Như đã đề cập, khi Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) sa thải HLV Jurgen Klinsmann sau Asian Cup 2023, họ chủ yếu chỉ giải quyết được việc giảm phần nào (phần nào thôi, chứ không phải toàn bộ) sức ép từ dư luận. Còn về mặt chuyên môn, việc KFA đuổi HLV Klinsmann chưa chắc có lợi.
Đầu tiên, vòng loại World Cup đã gần kề, vòng loại của giải đấu này sẽ sớm trở lại trong tháng 3 tới đây. Đội tuyển Hàn Quốc không thể ở mãi trong cảnh rắn mất đầu, họ cần nhanh chóng bổ nhiệm HLV mới. Thời gian càng gấp rút, rủi ro trong việc chọn người mới đối với đội tuyển Hàn Quốc càng tăng, vì họ không có thời gian thẩm định kỹ HLV mới.
Highlight Jordan 2 - 0 Hàn Quốc: Địa chấn nối địa chấn, Son Heung-min nhạt nhòa
Về mặt uy tín, việc KFA sa thải HLV Klinsmann quá sớm, chỉ sau 1 năm hợp đồng, cho dù thành tích của HLV Klinsmann vẫn hơn người tiền nhiệm ở đội tuyển Hàn Quốc ở kỳ Asian Cup gần nhất, khiến giới chuyên môn phương Tây e dè với đội bóng này.
Cho đến giờ, chỉ mới nghe có Steve Bruce, cựu danh thủ M.U, nhân vật khá vô danh trong hàng ngũ các HLV đỉnh cao, mặn mà với ghế HLV trưởng đội tuyển Hàn Quốc. Riêng những HLV có tên tuổi hầu như muốn đứng ngoài cuộc.
Rốt cuộc, yếu tố duy nhất mà KFA và bóng đá Hàn Quốc có thể quy trách nhiệm cho HLV Klinsmann chỉ là khác biệt về mặt văn hóa, khác biệt về quan điểm ứng xử với truyền thông giữa ông Klinsmann và giới bóng đá xứ Hàn. Nhưng ngay cả khác biệt này cũng có phần trách nhiệm của KFA, ở chỗ họ không thẩm định kỹ với ứng viên trước khi ký hợp đồng, sau đó lại đổ hết trách nhiệm cho HLV trưởng.
Về vấn đề vừa nêu, bóng đá Việt Nam có một số điểm tương đồng với bóng đá Hàn Quốc. Dư luận trong nước, nhất là các kênh truyền thông không chính thống (chủ yếu đến từ mạng xã hội) đang gây sức ép rất lớn với HLV Philippe Troussier. Nhiều ý kiến đòi hỏi vị HLV người Pháp phải từ chức hoặc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cách chức ông này.
Nhưng ngặt nỗi, nếu sa thải HLV Troussier vào lúc này, bóng đá Việt Nam cũng đối diện với những bài toán không khác bóng đá Hàn Quốc đang đối diện: Vòng loại World Cup đã gần kề, "thay tướng giữa dòng" vào lúc này không có lợi, dễ làm xáo trộn lòng quân. Rồi nếu thay, sẽ thay ai? Tiền đâu đền bù hợp đồng?
KFA siêu giàu (với ngân sách hàng năm vào khoảng hàng trăm triệu USD) mới có tiền đền cho HLV Klinsmann. Ngược lại, VFF giờ sa thải HLV Troussier sẽ lập tức gặp khó về mặt tài chính.
Vả lại, giống như trường hợp của HLV Klinsmann tại Hàn Quốc, đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier chưa đến nỗi không thể cứu vãn.
Đúng là thành tích của đội bóng trong tay HLV Troussier tại Asian Cup 2023 chưa như ý, nhưng lối chơi của toàn đội vẫn được nhiều chuyên gia bóng đá trong nước đánh giá có nhiều điểm tích cực, thậm chí có nhiều nét mới so với thời của HLV tiền nhiệm Park Hang-seo: Tấn công đa dạng hơn, kiểm soát bóng tốt hơn…
Giống như Hàn Quốc trên bình diện châu Á, đội tuyển Việt Nam ở Đông Nam Á cũng có những nét tương đồng. Hàn Quốc dù là đội mạnh, nhưng chưa bao giờ là đội mạnh nhất châu Á, chí ít là trong khoảng thời gian 64 năm qua (khoảng thời gian họ chưa 1 lần vô địch Asian Cup). Đội tuyển Việt Nam cũng vậy, khó nói chúng ta là đội mạnh nhất Đông Nam Á.
Thành ra, việc thắng hay thua trong một vài trận đấu cụ thể, trước các đối thủ cùng khu vực, là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là sau Asian Cup 2023, chúng ta đã thấy được điểm yếu của đội tuyển, chúng ta cần HLV Troussier bổ khuyết điểm yếu ấy bằng dàn cầu thủ có kinh nghiệm hơn, giỏi chuyên môn hơn, thay vì gần như ưu tiên tuyệt đối cho các cầu thủ trẻ như ở giải vừa rồi.
Sa thải một HLV để xoa dịu dư luận thì dễ, nhưng giải quyết hậu quả sau quyết định sa thải đấy mới khó. Đi tìm sự ổn định cho cả một đội tuyển, trao niềm tin cho một tập thể đang đối diện với sóng gió càng khó hơn!
Bình luận (0)