Đội tuyển Nga World Cup 2018: Từ Lev Yashin đến Igor Akinfeev

02/07/2018 19:48 GMT+7

Năm 1953, thủ môn Lev Yashin cùng đồng đội ở Dynamo Moscow đoạt cúp Liên Xô và đứng thứ 3 ở giải VĐQG Liên Xô, trong môn... khúc côn cầu trên băng.

Vâng, Yashin đã phải chuyển sang chơi khúc côn cầu trên băng (ở đẳng cấp cao chứ không phải đẳng cấp "phong trào"), vì thấy rằng nếu cứ theo đuổi sự nghiệp bóng đá thì xem chừng ông không có cơ hội. Khung thành Dynamo Moscow khi ấy thuộc về Alexei "Tiger" Khomich. Kể cả sau này, khi Yashin đã trở lại bóng đá và vang danh khắp thế giới, người Nga hoặc giới hâm mộ Dynamo Moscow nói riêng vẫn không nghĩ rằng Yashin hay hơn Khomich. Giống như người Brazil chưa chắc công nhận Pele xuất sắc hơn Garrincha vậy.
Câu chuyện nói lên cả một truyền thống hào hùng của bóng đá Nga - đất nước đã sản sinh không biết bao nhiêu thủ môn vĩ đại, trong suốt lịch sử bóng đá. Từ Yashin đến Rinat Dassaev. Từ Sergei Ovchinnikov đến Igor Akinfeev. Tất nhiên, phải có nguyên do cho truyền thống tuyệt vời này.
Hãy để ý kỹ biệt danh "tiger" (nghĩa là mãnh hổ) của Khomich - thủ môn xuất sắc từng khiến Yashin chán nản bỏ nghề. Ở Anh, người ta gán ghép cho những thủ môn giỏi các biệt danh như "safe hands" (đôi tay an toàn) hoặc "the cat" (con mèo). Thủ môn ở Nga lại khác. Cứ phải có... tính chiến đấu, hoặc điều gì đó tương tự. Bọn trẻ ở Nga khi chơi bóng dưới mái học đường thì đứa nào cũng muốn sắm vai thủ môn, chứ không mơ làm hậu vệ giỏi như bọn trẻ ở Ý hoặc làm trung phong như bọn trẻ ở Anh. Chính Yashin cũng từng như vậy.
Thủ thành Igor Akinfeev tiếp bước truyền thống của các thủ môn huyền thoại nước Nga như Lev Yashin, Rinat Dassaev, Sergei Ovchinnikov... - Ảnh: Reuters
Giới nghiên cứu lịch sử bóng đá cho rằng bộ phim Vratar (thủ môn), khá nổi tiếng ở Liên Xô hồi năm 1936, là xuất phát điểm dẫn đến truyền thống có thủ môn giỏi của bóng đá Nga. Vai chính trong phim là một thủ môn, được giới bóng đá phát hiện khi anh ta bắt những quả dưa hấu một cách tuyệt vời để chất lên xe tải. Cao trào lúc gần cuối phim: thủ môn nọ một mình dẫn bóng lên tận khung thành đối phương và ghi bàn. Yashin là thế hệ đầu tiên chịu ảnh hưởng lớn từ bộ phim rất phổ biến ở Moscow ấy.
Sau này, ai cũng công nhận Yashin - thủ môn duy nhất từng được France Football trao "Quả Bóng Vàng châu Âu" - là thủ môn vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Người ta dùng tên Yashin để đặt cho các giải thưởng về thủ môn giỏi. Hoặc khi có một thủ môn đạt đến con số 100 lần giữ nguyên mành lưới, thì người ta đưa thủ môn ấy vào một danh sách gọi là "CLB Yashin". Về mặt chuyên môn, giới bóng đá Nga lại tự hào về Yashin qua một chi tiết đặc biệt khác: thủ môn phải biết chơi bóng bằng chân, thì mới là thủ môn xuất sắc "chuẩn Nga". Rinat Dassaev của Spartak Moscow và đội tuyển Liên Xô được xem là một trong những thủ môn hay nhất thế giới trong thập niên 1980. Riêng về biệt tài bắt bóng... bằng chân, thì đúng là Dassaev "vô đối".
Bạn đã biết vì sao Igor Akinfeev đỡ được quả 11m luân lưu quyết định của Aspas (trong trận Nga thắng Tây Ban Nha, lọt vào tứ kết World Cup 2018) bằng chân chứ không phải bằng tay? Vâng, đấy không bao giờ là một pha bóng tình cờ. Đấy là cả một truyền thống có thật, rất hào hùng, của bóng đá Nga.
[VIDEO]: LOẠT SÚT LUÂN LƯU TRẬN NGA - TÂY BAN NHA
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.