Đội tuyển nữ Việt Nam học được gì từ trận đấu với New Zealand?

10/07/2023 20:32 GMT+7

Thất bại 0-2 trước đội tuyển nữ New Zealand ở trận giao hữu ngày 10.7 mang lại cho đội tuyển nữ Việt Nam thêm những bài học quý.

Sự khắc nghiệt ở đẳng cấp World Cup

So với trận gặp Đức ngày 24.6, HLV Mai Đức Chung giữ phần lớn bộ khung đội hình đội tuyển nữ Việt Nam trong cuộc so tài với New Zealand ngày 10.7, chỉ có 1 sự thay đổi khi Huỳnh Như trở lại, thế chỗ của tiền đạo Nguyễn Thị Thúy Hằng.

Gặp đối thủ đứng hạng 26 thế giới, các học trò của HLV Mai Đức Chung tiếp tục trình diễn lối chơi phòng ngự phản công. Lùi đội hình về sân nhà đá phòng ngự với 2 lớp, rồi tận dụng cơ hội đẩy bóng ra biên khi giành lại quyền kiểm soát để phản công, đó là miếng đánh đội tuyển nữ Việt Nam đã rèn kỹ lưỡng trên sân tập. Cuộc đấu với đội tuyển nữ New Zealand là cơ hội để ban huấn luyện kiểm tra sự thuần thục và năng lực của từng cầu thủ khi đặt trong đấu pháp này.

Trước đối thủ có lối chơi cơ bắp và hiện đại như New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Khác với đội tuyển nữ Đức vốn chú trọng phối hợp đập nhả một chạm, đội tuyển nữ New Zealand không ngần ngại chơi bóng dài, bóng bổng, buộc đội tuyển nữ Việt Nam rơi vào thế phải đấu tay đôi.

Thua New Zealand, đội tuyển nữ Việt Nam thụt lùi hay tiến bộ sau trận gặp Đức?

Đội tuyển nữ Việt Nam học được gì từ trận đấu với New Zealand? - Ảnh 1.

Đội tuyển nữ Việt Nam đã chơi nỗ lực

VFF

Ở thế va chạm trực diện với đối thủ có thể hình và khả năng giữ thăng bằng vượt trội, đội bóng của HLV Mai Đức Chung đã lộ ra điểm yếu. Bởi tuyến giữa không tranh chấp thành công, nên hàng phòng ngự liên tục hứng chịu áp lực dồn dập. Nếu bàn thua đầu tiên ở phút 17 xuất phát từ pha phá bóng lỗi của hậu vệ Trần Thị Thu Thảo, bàn thua thứ hai cuối hiệp 1 là lỗi hệ thống phòng ngự. Các tuyến của đội tuyển nữ Việt Nam không duy trì được tính liên lạc, để đối thủ thoải mái chuyền vượt tuyến, xẻ bóng xuống hành lang phải rồi căng ngang vào trong để ghi bàn.

Đây cũng là hạn chế thứ hai của đội tuyển nữ Việt Nam, bên cạnh vấn đề sức mạnh, đó là khả năng bọc lót, giữ cự ly đội hình ở sơ đồ phòng ngự 5 hậu vệ. Trước khi cánh trái của đội tuyển nữ Việt Nam bị khoan thủng chỉ với hai đường chuyền, các trung vệ lệch cánh và hậu vệ cánh đã phối hợp kém ăn ý. Giải pháp duy nhất để chống đỡ những đối thủ cao lớn hơn là phải bọc lót và che chắn kín kẽ, giữ cự ly hẹp để sẵn sàng trợ giúp nhau. Dù vậy, các hậu vệ, đặc biệt ở vị trí của Thu Thương và Thu Thảo chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ khi HLV Mai Đức Chung tung Hải Linh và Vạn Sự vào sân, các khoảng trống mới được bịt kín.

Hạn chế của sơ đồ 5 hậu vệ là khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các cầu thủ đá biên với trung vệ lệch cánh. Ở World Cup 2023, các đối thủ sẽ tìm cách khoan phá điểm yếu này của đội tuyển nữ Việt Nam. Trận gặp New Zealand đã giúp HLV Mai Đức Chung nhìn thấy mặt hạn chế. Và may mắn, toàn đội còn 12 ngày để sửa lỗi.

Đội tuyển nữ Việt Nam học được gì từ trận đấu với New Zealand? - Ảnh 2.

Đội tuyển nữ Việt Nam học được gì từ trận đấu với New Zealand? - Ảnh 3.

Đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu đáng khen

VFF

Cần thêm tự tin

Quãng thời gian chơi tốt nhất của đội tuyển nữ Việt Nam là nửa sau hiệp 2, khi các cầu thủ cầm bóng, chủ động phối hợp để tìm hướng tấn công. Tuy nhiên, các học trò của HLV Mai Đức Chung thi đấu thoải mái, cũng bởi New Zealand đã giảm nhịp độ chơi bóng, không còn áp sát quyết liệt.

Ở trận này, đội tuyển nữ Việt Nam thường lúng túng khi đối thủ dâng cao gây áp lực. Trước những đối thủ có thể hình vượt trội, việc chuyền vượt tuyến, chuyền dài để Hải Yến hay Huỳnh Như rơi vào thế đấu tay đôi không phải là lựa chọn phù hợp. Đội tuyển nữ Việt Nam thiếu những tình huống phối hợp đan bóng nhuyễn như ở trận gặp Đức.

Bên cạnh khiếm khuyết kỹ thuật hay tốc độ, yếu tố cốt lõi nằm ở sự tự tin. Huỳnh Như khẳng định, đội tuyển nữ Việt Nam cần quen với nhịp độ thi đấu tại New Zealand. Tốc độ, cường độ ở đẳng cấp World Cup sẽ rất khác. Khi các đối thủ chơi nhanh hơn, mạnh hơn, sẵn sàng "lấy thịt đè người", đội tuyển nữ Việt Nam cần thi đấu khôn khéo. Cầm bóng chắc chắn, di chuyển tìm khoảng trống và tự tin hơn với những đường chuyền ngắn (thay vì lạm dụng chuyền dài) là khẩu quyết được ban huấn luyện nhắc nhở cầu thủ liên tục. Dù vậy để không bị "khớp" trước nhịp độ thi đấu rất cao như hiện nay, đội tuyển nữ Việt Nam cần thời gian.

Top 5 ứng cử viên vô địch World Cup nữ 2023

Bình luận viên Ngô Quang Tùng đánh giá: "World Cup không phải là đấu trường mà các cầu thủ có thể nghĩ về chiến thắng hay lọt vào vòng sau. Do đó, các cầu thủ phải cố gắng từ những chi tiết nhỏ nhất, như từng thời điểm chúng ta không thua, từng hiệp đấu chúng ta không thủng lưới, hạn chế số bàn thua. Gặp các đội hàng đầu, đội nữ Việt Nam hãy thi đấu tự tin và có mục tiêu rõ ràng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.