Đội tuyển Việt Nam bước vào kỳ thi Olympic Toán quốc tế đặc biệt trong lịch sử

19/09/2020 15:39 GMT+7

Ngày 21.9, đội tuyển Việt Nam sẽ bắt đầu tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2020 rất đặc biệt trong lịch sử nhiều năm của kỳ thi này.

Năm nay, tưởng chừng Việt Nam đã không cử đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2020. Cho đến lúc này, có rất nhiều điều đặc biệt để nói, cả từ cấp độ kỳ thi đến đội tuyển Việt Nam. 

Hủy rồi lại tổ chức

Đầu tháng 5.2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT và các trường ĐH có trường THPT chuyên về việc không tổ chức thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020. 
Tuy nhiên, để các học sinh không đánh mất cơ hội được thi tài cùng bạn bè quốc tế, nhiều chuyên gia có uy tín cũng có lên tiếng về việc này. Theo đó, vì tình hình lúc bấy giờ, không hy vọng có một giải pháp chung cho tất cả các môn, có thể không tổ chức một kỳ thi chọn đội tuyển cho cả 5 môn như mọi năm, nên tách riêng từng môn để xử lý. Nếu ban tổ chức quốc tế của môn nào đưa ra phương án rõ ràng, hợp lý và an toàn thì có thể lập đội để tham gia.
Ngày 16.5, vì dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước đăng cai tổ chức thi Olympic cũng đã chủ động xin ý kiến các nước tham gia về việc vẫn tổ chức thi với hình thức trực tuyến hoặc thông báo lùi thời gian thi dự kiến đến tháng 10.2020. Sau khi cân nhắc, Bộ GD-ĐT cũng quyết định tiếp tục tổ chức đội tuyển tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế năm nay nếu phương án thi phù hợp. 

Các thành viên đội tuyển cùng phụ huynh

Lê Thống Nhất

Riêng kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), Ban tổ chức quyết định áp dụng phương án dự phòng là học sinh nước nào thi tại nước đó. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cũng quyết định tổ chức đội tuyển Việt Nam tham gia IMO năm nay. 

Thi theo cách đặc biệt

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đúng là kỳ thi năm nay hơi đặc biệt. Đáng lẽ như mọi năm, lúc này chúng ta đã "lên đường" tham gia kỳ thi IMO 2020 tại nước chủ nhà Nga. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, năm nay đội tuyển các nước sẽ tham dự kỳ thi ngay tại nước mình. Về phía Việt Nam, đã chọn ra 6 thí sinh (3 Hà Nội, 1 Nam Định, 1 Vĩnh Phúc, 1 TP.HCM). Việc lựa chọn thí sinh vẫn nghiêm túc, cẩn thận và chu đáo như mọi năm. Vừa qua, các em được các thầy cô hàng đầu về toán tập huấn. 
"Mặc dù bị tác động của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn chuẩn bị đầy đủ và nghiêm túc. Tuy thi tại Việt Nam, việc tổ chức thi cũng phải theo đúng quy định của ban tổ chức. Chúng ta phải mở camera có cả hình và tiếng trực tiếp liên tục để bất cứ khi nào ban tổ chức từ nước Nga vẫn có thể xem. Chúng ta chỉ thực hiện theo tiêu chuẩn của ban tổ chức". 

Các thành viên đội IMO Việt Nam đoạt giải năm 2019

Bộ GD-ĐT

Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP.HCM, cũng cho biết các thí sinh sẽ thi theo cách khá đặc biệt. Vào sáng 21.9, nhân viên Đại sứ quán Nga sẽ đưa đề sang địa điểm tổ chức và bắt đầu có mặt giám sát 24/24. Trong buổi sáng, tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình và PGS.TS Lê Anh Vinh (Trưởng đoàn Việt Nam) sẽ dịch đề thi. Đến buổi chiều, các thí sinh sẽ thi dưới sự giám sát liên tục từ camera cũng như người của Đại sứ quán Nga cho đến khi kết thúc. 

Thành viên đặc biệt

Các thành viên đội tuyển năm nay gồm: Trương Tuấn Nghĩa (lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), Chu Thị Thanh (lớp 12, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc), Nguyễn Mạc Nam Trung (lớp 12, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM), Ngô Quý Đăng (lớp 10, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), Đinh Vũ Tùng Lâm (lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trần Nhật Minh (lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định).
Theo tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất, thành phần đội tuyển năm nay cũng rất đặc biệt. Có 3 thành viên gây chú ý trong cộng đồng học sinh giỏi toán. Lần đầu tiên Việt Nam có 1 thành viên của đội tuyển là học sinh đến từ lớp 10 là em Ngô Quý Đăng. Đăng được bạn bè gọi là "Vua của những giải thưởng" bởi trong quá trình học tập, em đoạt hàng chục giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải bạc IMC 2015, giải vàng IMSO 2016, giải vàng SASMO 2017, Vô địch Toán quốc tế Kangaroo 2017 - 2018, Vô địch HOMC 2018... 

Ngô Quý Đăng (áo đỏ, hàng đầu) với thầy cô và bạn học khi còn là học sinh Trường Archimedes

Ngô Minh

Thành viên đặc biệt thứ hai trong đội tuyển là em Trương Tuấn Nghĩa. Tuy mới học lớp 11 nhưng Tuấn Nghĩa vừa thủ khoa vòng 1 (điểm cao nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia VMO 2020) và thủ khoa vòng 2 (vòng chọn đội tuyển TST 2020). Trong kỳ thi "Sharygin Geometry Olympiad" năm 2017 tại Nga, Trương Tuấn Nghĩa đã là 1 trong 3 học sinh giành huy chương vàng với điểm số cao nhất. Ngoài thành tích trên, bảng thành tích của Nghĩa đã thiết lập ngay từ khi học ở THCS Hà Nội - Amsterdam: Huy chương vàng APMOPS (2015), HOMC (2017), khi học lớp 8 giành giải nhất kỳ thi học sinh Toán lớp 9 TP.Hà Nội, giải ba VMO 2019.
Điều đặc biệt thứ ba là năm nay, đội tuyển IMO Việt Nam có 1 thành viên nữ là em Chu Thị Thanh. Trong lịch sử 46 năm dự thi IMO (có những năm không tham gia) của đoàn Việt Nam thì số lượng nữ sinh chỉ chiếm khoảng 4%. 
Tiến sĩ Trần Nam Dũng cũng nhận xét năm nay đội hình tương đối mạnh. Các em được tuyển chọn cũng thuộc loại tốt nhất về môn toán của đất nước. Có rất nhiều hy vọng ở đội tuyển Oympic Toán quốc tế năm nay. 
Đoàn Việt Nam bắt đầu tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế từ năm 1974 (lần thứ 16). Chúng ta đã có 9 thí sinh từng giành điểm tuyệt đối với Ngô Bảo Châu, Lê Bá Khánh Trình, Đàm Thanh Sơn, Lê Tự Quốc Thắng... GS Ngô Bảo Châu cũng là 1 trong 8 thí sinh Việt Nam từng 2 lần giành huy chương vàng liên tiếp tại 2 kỳ thi. Có 1 thí sinh từng giành giải thưởng đặc biệt vì lời giải xuất sắc là Lê Bá Khánh Trình (IMO 1979), lúc đó đang là học sinh của Trường Quốc học Huế. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.