Đổi tên thẻ căn cước công dân có cần thiết?

11/06/2023 07:13 GMT+7

Chính phủ đề nghị đổi tên luật Căn cước công dân thành luật Căn cước, đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, song nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn sẽ tốn kinh phí và ảnh hưởng tới người dân.

Sáng 10.6, Quốc hội thảo luật tổ về luật Căn cước (được đổi tên từ luật Căn cước công dân - CCCD sửa đổi).

Mở rộng thêm đối tượng điều chỉnh

Chính phủ đề nghị đổi tên dự án luật thành luật Căn cước để phù hợp việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật trong việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại VN nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân VN). Cùng với đó, thông tin thể hiện trên thẻ CCCD cũng được thay đổi từ "CCCD" thành "thẻ căn cước". Quê quán, nơi thường trú cũng được đổi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú…

Đổi tên thẻ căn cước công dân có cần thiết ?  - Ảnh 1.

Người dân làm CCCD có gắn chip tại Công an Q.3 (TP.HCM)

Nhật Thịnh

Dù cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với đề xuất này, song nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội khi thảo luận tại tổ bày tỏ không đồng tình. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) góp ý cần giữ tên cũ là CCCD.

"Trong tờ trình, Chính phủ cũng chưa đưa ra lý do thuyết phục để sửa đổi thông tin này. Tôi cho rằng, nên giữ tên CCCD và không nên sửa nhiều lần ảnh hưởng đến người dân, tốn kinh phí", ĐB Hạnh nói.

ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM), Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, giải thích việc lấy tên "căn cước" là nhằm mở rộng thêm đối tượng điều chỉnh là người gốc Việt nhưng chưa có quốc tịch, còn tên gọi "CCCD" chỉ giới hạn là công dân có quốc tịch VN.

Cho biết việc đổi tên luật thành luật Căn cước cũng còn ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói có đề nghị vẫn giữ tên luật là luật CCCD, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho một số nhỏ người gốc Việt nói trên thì có thể đưa vào điều khoản thi hành.

"Những người đó chẳng hạn được cấp thẻ căn cước với mẫu và quy trình giống như cấp thẻ CCCD, nhưng họ có phải công dân của mình đâu. Chữ công dân có ý nghĩa thiêng liêng của nó", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng giải pháp này sẽ giúp không cần đổi tên luật hay đổi thiết kế thẻ từ CCCD sang căn cước.

Đề xuất mới tại dự thảo luật là cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi theo nhu cầu cũng nhận được nhiều quan tâm thảo luận của ĐB Quốc hội. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) đồng tình và cho rằng qua đó giúp người dưới 14 tuổi thuận tiện hơn trong các giao dịch dân sự, giải quyết vấn đề vướng mắc trong việc cấp mã số định danh cho nhóm này.

Bộ trưởng Tô Lâm: Không có chuyện “cấp thẻ căn cước khiến công dân bị theo dõi”

Cũng chia sẻ tại thảo luận tổ, đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an, đánh giá việc quản lý Cơ sở dữ liệu dân cư và cấp CCCD sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đông đảo những người yếu thế "bị bỏ lại phía sau". Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các giao dịch dân sự của đối tượng này.

"Trước đây, giấy khai sinh là giấy tờ duy nhất chứng minh để lên máy bay, nảy sinh nhiều chuyện dở khóc, dở cười là mượn giấy khai sinh, khai mất giấy khai sinh để lên máy bay... Vừa rồi, chúng tôi làm với ngành giáo dục vô cùng thuận lợi cho các cháu đi thi", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Với đối tượng người gốc Việt đang cư trú tại VN, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết họ được xã hội thừa nhận, có quyền giao dịch thì phải có giấy tờ. "Họ không có quốc tịch, hộ chiếu, không có chứng minh hay căn cước. Chúng tôi cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ. Người nước ngoài nếu nhập tịch sống lâu dài tại VN cũng được cấp căn cước", ông Lâm thông tin.

Giám đốc Công an Hà Nội: Tránh quyền lực quá lớn trong ngân hàng tập trung vào một ông, bà chủ nào đó

Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Góp ý dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 10.6, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Theo ông, dự thảo luật giảm điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức mang tính đại chúng, các tổ chức tín dụng… giúp cơ cấu cổ đông ngân hàng thông thoáng, lành mạnh hơn. Điều này "tránh quyền tự quyết tập trung vào một ông, bà chủ nào đó, hạn chế điều hành của tổ chức phục vụ cho các công ty "sân sau" và nhóm lợi ích mà tổn hại đến ngân hàng hoặc nhóm cổ đông nhỏ".

Tuy nhiên, theo ông Trung, thực tế vẫn tồn tại cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh HĐQT để điều hành, nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động ngân hàng. Các quy định trong dự thảo mới chỉ mang tính kỹ thuật. Cần bổ sung 2 vấn đề là tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai là thêm biện pháp, giải pháp kiểm soát việc "lách luật" sử dụng nhiều cá nhân khác đứng tên cổ phần nhóm cổ đông lớn để điều hành tổ chức tín dụng.

Nhắc đến sự cố SCB, theo ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), cần quy định rõ các nội dung về phòng ngừa rủi ro hệ thống. ĐB này cũng nêu, vấn đề sở hữu chéo phải chấm dứt chứ không chỉ hạn chế. "Ai cũng biết, ai cũng nhận ra nhưng chỉ mặt điểm tên rất khó do có sự lòng vòng lắt léo. Chính sách cụ thể trong luật Tổ chức tín dụng hiện nay chưa đủ mạnh", ông An nêu.

Giải trình ý kiến các ĐB, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết dự luật bổ sung nhiều khái niệm mới, như giới hạn sở hữu cổ đông và người có liên quan cũng như giới hạn cấp tín dụng, nhằm hướng đến việc chống thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật lấy ý kiến không ai nói gì, đùng một cái lại bảo là vướng

Quản lý Zalo, Telegram thế nào là phù hợp?

Nêu ý kiến về luật Viễn thông sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 3 nội dung lớn mà cơ quan soạn thảo đưa vào dự thảo luật gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT) vẫn còn ý kiến khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, các dịch vụ nói trên không phải dịch vụ viễn thông, hoạt động viễn thông nên không cần đưa vào luật. Trong khi đó, quan điểm thứ 2 ngược lại cho rằng các dịch vụ này đang ngày càng phổ biến, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, quyền lợi của cá nhân, tổ chức nên việc đưa vào luật quy định là cần thiết.

Quan điểm thứ 3, theo Chủ tịch Quốc hội, là đồng ý đưa vào luật nhưng không phải tất cả mà chỉ mức độ thôi. "Người ta đề nghị cân nhắc đưa 3 dịch vụ này vào dự thảo luật ở mức độ phù hợp, đảm bảo khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở VN, nhất là về cấp độ quản lý và điều kiện quản lý", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói và cho biết cá nhân ông và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quan điểm thứ 3 này.

"Anh quy định nhưng không phải là tất, không phải cái gì cũng lôi hết vào luật này rồi trói tay, trói chân, cuối cùng lại để các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này phản ứng, hay có cái gì đó không phù hợp thì rất phức tạp trong quá trình tổ chức triển khai", Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

"Vừa qua, một số vụ án mới phát hiện có trường hợp đứng tên sở hữu. Để xử lý triệt để sở hữu chéo không chỉ quy định này mà đòi hỏi nhiều công cụ, giải pháp từ các cơ quan khác nhau như minh bạch hóa giao dịch của các doanh nghiệp", bà Hồng nêu.

Bên cạnh đó, bà cũng nêu rủi ro đã được các tổ chức quốc tế cảnh báo khi nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp hiện phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. "Bất cứ khi nào kinh tế thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân cũng sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng, khi ngân hàng hiệu ứng domino sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Vì thế, phát triển thị trường vốn, trái phiếu, chứng khoán phải đồng bộ", bà Hồng nêu.

Đặc biệt, liên quan đến can thiệp sớm khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt, theo bà Hồng, đây là điểm mới của dự thảo trên cơ sở thực tiễn cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém vừa qua cũng như sự cố rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10.2022 ở VN và việc đổ vỡ hàng loạt các ngân hàng tại Mỹ. Kinh nghiệm quốc tế là không chờ đến khi ngân hàng khó khăn về thanh khoản mới can thiệp.

"Luật đưa vào quy định ngay cả các ngân hàng bình thường nếu vì lý do nào đó rút tiền hàng loạt cũng đưa vào quá trình can thiệp sớm", bà Hồng nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.