“Tại sao lại ‘coming home’? Các anh muốn xách va li về nước à?” Tôi đã cắc cớ như vậy với Dany Hill khi tôi gia nhập một nhóm người Anh đang hát hò tưng bừng bên Quảng trường Đỏ vào trưa hôm nay. “Tụi tôi hát cho vui ấy mà. Anh cứ tạm hiểu là chúng tôi sẽ mang cúp vàng thế giới về nhà. It’s coming home là vậy đó”, Hill giải thích.
Người Anh có cả trăm, cả ngàn bài hát về bóng đá. Đứng với họ, riêng chuyện nghe họ hát thôi thì cũng đủ ngộ ra được thế nào là bóng đá chuyên nghiệp. Họ hát liên miên, những bài nghiêm túc, những bài ngợi ca đội bóng của mình. Họ hát bài chế giễu đối phương. Đôi khi, họ hát bài “troll” các cầu thủ đội nhà.
tin liên quan
Southgate đáng khen khi đưa tuyển Anh vào bán kết World Cup 2018HLV Gareth Southgate không có nhiều sự lựa chọn như các đồng nghiệp của các đội bóng lớn ở kỳ World Cup năm nay nhưng ông vẫn thành công.
Một thời, họ đã hát về Wayne Rooney như thế này: “Bạn hãy cảnh giác. Gã có thể trộm xe của bạn”, có lẽ ngụ ý anh này giỏi cướp bóng từ chân đối phương, cũng có thể nói anh này dân cảng Liverpool, mà dân cảng hay bị gắn mác “giang hồ”. Rồi họ hát về cầu thủ cao kều Peter Crouch rằng: “Gã này nằm thò chân ra khỏi giường”. Bây giờ thì họ lại hát “It’s coming home”, “En-ger-land”, rồi những điệp khúc mới về Gareth Southgate, Harry Kane… và tất nhiên là cả “Don’t take me home”. Tại sao lại vừa “coming home” (trở về nhà) lại vừa “don’t take me home” (đừng đưa tôi về nhà)? Nghe ngược nhau quá nhỉ! Thực ra không hẳn vậy. “It’s coming home” trong bối cảnh hiện tại được hiểu là mang cúp vàng trở về quê hương của bóng đá (nước Anh thường được gọi là quê hương bóng đá). Trong khi đó, “don’t take me home” lại là lời nài nỉ của một tay cổ động viên ham chơi: “Đừng đưa tôi về nhà. Tôi còn muốn ở lại đây. Tôi uống chưa hết bia. Tôi chưa muốn đi làm”. Dịch nghĩa thì khô khan vậy, nhưng một rừng cổ động viên cùng đồng thanh hát lên, nghe rất vui và khí thế. Khi cổ động viên Anh hát lên “don’t take me home” cũng hàm ý là không muốn đội tuyển bị loại sớm để anh ta phải về nhà.
Khát vọng là vậy, ước nguyện là vậy, và cả khẩu hiệu mà người Anh hô lên từ đầu giải “Go to Moscow” thì bây giờ cũng đã sắp cận kề trở thành hiện thực. Trận đấu hôm nay trên sân Luzhniki ở Moscow nhưng không mang nghĩa “Moscow” như trong khẩu hiệu kia. Khẩu hiệu “Go to Moscow” mang một ý nghĩa rất rõ ràng, như một khát khao, đồng thời là mệnh lệnh: Hãy vượt qua tất cả các đối thủ để đến Moscow đá trận chung kết. Và, tất nhiên, một khi đã tới trận chung kết thì mệnh lệnh lúc đó sẽ là: Hãy thắng trận cuối này!
|
Người Anh từng vô địch thế giới, nhưng điều đó xảy ra hơn nửa thế kỷ rồi. Từ ngày ấy đến nay, người Anh bao nhiêu lần tham vọng, bao nhiêu lần mộng mơ, thì bấy nhiêu lần thất vọng. Đến mức, một bậc tiền bối ở đội tuyển Anh từng cay đắng: “Bóng đá là cuộc chơi của 22 cầu thủ, và cuối cùng người Đức chiến thắng”. Giờ đây, cơ hội đã ở trước mặt, tại sao không đưa ra đón lấy; tại sao không thể chứng minh rằng “cuối cùng người Anh chiến thắng”?
“Anh hỏi giùm tôi một vé trận chung kết nhé. Bao nhiêu tôi cũng mua”, anh bạn George Falck nhắn tôi vào đêm hôm trước. George cùng những người bạn của mình đến Nga vốn dĩ là đã tính trở về từ hồi đầu tháng 7, nhưng rồi lại ở đến tận bây giờ và với niềm tin rằng đội tuyển sẽ tiến đến trận chung kết, anh đã hỏi tôi để tìm mua vé. “Bao nhiêu tôi cũng mua” ở đây cho thấy một quyết tâm cao, một niềm tin mãnh liệt vào đội tuyển.
Vào lúc tôi đang gõ những dòng này, người Anh đã từ Quảng trường Đỏ đi theo đường tàu số 1 để đổ về sân Luzhniki. Những lá cờ chữ thập Saint George được giơ cao, những điệp khúc không ngừng vang lên, lan truyền trong không gian đầy kích động. Cuộc đấu trước mặt rất cam go, người Anh hiểu rõ điều đó, cũng như họ hiểu rằng Croatia không hề là một đối thủ dễ chơi, thậm chí còn già dặn hơn họ về nhiều mặt. Thách thức lớn, nhưng khát vọng thì lại cứ cao vời vợi. “It’s coming home!” Mang cúp vàng thế giới về nhà, được chăng?
Bình luận (0)