Những ngày tháng 5, về lại mảnh đất anh hùng Vĩnh Viễn (H.Long Mỹ, Hậu Giang) ai cũng bất ngờ trước sự đổi thay. Trung tâm huyện lỵ đang dần hình thành với hàng loạt công trình trọng điểm được triển khai xây dựng.
Nhắc về những năm tháng hào hùng, ông Nguyễn Hoàng Thinh, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Viễn không khỏi bồi hồi bởi ông và đồng đội một thời đội mưa bom, bão đạn để bảo vệ quê hương.
“Đây là vùng trọng điểm đánh phá của địch nên chiến tranh rất ác liệt. Pháo binh từ các đơn vị của địch cứ ngày đêm dội về, rồi chúng liên tục đổ quân càn quét. Nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống để cho có cuộc sống thanh bình như hôm nay. Do đó, trách nhiệm của người còn sống là phải cống hiến để xây dựng quê hương giàu đẹp”, ông Thinh nói.
tin liên quan
Đổi đời từ nông thôn mớiBên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị, 42 năm sau ngày thống nhất đất nước và đặc biệt sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng quê Nam bộ, trong đó có các huyện ngoại thành TP.HCM, đã có những bước phát triển mạnh mẽ để trở nên văn minh, hiện đại hơn.
Theo ông Huỳnh Thanh Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, chiến tranh đi qua để lại nhiều vết thương trên quê hương Vĩnh Viễn, ở đó có hơn 300 liệt sĩ, gần 350 gia đình chính sách, 53 mẹ VNAH… “Sau khi đất nước thống nhất, vùng này không đường đi, không điện đóm, đi khám bệnh phải bơi xuồng rất xa mới tới trạm y tế…”, ông Đạt kể.
Theo ông Đạt, chính những khó khăn đó đã thôi thúc người dân Vĩnh Viễn đồng lòng với Đảng, Nhà nước xây dựng quê hương.
Chúng tôi đi một vòng quanh xã cùng với những nhân chứng sống một thời như ông Thinh, ông Phạm Xuân Hiện (ngụ ấp 11), Trương Văn Bé (ngụ ấp 1)… và thấy rõ sự đổi thay trên mảnh đất này. Bây giờ, thay cho những chuyến đò ngang là các con đường nhựa, bê tông thẳng tắp, nhiều ngôi trường mới khang trang mọc lên cùng khu chợ sầm uất.
Ông Thinh nói: “Trong chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ và người dân xã Vĩnh Viễn đã dũng cảm, kiên cường chống lại kẻ thù. Trong thời bình, mọi người đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Đến nay, Vĩnh Viễn trở thành xã nông thôn mới và là trung tâm H.Long Mỹ ”.
Hòa bình lập lại với nhiều vết thương trên cơ thể, nhưng ông Bé đã vượt qua nỗi đau để xây dựng cuộc sống gia đình. “Trước đây, vùng đất nơi đây bị nhiễm phèn, mặn, chỉ làm được một vụ lúa mùa nên đời sống của người dân rất khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Tuy nhiên, qua phong trào làm thủy lợi nội đồng, đắp đê ngăn mặn, rửa phèn, rồi sử dụng những giống mới, ứng dụng kỹ thuật canh tác... đã giúp bà con sản xuất được 3 vụ lúa mỗi năm, năng suất tăng gấp 3 lần so với trước”, ông Bé nói. “Đặc biệt, từ năm 2006 trở lại đây, nhất là năm 2011, khi địa phương tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn Vĩnh Viễn đổi thay rất nhanh, kinh tế phát triển rõ nét, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất thì cơ giới hóa, không còn cảnh cày, cuốc như ngày xưa. Có được điều này là nhờ sự đầu tư của nhà nước, các chính sách cho hộ nghèo, nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…”, ông Thinh tiếp lời.
Để phá thế độc canh cây lúa, từ năm 2011 đến nay, người dân Vĩnh Viễn đã áp dụng nhiều mô hình trồng màu, làm vườn, nuôi thủy sản… đạt hiệu quả cao. Hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được quan tâm đầu tư, đời sống người dân cải thiện đáng kể.
Ông Phạm Xuân Hiện cho biết: “Một trong những điểm thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa ấp, trạm y tế xã được đầu tư khang trang, sạch đẹp giúp thay đổi không chỉ đời sống vật chất mà còn cả tinh thần của người dân”.
Hiện nay, hầu hết đường trục xã, liên xã tại Vĩnh Viễn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn, 100% đường ngõ, xóm không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa; hơn 80% hộ dân có nhà kiên cố, không còn nhà tạm bợ, dột nát. Chợ Vĩnh Viễn sầm uất, tập trung nhiều sản phẩm hàng hóa là nơi buôn bán của hàng trăm tiểu thương.
“Chúng tôi đang dốc toàn lực để được công nhận đô thị loại 4 và trở thành TT.Vĩnh Viễn vào đầu năm 2018”, ông Đạt nói.
Bình luận (0)