nói.
|
Năm 1992, sau một năm kết duyên, đứa con gái đầu lòng của vợ chồng ông chào đời. Niềm vui ngập tràn trong căn nhà nhỏ do bố mẹ ông dựng để ra riêng cho con. Hai năm rồi ba năm sau nữa, thêm 2 cô con gái nữa ra đời. Nhưng, hạnh phúc cũng song hành với nỗi vất vả.
Nghề may vá bị cạnh tranh khốc liệt bởi xuất hiện thêm nhiều thợ may và quần áo may sẵn tràn về làng quê, có điện lưới, ông Tân quyết định mua máy xay bột về để làm dịch vụ. Vợ làm ruộng, nấu rượu. Chồng may vá, xay bột, đan lát. “Ai cần chi thì tui làm nấy”, ông Tân cười.
Năm 1994, người em ruột mua cho ông chiếc xe lăn sau 36 năm “đi đâu cũng phải đi bốn chân”. Chiếc xe như người bạn tri kỷ. Nhưng ông cũng chỉ dùng nó khi cần đi xa, còn lại ông bảo “cứ bốn chân cho tiện”.
Những đứa con của vợ chồng ông lớn lên, đều rất ngoan, học giỏi. “Tui bảo các con tui, bố mẹ chẳng có gì ngoài tình yêu giành cho các con. Các con phải học, khổ mấy bố mẹ cũng sẽ nuôi được”, ông kể.
Tất cả vì con
Các con ông lần lượt đi học đại học. Lại một giai đoạn “vượt vũ môn” với vợ chồng ông. “Người ta lành lặn, nuôi con ăn học còn toát mồ hôi hột, huống hồ…”, ông cười. Nhưng, ông bảo đầu tư cho con học hành thì khó khăn mấy, với ông cũng nhẹ tựa lông hồng.
|
Di chuyển khó khăn trên chiếc xe lăn cọc cạch, nhưng trong trái tim ông, con cái lúc nào cũng trên hết. Ngày con lớn làm thủ tục đi học đại học, ông tự lăn chiếc xe cọc cạch đội mưa gần 10 cây số xuống huyện làm giấy tờ cho con.
Bà Từ sức khỏe không tốt. Bà không biết đi xe đạp. Ngoài việc đồng ruộng, bà tranh thủ nấu rượu, nuôi lợn, gà. Ông Tân ở nhà đan lát, may vá, xay bột, thêm nghề làm hương. Rảnh thì phụ việc nhà cho vợ. “Ông ấy không bao giờ chịu ngồi một chỗ, cứ xong việc này lại đến việc khác”, bà Từ kể. Ông Tân ngồi bên vợ, cười: “thì tui phải làm để chứng tỏ tui không thua kém người khác chứ!”.
Người con gái đầu của vợ chồng ông đã có gia đình. Người con thứ 2 và thứ 3 đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định ở Hà Nội. Ông bảo thời gian nhọc nhằn nhất cũng qua, giờ hai vợ chồng lo kiếm đủ sống là hạnh phúc rồi.
|
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, con gái thứ 2 của vợ chồng ông Tân rất tự hào về người bố của mình. “Bố không đi lại được như người ta, nhưng bố rất tuyệt vời. Bố nấu ăn ngon, rất hài hước, luôn vui vẻ, yêu đời, tràn đầy sức sống, vô cùng tình cảm. Chỉ muốn nói rằng con yêu bố rất nhiều và luôn cầu mong cho bố khỏe mạnh, hạnh phúc”, chị nói.
Rời nhà vợ chồng ông Tân, tôi gặp ông Trần Văn Liên, hàng xóm ông Tân ở đầu làng. Kể chuyện về ông Tân, ông Liên xuýt xoa: đúng là tàn mà không phế, nhiều người lành lặn như chúng tôi cũng phải phục ông ấy!..
Bình luận (0)