Đời thường diễn viên xiếc Việt - Kỳ 1: Ám ảnh những cú táp cá sấu

Mới đây tại Hà Nam, trong tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu , một diễn viên xiếc đã bị cá cắn nát mặt, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Đó không phải là chuyện hi hữu mà với những diễn viên xiếc thú, đó là nguy hiểm thường trực bên mình.
Ở đoàn xiếc thú Hồng Lộc (thuộc liên chi hội xiếc Việt Nam) chuyên biểu diễn các tiết mục liên quan đến thú, chỉ gồm 16 thành viên thường xuyên rong ruổi khắp nơi trên đất nước cùng 12 loại thú.
Với xiếc người chỉ cần tập luyện cần mẫn là đã biểu diễn được, còn xiếc thú ngoài việc nuôi nấng thì huấn luyện cũng lắm gian nan.
 
VIDEO : Thót tim nghề đút đầu vào miệng cá sấu - Thực hiện: Phương Thủy
Nuôi gấu từ nhỏ, huấn luyện khỉ 2 năm
8g tối, khi ánh đèn sân khấu Nhà văn hoá quận Thủ Đức vừa sáng lên, cũng là lúc các tiết mục xiếc thú chuẩn bị trình diễn khán giả. Trong số những diễn viên của đoàn có Nguyễn Hữu Thông (28 tuổi) - một diễn viên xiếc khỉ chuyên nghiệp. Anh có 11 năm theo nghề xiếc thú. Vì ngay từ nhỏ Thông đã theo gia đình rong ruổi từ bắc chí nam cùng 7 chú khỉ tinh nghịch của mình.
Khi Thông ra mắt khán giả cùng những chú khỉ, nhiều người tỏ ra thích thú, liên tục vỗ tay tán thưởng. Đoạn mở màn, Thông bắt đầu ra hiệu, các chú khỉ liền chủ động thực hiện động tác vượt chướng ngại vật một cách ngon lành.
Đến màn cuối cùng, 7 chú khỉ cùng đạp xe thật nhanh xung quanh sân khấu. Lúc Thông chỉ tay vào trong, các chú khỉ biết rằng đã kết thúc buổi diễn liền chạy thẳng một mạch vào cánh gà.
Để có được màn trình diễn ấn tượng Thông phải mất ít nhất 2 năm chăm sóc, làm quen với những chú khỉ cùng làm xiếc với mình.
VIDEO: Diễn viên xiếc bị cá sấu táp khi đang biểu diễn
Những ngày đầu tiếp xúc, Thông luôn cảm thấy sợ vì khỉ có tính hung dữ khi gặp người lạ. Nó có thể cắn anh bất cứ lúc nào.
Với đặc tính loài khỉ tuy thông minh nhưng rất phá phách và nghịch ngợm. Một đời khỉ chỉ gắn bó duy nhất với một đời chủ nhất định. Vì vậy, muốn “làm thân” với khỉ, người làm xiếc luôn nhẫn nại, có thời gian chăm sóc, cho ăn, dẫn đi chơi lâu dài mới có thể thuần phục được.
Không được đánh thú
Theo Thông, một quy tắc bất di bất dịch trong xiếc thú thì người làm xiếc tuyệt đối không được đánh con thú mà mình huấn luyện. Dù có bực tức thế nào người huấn luyện cũng phải kiên nhẫn với nó.
“Về kỹ thuật thuần hoá khỉ chỉ có cách sử dụng tình thương. Mình phải tìm hiểu tính cách từng con, gần gũi chăm sóc và cho ăn. Nếu không làm đúng như vậy thì không thể huấn luyện một con khỉ biểu diễn được”, Thông chia sẻ.
Theo Thông, một quy tắc bất di bất dịch trong xiếc thú là người làm xiếc tuyệt đối không được đánh con thú mà mình huấn luyện. Dù có bực tức như thế nào người huấn luyện cũng phải kiên nhẫn với nó.
Để có được màn trình diễn ấn tượng, người biểu diễn phải mất ít nhất 2 năm làm quen và huấn luyện
Người diễn viên luôn xem những chú khỉ là bạn thân của mình mới có thể kết hợp biểu diễn được
Một chú khỉ ở hậu trường chờ đến tiết mục biểu diễn
Công việc trang điểm của diễn viên xiếc thú chỉ diễn ra trong vòng 5 phút
Tuy vậy, Thông thường xuyên bị khỉ cắn, cào cấu. Nước dãi của khỉ rất độc, có lúc vết cắn sâu làm phần da sưng tái, hoặc vết thương hở gây nhiễm trùng.
Đối với xiếc khỉ, tập luyện một động tác đơn giản cũng mất ít nhất 6 tháng. Người làm xiếc luôn phải tuân thủ giờ giấc, chọn nơi yên tĩnh vì khỉ luôn tinh nghịch không chú tâm vào việc tập.
“Để cho khỉ đạp xe, đầu tiên tôi phải cầm tay, chân khỉ cho lên xe đạp. Tập cho khỉ ngồi yên một thời gian. Sau lại tập bàn chân khỉ xoay vòng, cứ như thế xoay hoài cho khỉ quen. Từ thời gian khỉ biết đạp đến diễn thuần thục thường mất khoảng 1 năm”, Thông kể.
Đến bây giờ, khi đã thân quen, Thông chỉ cần lên tiếng là con khỉ lập tức nghe lời và làm theo.
Khỉ cào, cá sấu táp
Nghề xiếc với khỉ được xem là gần gũi vì thú lành tính, còn đối với xiếc thú dữ như gấu, cá sấu chuyện đối diện với hiểm nguy là thường tình.
Anh Nguyễn Thế Liêm (31 tuổi) là một diễn viên chuyên xiếc với thú dữ, người có gần 12 năm gắn bó với nghề. Cơ duyên đến với nghề của Liêm bắt đầu từ những năm tuổi trẻ. Khi ấy, Liêm theo đoàn xiếc của người chú (NSƯT Hồng Lộc) và được truyền nghề dần dần.
Liêm vào nghề bằng công tác phụ việc, ngày qua ngày tiếp xúc, Liêm cảm thấy yêu mến những con thú dữ. Chính con gấu là bạn tập, diễn đầu tiên của anh, dần dần sau này anh tập thêm với trăn và cá sấu.
Để huấn luyện được một con thú dữ, người diễn viên thường xuyên tiếp xúc với nó phải có thân hình to lớn và đặc biệt “vía” của người phải át hơn “vía” của con thú. Có như thế con thú dữ mới cảm thấy sợ và nghe lời.
Thông thường việc tuyển chọn những con gấu làm xiếc từ khi còn nhỏ. Người huấn luyện liên tục lặp đi lặp lại có khi đến hàng nghìn lần một động tác cho con gấu theo một phản xạ có điều kiện.
Ở đoàn xiếc thú Hồng Lộc, các diễn viên hoàn toàn là nam
Một chú gấu đang được các diễn viên hậu đài chuẩn bị đưa vào diễn
Huấn luyện là một chuyện, song song đó là những nguy hiểm diễn ra thường xuyên khi diễn viên tiếp xúc với gấu
Người diễn viên vừa là bạn, là cha của gấu mới có thể thuần hoá được loài thú dữ này
Diễn với cá sấu là tiết mục khá nguy hiểm vì đặc tính của cá sấu là máu lạnh, người diễn viên không thể nào nhận biết được tính tình của nó như thế nào
“Cứ hai ba ngày là tôi bị cào, cắn một lần. Cảm giác gấu cào lên vết thương cũ đau đớn lắm. Có lúc bị gấu cắn trên tay phải đi viện khâu vết thương”, anh Liêm vừa nói vừa chỉ vào vết sẹo của gấu cắn trên tay.
“Trước đây có một chú diễn chung với gấu, bị nó cắn mất cả bắp tay và gót chân" - anh Liêm kể về tai nạn của một đàn anh.
Diễn với cá sấu phải đặt độ an toàn lên cao nhất. Vì đặc tính của nó là máu lạnh, người diễn viên không thể nào nhận biết được tính tình như thế nào. Mặc dù người diễn viên có tuyển chọn và huấn luyện cỡ nào đi nữa thì cá sấu là một loài hết sức nguy hiểm.
Anh Liêm nhớ lại nổi ám ảnh tai nạn nghề nghiệp của đồng nghiệp khiến anh không thể nào quên: “Xưa có người bạn diễn chung đoạn đưa đầu vào miệng cá sấu, khi rút ra thì bất ngờ cá sấu táp mạnh vào vai,  phải khâu hết sáu cuộn chỉ với ba lớp trong, lớp giữa, lớp ngoài giữa thịt và da”.
Nghề xiếc thú nguy hiểm là vậy, nhưng đối với anh Liêm, một khi đã dấn thân vào nghề thì phải có đam mê, lòng yêu nghề, yêu con thú thực thụ mới có thể theo đuổi được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.