Đội tình nguyện số truy vết Covid-19 bằng giọng nói

18/06/2021 07:28 GMT+7

Đội hình tình nguyện số đầu tiên của Đoàn thanh niên TP.Hà Nội đã được thành lập với 65 sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, sẽ tham gia vào ứng dụng công nghệ , truy vết Covid-19 bằng giọng nói.

Truy vết Covid-19 bằng AI

Thành đoàn Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đã tổ chức ra quân đội hình tình nguyện số để hỗ trợ phân tích dữ liệu phòng chống dịch Covid-19. Đội hình tình nguyện số gồm 65 sinh viên (SV) các lĩnh vực kinh tế số, thống kê, toán kinh tế, công nghệ thông tin… của Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Anh Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, cho biết đây là đội hình thanh niên tình nguyện số đầu tiên của Hà Nội trong chiến dịch hè năm nay. Các SV sẽ cùng chuyên gia công nghệ tham gia vào một dự án thực hành, phân tích dữ liệu giọng nói và tiếng thở, để nhận biết bệnh nhân Covid-19 bằng AI (trí tuệ nhân tạo). Đây là dự án cộng đồng cấp bách phục vụ công tác chống dịch, đồng thời cũng là cơ hội cho SV được đào tạo về kỹ năng chuyển đổi số và hình thành các câu lạc bộ dữ liệu tại các trường đại học. Sau khi áp dụng thành công sẽ nhân rộng mô hình tình nguyện ra toàn thành phố.
Chia sẻ tại buổi ra quân, chuyên gia công nghệ Nguyễn Đinh Mậu (CEO Công ty CP dán nhãn dữ liệu Dataset) cho biết hiện dự án đã có dữ liệu giọng nói của bệnh nhân mắc Covid-19 tại Ấn Độ và Thụy sĩ. SV sẽ được tham gia vào phân tích các dữ liệu này, từ đó có thể xây dựng phần mềm nhận biết bệnh nhân Covid-19. “Khi phần mềm đạt độ chính xác sẽ được xây dựng thành đề án và báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để triển khai tại VN”, ông Mậu cho hay. Cũng theo ông Mậu, hiện dự án đã có khoảng 300 người tham gia và hy vọng sẽ sớm thành công để có thể phục vụ việc phòng chống dịch ở VN.

Tình nguyện đến khi nào hết dịch Covid-19

Tham gia đội hình tình nguyện số, Nguyễn Tiến Đạt (SV năm 3) cho biết: “Cả nước đang chung tay chống dịch, nhiều SV các trường y dược đã lên tuyến đầu. Vì vậy, hoạt động này rất bổ ích, giúp SV ngành kinh tế cũng có thể góp công sức của mình vào hoạt động chống dịch của cả nước. Tôi sẽ cố gắng hết sức để có thể dùng công nghệ phát hiện ra người bị nhiễm Covid-19”.
Bạn Bùi Thị Tươi (SV năm thứ nhất) cũng cho biết hoạt động này vô cùng ý nghĩa. “Tôi cũng có người nhà làm nhiệm vụ phòng chống dịch, nên thấy công cuộc truy vết đang rất nặng. Vì thế, tôi muốn góp phần giảm bớt gánh nặng cho lực lượng chức năng”, Tươi nói. Đặc biệt, Tươi chia sẻ quê mình ở Bắc Giang, nơi đang là điểm nóng của dịch Covid-19, nên cả tháng nay bạn chưa được về nhà. Tham gia tình nguyện không chỉ giúp Tươi cải thiện bản thân mà còn có cơ hội cống hiến sức trẻ cho việc phòng chống dịch. “Với sức trẻ của mình, tôi mong muốn đóng góp được một chút công sức vào công cuộc chống dịch để làm sao nhanh chóng dập được dịch, tôi cũng sớm được trở về nhà”, Tươi bày tỏ.
Chia sẻ về việc triển khai đội hình tình nguyện số, chị Nguyễn Bích Ngọc, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, việc tình nguyện không thể bằng cách tổ chức các hoạt động tập trung đông người và tạo không khí lan tỏa trực tiếp. Vì thế, Đoàn trường nhận thấy cần thay đổi hình thức, tư duy và sử dụng trí tuệ để hoạt động tình nguyện.
“Chúng tôi đã xung kích đi đầu trong việc thành lập đội hình tình nguyện số. Việc mới sẽ có bỡ ngỡ, nhưng chúng tôi tin tưởng các bạn SV sẽ học được nhiều cái mới, góp phần vào mục tiêu kép là chống dịch thành công và phát triển kinh tế - xã hội”, chị Ngọc nói và cho biết đội hình tình nguyện số sẽ tham gia đến khi hết dịch.
Đánh giá về đội hình tình nguyện số, PGS-TS Bùi Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nói: “Bản thân tôi cũng như các thầy cô trong Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa và có tính sáng tạo cao. Áp dụng công nghệ thông tin, tiếp cận việc hỗ trợ phòng chống dịch ở một góc độ mới, rất có triển vọng, và rất hy vọng công việc của đội hình sẽ có những hiệu quả tức thì, đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch chung của đất nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.