Hai bàn thắng của Huỳnh Như và Nguyễn Thị Thanh Nhã trên sân Olympic (Phnom Penh, Campuchia) giúp đội tuyển nữ Việt Nam đánh bại Myanmar với tỷ số 2-0 để lên ngôi vô địch. So với chung kết SEA Games 31 và 30, nơi các học trò của HLV Mai Đức Chung thắng Thái Lan với cách biệt tối thiểu để vô địch, chiến thắng trước Myanmar tối 15.5 được đánh giá là dễ dàng hơn. Huỳnh Như mở tỷ số từ sớm, đội tuyển nữ Việt Nam kiểm soát thế trận, tấn công dồn dập và đóng sập cánh cửa hy vọng của Myanmar bằng pha bấm bóng điệu nghệ của Thanh Nhã ở phút 76.
Giao lưu cùng HLV Mai Đức Chung sau tấm HCV SEA Games 32: 'Cả tuần nay tôi không ngủ được'
Đội tuyển nữ Việt Nam thắng nhẹ nhàng trước Myanmar bằng đẳng cấp, như điều vốn dĩ ở đa số các trận ở SEA Games 32. Tuy nhiên, không thể vì thế mà đánh giá thấp chiến công của thầy trò ông Chung. Bởi lẽ bản thân con số 4 lần vô địch liên tiếp của đội đã nói lên giá trị của nó. Đội tuyển nữ Việt Nam duy trì vị thế số 1 ở sân chơi SEA Games trong suốt 6 năm (từ 2017 đến nay), bất bại 16 trong 17 trận gần nhất ở đấu trường này. Bước lên đỉnh cao đã khó, giữ được động lực để đứng trên đỉnh cao trong nhiều năm liền, đánh bật mọi đối thủ muốn chiếm vị trí số 1, không vì đủ đầy vinh quang mà đánh mất ý chí cố gắng,... những phẩm chất ấy đã được đội tuyển nữ Việt Nam hun đúc qua nhiều thế hệ, để rồi tạo nên một chu kỳ thống trị bền vững.
Ở mỗi kỳ SEA Games, đội tuyển nữ Việt Nam lại đối mặt với một kiểu khó khăn riêng. Năm 2017 và 2019, Huỳnh Như cùng đồng đội phải đấu với đội tuyển nữ Thái Lan đang trong giai đoạn cực thịnh với tấm vé dự World Cup cùng những chức vô địch ở AFF Cup. SEA Games 31 (năm 2022), bên cạnh Thái Lan và Myanmar vốn rất mạnh, đội tuyển nữ Việt Nam còn gặp chướng ngại Philippines, với nhiều cầu thủ Phi kiều nhập tịch trước đó đã lọt tới bán kết Asian Cup 2022. Còn năm nay, bên cạnh từng ấy khó khăn từ đối thủ, HLV Mai Đức Chung còn đối diện với chấn thương của trung vệ chủ lực Chương Thị Kiều, một số trụ cột đã lớn tuổi, trong khi cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm.
"Bóng đá nữ khác với bóng đá nam. Chúng tôi không có nhiều cầu thủ để lựa chọn bởi giải vô địch quốc gia nữ có ít CLB tham dự hơn là V-League", HLV Mai Đức Chung chia sẻ. Trả lời Thanh Niên sáng 16.5, ông Chung vẫn bồi hồi: "Cảm xúc của tôi hiện tại có lẽ nói là dâng trào cũng được, hạnh phúc cũng được. Đội tuyển nữ Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn. Nhiều cầu thủ chấn thương, các cầu thủ trẻ mới lên tập trung cùng đội tuyển, cùng những vấn đề khác tôi không tiện nói ra".
Chìa khóa giúp đội tuyển nữ Việt Nam vượt khó ở SEA Games 32 đã được HLV Mai Đức Chung chuẩn bị từ 3 năm trước. Đầu năm 2020, khi đội tuyển nữ Việt Nam vừa trở về từ thành công ở SEA Games 30, HLV Mai Đức Chung đã lập tức tập hợp lực lượng. Ông đôn một số cầu thủ trẻ từ đội U.20 Việt Nam như Nguyễn Thị Thanh Nhã, Nguyễn Thị Tuyến Ngân, Ngân Thị Vạn Sự, Trần Thị Hải Linh, Lương Thị Thu Thương,... lên tập cùng đàn chị.
Nhà cầm quân 73 tuổi đan cài lứa trẻ với cầu thủ kinh nghiệm để xây dựng thế hệ tương lai, ngay từ thời điểm Huỳnh Như, Nguyễn Thị Tuyết Dung hay lứa Chương Thị Kiều, Trần Thị Kim Thanh vẫn đang ở đỉnh cao phong độ. Đó là sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai.
Nỗ lực ươm mầm của HLV Mai Đức Chung đã mang lại quả ngọt. Đội tuyển nữ Việt Nam đã vô địch nhờ kinh nghiệm của dàn cầu thủ dày dạn, nhưng cũng có sự góp sức rõ ràng của các tài năng trẻ. Hải Linh được sử dụng ở trung tâm tuyến phòng ngự thay Chương Thị Kiều, trước đó là Thu Thương trở thành một phần của hàng thủ giúp đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023 thông qua Asian Cup. Nổi bật nhất là tiền đạo trẻ Thanh Nhã - người đã bấm bóng vào lưới Myanmar ở chung kết. Chân sút của đội Hà Nội đã tiến bộ dần qua từng trận đấu, từ chỗ chỉ mạnh ở những pha bứt tốc trở thành chân sút lợi hại với những bàn thắng quan trọng vào lưới Myanmar (2 bàn) hay Nepal trong thời gian qua.
Kịch bản Huỳnh Như mở tỷ số, Thanh Nhã ấn định chiến thắng ở chung kết SEA Games giống như một dòng chảy thế hệ. Một cầu thủ bản lĩnh dày dạn ghi bàn mở tỷ số và một tài năng trẻ ấn định chiến thắng. Đó là chiến công của hiện tại và mở ra tương lai tươi sáng. Với một thế hệ tài năng đang lớn dần qua từng lớp trầm tích trận mạc, đội tuyển nữ Việt Nam có tương lai tươi sáng.
Đội tuyển nữ Việt Nam đã khẳng định tên tuổi ở SEA Games, nhưng tận dụng bàn đạp này hướng ra thế giới ra sao, đó lại là bài toán nan giải với thầy trò ông Mai Đức Chung.
Ở sân chơi Đông Nam Á, đội tuyển nữ Việt Nam trội hơn bởi những đối thủ cạnh tranh chủ yếu trong 10 - 15 năm qua chỉ dừng lại Thái Lan, Myanmar hay mới đây có Philippines. Còn bước ra châu Á và thế giới, áp lực rất khác. Đơn cử, đội tuyển nữ Việt Nam đã toàn thua Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc khi bước ra Asian Cup. Dù rất cố gắng, nhưng các học trò của HLV Mai Đức Chung chỉ có thể "cầm cự" để thua với cách biệt khoảng 2, 3 bàn.
Với World Cup, áp lực còn lớn hơn nhiều. Đội tuyển nữ Việt Nam đã thua Pháp với tỷ số 0-7 ở trận giao hữu năm 2022, trong trận đấu mà Pháp chưa bung hết sức, vẫn ghi tới 6 bàn vào lưới đội bóng do ông Chung huấn luyện ngay trong hiệp 1. Chênh lệch về tốc độ, thể trạng, kỹ thuật, trình độ chiến thuật của cầu thủ nữ thậm chí còn khó khăn hơn cầu thủ nam, trong bối cảnh thực tế ban huấn luyện đội nữ cũng không có nhiều lựa chọn.
"Tôi còn nhiều điểm chưa hài lòng, chủ yếu là về chuyên môn. Còn về tinh thần thi đấu của cầu thủ, tôi rất mãn nguyện. Tôi hy vọng các cầu thủ trẻ tập luyện và thi đấu nhiều hơn, cũng mong có thêm CLB nữ để những người làm chuyên môn như chúng tôi có nhiều gương mặt để tuyển chọn. Hiện tại, chúng tôi có quá ít gương mặt để lựa chọn, khi chỉ có 4, 5 CLB ở trong nước. Tôi nói điều này với các HLV khác, họ rất ngạc nhiên là tại sao bóng đá nữ Việt Nam chỉ có từng ấy đội mà đội tuyển nữ Việt Nam lại được như thế này, còn nước họ có tới hơn 30 CLB nữ. Tôi mong có nhiều cầu thủ trẻ hơn, nhiều CLB nữ hơn nữa để ban huấn luyện có thêm lựa chọn", HLV Mai Đức Chung trải lòng với Thanh Niên.
Nếu không chuẩn bị chu toàn, đội tuyển nữ Việt Nam có nguy cơ rơi vào trạng thái nửa vời như Thái Lan cách đây 5 năm. Đó là thừa cho Đông Nam Á, nhưng lại thiếu cho châu Á và thế giới. Tình thế "chênh vênh giữa sườn đồi" của đội tuyển nữ Việt Nam có thể dẫn tới mất định hướng hay trượt dài như Thái Lan đã gặp phải.
Để chuẩn bị sẵn cho dòng chảy vô hướng, "con tàu" bóng đá Việt Nam cần vững bánh lái và có định hình rõ ràng cả về chiến lược lẫn con người. HLV Mai Đức Chung đang ươm mầm và chăm bẵm lứa trẻ rất tốt. Trong tháng này, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ trở lại tập luyện, sau đó tập huấn ở Đức và Ba Lan để tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho World Cup.
"Chúng ta tập huấn ở Nhật Bản trước khi dự SEA Games, rồi sang Đức tập huấn 15 đến 20 ngày, đá giao hữu với các đội bóng mạnh. Cọ xát với các đội mạnh là thuận lợi cho đội nữ Việt Nam. Các cầu thủ ít được đá quốc tế, đó là điểm yếu cần khắc phục. VFF sẽ làm việc với Liên đoàn Bóng đá các nước để họ hỗ trợ chúng ta các chuyến tập huấn. Làm quen với các đội tuyển mạnh là bước đệm để đội tuyển nữ Việt Nam chơi tốt tại World Cup 2023. chúng ta còn nhiều việc phải làm như tăng cường thể lực, cải thiện khâu phối hợp và phải liên tục cọ xát với các đội mạnh để khi ra World Cup, các cầu thủ sẽ chơi với tâm thế tự tin và vững vàng, dù đối thủ có là Mỹ hay Hà Lan. Đội tuyển nữ Việt Nam không đến World Cup để dạo chơi. Các cầu thủ sẽ thi đấu để tất cả thấy được cầu thủ nữ Việt Nam có thể làm được những gì", HLV Mai Đức Chung cho biết.
Mang tinh thần Việt Nam ra sân chơi World Cup là mong muốn của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Đó là đỉnh núi cao nhất bóng đá nữ Việt Nam từng chạm tới, và chắc chắn, Huỳnh Như cùng đồng đội không muốn đây chỉ là thành tựu nhất thời. Sau lần đầu dự World Cup, đích ngắm xa hơn của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ là có thêm nhiều lần góp mặt ở giải đấu này.
Dù vậy, thành tích của đội tuyển nữ Việt Nam chỉ là phần ngọn của nền bóng đá, mà như ông Chung thừa nhận, bóng đá nữ Việt Nam còn nhiều bất cập. Đó là thu nhập của nhiều cầu thủ nữ còn khiêm tốn, chưa đủ trang trải cuộc sống, cũng không hấp dẫn để các gia đình đồng ý cho con em theo nghề bóng đá. Đó là số lượng đội bóng đã ít, còn giảm dần theo từng năm. Hiện nguồn đào tạo chủ lực của bóng đá nữ Việt Nam chỉ gồm Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam và Quảng Ninh, bên cạnh Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Con số này có thể đủ cho Đông Nam Á, nhưng quá ít nếu muốn đặt kỳ vọng dự World Cup thường xuyên.
Sau cùng, đội tuyển nữ Việt Nam tiến bộ, đối thủ cũng không đứng yên. Theo cựu trưởng đoàn đội tuyển nữ Việt Nam, ông Dương Vũ Lâm, những quốc gia như Uzbekistan, Iran bắt đầu chăm chút nhiều hơn cho bóng đá nữ. Philippines cũng nhập tịch nhiều cầu thủ có thể hình tốt đang chơi bóng ở châu Âu và Mỹ, ngay lập tức đổi lấy vinh quang ở AFF Cup 2022 khi thắng đậm Thái Lan, Việt Nam. Duy trì được đỉnh cao rồi tận dụng đà bứt phá trong tương lai là nhiệm vụ không riêng đội tuyển nữ Việt Nam, mà còn là của cả nền bóng đá nữ. Phải nỗ lực thế nào để những giọt mồ hôi hôm nay đổ xuống sân cỏ không trở thành vô ích!
Bình luận (0)