Chỉ đưa ra khái niệm, không thay tên ?
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thay thế Thông tư 49. Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ đưa ra khái niệm “trạm thu tiền” thay thế cho “trạm thu phí” hiện nay.
Chiều 8.5, trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định Bộ GTVT không đề xuất đổi tên trạm thu phí thành “trạm thu tiền”, mà đưa ra khái niệm giải thích nội hàm các trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ theo đúng quy định của luật Giá.
tin liên quan
Bộ GTVT nói gì về đổi 'trạm thu phí' sang 'trạm thu tiền' ?Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, đây mới là dự thảo thông tư trong giai đoạn xây dựng lấy ý kiến đóng góp. Bộ GTVT không đưa ra đề xuất yêu cầu các trạm thu phí (thu giá) tại các dự án đường bộ phải đổi tên.
Trên thực tế, việc Bộ GTVT vẫn đang loay hoay định danh lại “trạm thu phí” do vướng mắc về khái niệm khi chuyển đổi phí giao thông từ luật Phí, lệ phí sang luật Giá. Cụ thể, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính và cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng. Mỗi dự án Bộ Tài chính sẽ ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể, mức phí theo quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.
Sau đó, từ tháng 1.2017, phí đường bộ được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ, được điều chỉnh bởi luật Giá. Theo đó, Bộ GTVT có thẩm quyền ban hành mức giá trần đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ, UBND tỉnh quy định giá với đường địa phương. Đây là lý do Bộ GTVT yêu cầu các dự án đổi tên “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” đầu năm 2018. Việc đổi tên đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản ứng, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ sau đó đã yêu cầu Bộ GTVT quay lại tên gọi cũ là “trạm thu phí”.
Không có luật nào cấm dùng chữ “phí”
|
"Các bệnh viện tư vẫn gọi chi phí mà người dân phải trả là viện phí hay trường học do tư nhân đầu tư vẫn thu học phí, nên việc đặt tên trạm thu phí là không sai. Tên gọi này đã quen thuộc với người dân, không phải vấn đề cấp thiết để phải sửa đổi", ông Quyền nhìn nhận.
Cùng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, cho rằng “không có luật nào cấm không được dùng chữ phí” và dẫn chứng mới đây, luật Sửa đổi giáo dục đại học 2018 vẫn dùng khái niệm học phí. Nghị định 29/2019 cũng đưa ra khái niệm về “phí dịch vụ ngân hàng”. “Những người soạn thảo của Bộ GTVT quá cứng nhắc trong việc hiểu luật và áp dụng luật”, ông Đức nhấn mạnh.
Đừng tăng thêm chi phí vô ích
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng nguyên nhân của nhiều đề xuất chính sách “trên trời” mà chúng ta chứng kiến trong thời gian qua là do những người xây dựng chính sách không xuất phát từ những vấn đề của cuộc sống. Theo ông Dũng, lập pháp là một cách phản ứng của nhà nước trước các vấn đề của xã hội. Do đó, nếu làm luật chỉ vì làm luật thì đương nhiên chính sách đưa ra sẽ “trên trời”.
Dẫn ví dụ đề xuất đổi tên các trạm thu phí BOT thành “trạm thu tiền”, ông Dũng cho rằng Bộ GTVT đã không đối mặt với vấn đề có thật đang tồn tại là người dân phản ứng việc thu phí ở những trạm BOT không hợp lý chứ không phải ở tên gọi. “Đó là vấn đề có thật của cuộc sống, anh phải nhắm vào vấn đề đó để giải quyết. Còn bây giờ anh nói thu tiền, thu giá hay thu gì thì vấn đề đó vẫn nằm ở đấy”, ông Dũng nói và cho rằng những đề xuất như vậy còn làm phát sinh chi phí rất lớn. “Khắp cả nước này đổi từ thu phí sang thu tiền thì chi phí là bao nhiêu trong khi trước đây không lâu anh vừa yêu cầu đổi từ thu phí sang thu giá. Đó là chi phí rất vô ích”, ông Dũng nói thêm.
Không chỉ với đề xuất của Bộ GTVT, ông Dũng cho rằng rất nhiều chính sách được các cơ quan đề xuất hoặc ban hành mà không đánh giá tác động một cách thật sự dù điều này đã được quy định trong luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thậm chí, có nhiều trường hợp có báo cáo đánh giá tác động không thấy hết các hệ quả của chính sách dẫn đến khi chính sách được ban hành không thực thi được, ngược lại, làm phát sinh rất nhiều chi phí cho xã hội. Đó là chưa kể những chi phi trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho việc nghiên cứu, xây dựng văn bản.
Đề cập giải pháp, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc đầu tiên là cần phải áp dụng một quy trình chuẩn trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. “Quy trình bắt đầu bằng việc nhận biết vấn đề. Không có vấn đề thì đừng có đẻ chính sách ra”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)