Cơ hội cho Tiến Linh
Trọn vẹn 1 năm dưới thời HLV Philippe Troussier, chân sút Nguyễn Tiến Linh không ghi được bàn thắng nào cho đội tuyển Việt Nam. Dù là tiền đạo số một trong 5 năm ông Park Hang-seo nắm quyền, nhưng khi HLV Troussier xuất hiện, Tiến Linh đã đánh mất chỗ đứng.
Chân sút sinh năm 1997 thường xuyên phải ngồi dự bị, vào sân trong khoảng 30 đến 45 phút mỗi trận và hiếm khi để lại dấu ấn. So với những chân sút khác như Tuấn Hải hay Văn Toàn, con số 186 phút ra sân, 0 bàn thắng và... 1 thẻ đỏ cho thấy vị thế Tiến Linh không còn như trước.
Chỗ đứng của Tiến Linh lung lay bởi hai nguyên nhân. Trước tiên, ở thời điểm ông Troussier hiện diện, phong độ của tiền đạo 27 tuổi trong màu áo CLB Bình Dương cũng không tốt. Tiến Linh thừa nhận vấn đề phong độ khi chỉ có 3 bàn sau 18 trận ở mùa giải 2023, cùng đội bóng chủ quản đua trụ hạng đến vòng cuối. Đây cũng là số bàn thắng khiêm tốn nhất trong 7 năm liền Tiến Linh sắm vai trụ cột Bình Dương.
Song vấn đề sau nan giải hơn. Với một trung phong cắm, thiên về tì đè, xử lý đơn giản và chạy chỗ dứt điểm như Tiến Linh, lối chơi kiểm soát của ông Troussier không phù hợp. Nhà cầm quân người Pháp yêu cầu các chân sút phải đỡ bước một tốt, di chuyển rất rộng để làm bóng, kết nối lối chơi, thay vì "mắc võng" ở một vị trí cố định. Tiến Linh bởi vậy dần đánh mất chỗ đứng.
Tuy nhiên với tân HLV Kim Sang-sik, cánh cửa sẽ rộng mở với Tiến Linh. Ông Kim không đặt nặng việc kiểm soát bóng, hay phải chuyền ngắn liên tục để luân chuyển bóng. Quan sát Jeonbuk thi đấu, dễ thấy nhà cầm quân người Hàn Quốc đề cao lối đá tốc độ, trực diện và hiệu quả. Jeonbuk của ông Kim sẵn sàng đá dài, đá bổng, miễn tiếp cận vòng cấm đối thủ.
Lối chơi trực diện và đơn giản sẽ hợp với một trung phong cổ điển như Tiến Linh hơn, thay vì phải uốn nắn lại toàn bộ kỹ năng để chuyển sang một cách đá hoàn toàn mới.
Chân sút sinh năm 1997 đang bay cao 7 bàn thắng sau 21 trận mùa này (0,33 bàn/trận), là một trong những chân sút nội hiệu quả nhất giải. Việc được "tiếp đạn" để lập công đều đặn giúp Tiến Linh lấy lại sự tự tin - yếu tố sống còn với một tiền đạo.
Quang Hải tái xuất
Một ngôi sao khác không được ông Troussier trao cơ hội thường xuyên là Nguyễn Quang Hải. Dù Quang Hải ra sân thường xuyên trong giai đoạn đầu dưới thời HLV người Pháp, nhưng đến Asian Cup 2023, gió bắt đầu đổi chiều.
Quang Hải phải ngồi ngoài ở trận ra quân gặp Nhật Bản, sau đó đeo băng đội trưởng trong thất bại trước Indonesia, rồi lại chỉ vào sân ít phút cuối trận gặp Iraq. Đỉnh điểm là trong 2 trận gặp Indonesia ở vòng loại World Cup 2026, Quang Hải không được thi đấu dù chỉ 1 giây.
Sự bực tức của Quang Hải với cú đá vào thùng nước trong trận lượt về (Việt Nam thua 0-3) là giọt nước tràn ly, tóm tắt tình cảnh của chân sút sinh năm 1997 ở giai đoạn cuối khi ông Troussier nắm quyền.
Giống Tiến Linh, việc Quang Hải không được trọng dụng đến từ hai yếu tố: không phù hợp chiến thuật, cũng như phong độ của tiền vệ 27 tuổi không cao khi mới trở về từ Pau FC. Chấn thương khiến Quang Hải phải chờ đến đầu năm 2024 mới thực sự "bung", với 7 bàn trong màu áo CLB Công an Hà Nội (CLB CAHN).
Theo HLV Kiatisak Senamuang, Quang Hải rất đẳng cấp, nhưng HLV trưởng cần tìm vị trí phù hợp và thường xuyên trao đổi, lắng nghe để phát huy tối đa năng lực học trò.
Khi mới tiếp quản đội tuyển Việt Nam, HLV Kim Sang-sik đã tham khảo ý kiến của ông Park. Và nhiều khả năng, cựu HLV Jeonbuk sẽ trọng dụng Quang Hải trở lại.
Sơ đồ sở trường của HLV Kim Sang-sik là 4-2-3-1 hoặc 4-3-3. Đây là hệ thống được đánh giá phù hợp với Quang Hải - người có thể chơi tốt trong cả vai trò tiền vệ tấn công trung tâm (phía sau lưng tiền đạo cắm) hoặc tiền đạo cánh.
Quang Hải đã chơi 18 trận mùa này, với tổng thời gian 1.518 phút (trung bình 84,3 phút/trận). Dù CLB CAHN đang sa sút, nhưng việc ra sân đều đặn trong 3 tháng qua giúp Quang Hải duy trì nền tảng thể lực, nhịp độ ổn định hơn nhiều so với quãng thời gian khó khăn ở Pháp. Với cảm giác bóng trở lại, Quang Hải đã sẵn sàng gây ấn tượng với ông Kim.
Bình luận (0)