Đổi tên thành tòa án phúc thẩm, nhưng vẫn xét xử sơ thẩm?

09/11/2023 18:20 GMT+7

TAND tối cao đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, một số ý kiến băn khoăn vì dù đổi tên nhưng tòa án phúc thẩm vẫn xét xử cả án sơ thẩm.

Chiều 9.11, thảo luận tại tổ, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi với các đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn gây băn khoăn tại dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Đổi tên thành tòa án phúc thẩm, nhưng vẫn xét xử sơ thẩm?   - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thảo luận tại tổ về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi

GIA HÂN

Không đơn thuần chỉ là đổi tên

Một trong số này là TAND tối cao đề xuất đổi tên gọi TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Nhiều ý kiến cho rằng sự thay đổi như đề xuất chỉ dừng lại ở hình thức, bản chất không có gì mới, gây lãng phí.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc đổi tên nhằm thực hiện theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tòa án phải được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

Dẫn chứng quy định tại Hiến pháp năm 2013, ông Bình nói có 2 cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Trường hợp đặc biệt thì có thêm giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Lịch sử hình thành tòa án cũng cho thấy, ngay từ năm 1946 đã có các tên gọi tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm. Điều này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946.

"Đây không phải câu chuyện mới, bây giờ chúng ta mới nghĩ ra mà từ thời cụ Hồ lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng đã tổ chức tòa án như thế này", ông Bình nói, và khẳng định việc tổ chức mô hình tòa án như đề xuất trong dự thảo luật là đúng bản chất tố tụng, đảm bảo tính độc lập và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp tục phân tích, Chánh án TAND tối cao cho hay, cần hiểu rõ tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải quyền tài phán của huyện hay của tỉnh. Khi tổ chức mô hình tòa án theo cấp tỉnh, huyện, nhiều người ngộ nhận tỉnh chỉ đạo huyện, không đảm bảo độc lập.

"Việc đổi này đơn thuần là cái tên nhưng nội hàm là bước tiến lớn, phù hợp với các quy định chung của thế giới, phù hợp với truyền thống pháp lý của chúng ta", ông Bình nêu quan điểm.

Chánh án TAND tối cao cũng khẳng định rằng, việc đổi tên tòa án không ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Ngay trong điều khoản thi hành của dự thảo luật, TAND tối cao đã ghi rõ từ nay trở đi tòa án huyện được hiểu là sơ thẩm, tòa án tỉnh là phúc thẩm. "Như thế, các luật khác không có gì phải sửa đổi", ông Bình nói.

Đổi tên thành tòa án phúc thẩm, nhưng vẫn xét xử sơ thẩm?   - Ảnh 2.

Theo đề xuất trong dự thảo, TAND TP.Hà Nội sẽ đổi tên thành TAND phúc thẩm Hà Nội

TUYẾN PHAN


Tòa phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm

Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc TAND cấp tỉnh đổi tên thành TAND phúc thẩm nhưng không thay đổi gì về thẩm quyền xét xử, gọi là TAND phúc thẩm nhưng vẫn xét xử một số vụ án sơ thẩm.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, luật hiện hành quy định về thẩm quyền xét xử như vậy. Ví dụ, những vụ án tham nhũng lớn, tòa án huyện chưa đủ năng lực thì phải đưa lên tòa án tỉnh xét xử.

Theo ông, nhiệm vụ chủ yếu của TAND huyện (sau này gọi là TAND sơ thẩm - PV) vẫn là xét xử sơ thẩm, điều này không có gì phải bàn. Với TAND tỉnh (sau này gọi là TAND phúc thẩm - PV), nhiệm vụ chủ yếu xử phúc thẩm, nhưng trong một số trường hợp luật giao thì vẫn xử cả sơ thẩm.

Dẫn chứng cho phát biểu của mình, ông Bình nói ở một số quốc gia, tòa án tối cao vẫn xét xử cả án sơ thẩm chứ không chỉ giám đốc thẩm.

"Chúng ta thấy nước nọ, nước kia bắt tổng thống, thủ tướng, nghị sĩ quốc hội, bộ trưởng…; những chủ thể đặc biệt như vậy sẽ giao cho tòa án tối cao xử", Chánh án TAND tối cao lấy ví dụ và khẳng định không cần quan ngại vấn đề tòa phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm.

Dù vậy, ông Bình cho hay về tương lai, khi năng lực của tòa án sơ thẩm tốt lên, việc giao cho cấp sơ thẩm xét xử các vụ án có mức án trên 15 năm, chung thân hoặc tử hình (hiện nay thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh - PV) là đích hướng đến.

"Chúng ta không đành lòng năng lực của thẩm phán cấp sơ thẩm chỉ dừng lại ở xét xử vụ án với mức án dưới 15 năm như quy định hiện tại", ông Bình nói, và lấy ví dụ về việc tòa án cấp quận ở Brazil cũng có thể bác bỏ quyết định bổ nhiệm phó tổng thống, hay như thẩm phán tòa án khu vực ở Mỹ cũng bác được sắc lệnh của tổng thống...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.