Đội Việt Nam đoạt giải ba cuộc thi toàn cầu chống buôn bán động vật hoang dã

19/12/2020 12:19 GMT+7

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa chúc mừng đội Zootopia của Việt Nam giành vị trí thứ ba trong cuộc thi Zoohackathon toàn cầu năm nay với ứng dụng 'DangerZoone', một giải pháp công nghệ nhằm chống lại việc buôn bán động vật hoang dã.

Ngày 14.12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông cáo cho biết kết quả của cuộc thi toàn cầu Zoohackathon, một cuộc thi nhằm tạo ra các giải pháp công nghệ sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức trong việc buôn bán động vật hoang dã
Theo đó, đội giành chiến thắng năm nay là BioUp đến từ Brazil; Giải pháp giành vị trí thứ hai là ARTEMIS đến từ Philippines; Giải pháp DangerZoone của Việt Nam giành vị trí thứ ba.
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng có lời chúc mừng đội Zootopia đã giành vị trí thứ ba trong cuộc thi Zoohackathon toàn cầu năm nay cho ứng dụng "DangerZoone". Đại sứ quán Mỹ cho biết đội sẽ nhận được tài khoản điện toán đám mây Microsoft Azure trị giá 5.000 USD để giúp họ phát triển hơn nữa ứng dụng của mình.
Giới thiệu đơn giản về ứng dụng, Đại sứ quán Mỹ cho biết ứng dụng này sẽ cung cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu số hóa về luật bảo tồn và động vật hoang dã của Việt Nam, đồng thời sử dụng công cụ tự động tìm kiếm và trò chuyện trên nền tảng trí tuệ nhân tạo nhằm giúp các cán bộ thực thi pháp luật đưa ra các hình phạt đối với tội phạm về động vật hoang dã.

Giao diện ứng dụng DangerZoone

Ảnh chụp màn hình

Theo thông tin từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các thành viên nhóm Zootopia là sinh viên đang theo học chương trình Kỹ sư chất lượng cao - Hệ thống thông tin K61. Các sinh viên này là thành viên của CLB Sáng tạo sinh viên (SOICT Innovation Club) - Viện CNTT-TT. Để đến với cuộc thi toàn cầu, vào tháng 11, đội Zootopia đã xuất sắc trở thành một trong 3 đội của Đông Nam Á vượt qua vòng khu vực của ZooHackathon 2020. 
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Zoohackathon là một cuộc thi toàn cầu do Cục Đại dương và Môi trường Quốc tế của Bộ này điều phối nhằm hợp nhất các sinh viên đại học, lập trình viên, chuyên gia về động vật hoang dã và thành viên, tạo ra các giải pháp công nghệ sáng tạo chống lại các thách thức trong việc buôn bán động vật hoang dã. Cuộc thi thường niên lần thứ 5 của năm nay là cuộc thi ảo và có 4 sự kiện khu vực đã diễn ra trên khắp thế giới từ ngày 6 - 8.11. Gần 700 người tham gia từ 53 quốc gia cạnh tranh nhau và đã tạo ra hơn 60 giải pháp công nghệ sáng tạo giúp thúc đẩy các nỗ lực trên thực địa nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.