Chỉ cần 3.000 đồng/vé học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/vé bình thường là đã có thể đi khắp nơi ở Sài Gòn bằng xe buýt. Từ bến Công viên 23/9 (Q.1, TP.HCM), tôi bắt chuyến xe buýt số 19 để về bến Đại học Quốc gia (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Xe buýt vừa xuất phát từ bến nên vẫn chưa đón khách, chỉ có tôi, tài xế và tiếp viên, ngoài khung cửa kính bắt đầu ướt vì nước mưa.
|
‘Vì con mà cố gắng’
Tài xế của chuyến xe là anh Bùi Thái Phương (40 tuổi), tiếp viên là chị Nguyễn Thị Kim Loan (30 tuổi). Hỏi ra mới biết, anh chị là vợ chồng và đã có một cậu con trai 5 tuổi. Chị Kim Loan cười khi kể về duyên phận của hai vợ chồng. “Hồi đó chồng chị làm tài xế chị làm công nhân, chị đi xe đò ổng chạy mới quen. Sau này chị mới chuyển qua làm tiếp viên luôn”, chị nói.
Để kịp chuyến xe buýt đầu tiên, anh Phương và chị Loan phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. Nhằm ngày đường thoáng, xe về bến anh chị còn có thời gian nghỉ ngơi rồi chạy tiếp. Những ngày kẹt xe, vừa đến bến là vội vã quay đầu, nhiều lúc còn không kịp đi vệ sinh, ăn uống. Công việc gắn liền với thời gian khiến một bữa cơm gia đình đúng nghĩa với anh chị dường như rất hiếm.
|
Con trai chị Phương hiện ở với bà nội, lâu lâu hai vợ chồng mới về thăm con. Phần lớn thời gian của anh chị là ở trên xe buýt, tối thì ở bến xe. Công việc cực khổ, nhiều lần đuối sức khiến anh Phương chỉ muốn bỏ hết tất cả để kiếm một công việc nào đó nhẹ nhàng hơn. Nhưng nghĩ đến việc không có công ăn việc làm rồi lấy tiền đâu nuôi con, anh đành bấm bụng đi làm tiếp.
Hai vợ chồng bầu bạn với nhau vì đồng lương để gửi về nuôi con, vì con mà cố gắng, bệnh cũng không dám nghỉ. “Mệt thì mệt lúc đó thôi, nghề nào nghiệp nấy mà, giờ nghỉ làm tài xế tôi cũng không biết làm tiếp nghề gì”, anh nói.
Xe buýt là nhà
|
Xe cập bến Đại học quốc gia, sau khi trả hết khách và làm báo cáo, chị Loan ăn vội bát cơm trong khoảng thời gian ít ỏi để chuẩn bị chạy chuyến mới. Anh Phương loay hoay đi đâu đó một hồi rồi quay lại với một rổ rau. “Phải kiếm cái gì ăn chứ ăn cơm tiệm hoài ngán quá. Làm nghề này giờ giấc thất thường, ăn uống thì thiếu rau, ăn cơm tiệm cũng sợ người ta chế biến không sạch sẽ”, anh Phương tâm sự.
Di chuyển qua lại giữa hai đầu bến, hết giờ xe buýt chạy, xe cập bến nào thì anh Phương và chị Loan sẽ ngủ lại luôn ở bến đó. Anh chị tắm rửa, ăn uống ở bến xe và ngủ trên xe buýt để chạy sớm vào ngày mai. “Tắm rửa thì có nhà tắm ở bến xe, áo quần thì mình đi giặt ủi chứ tối về mệt rồi không giặt nổi”, chị nói.
Sau một ngày làm việc trên xe buýt, buổi tối chị Loan còn phải lau rửa xe để giữ cho xe luôn sạch sẽ. Chị Loan trải mền ngủ ở sàn xe còn anh Phương móc võng. Ấy thế mà anh chị đã ngủ trên chuyến xe buýt số 19 nhiều năm qua, trời mưa gió thì lạnh, trời nắng thì nóng như lò lửa.
|
Từng giúp trẻ lạc tìm mẹ
Xe buýt 19 vốn là tuyến xe rất đông hành khách, lại đa số là sinh viên. Chị Loan bộc bạch rằng những câu chuyện thường nghe về xe buýt như móc túi, rắc rối với hành khách diễn ra hằng ngày. Nhiều năm làm tiếp viên, chị quen mặt luôn những người chuyên đi móc móc túi. Mỗi khi thấy móc túi lên xe chị lại la lớn: “Xe đông, coi chừng móc túi” để hành khách trên xe cảnh giác và đề phòng hơn.
|
Để không bị sót vé và tránh tình trạng khách trốn mua vé, chị Loan thường đếm người và bán vé rất kỹ. “Khi khách lên đứng đông ở cửa thì chị đếm, đếm đủ bao nhiêu người thì bán đủ bao nhiêu vé. Lỡ bị bắt thì mình là người bị đuổi chứ người ta đâu hiểu hết được công việc của mình đâu. Vào giờ cao điểm có nhiều lúc xe không còn chỗ đứng, nếu lên đông vào lúc này thì chị đếm cửa sau, ông xã tôi đếm cửa trước rồi nói chị để thu cho đủ vé”, chị nói.
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, chị Loan cười chỉ vào giấy khen được đóng khung treo ở sau ghế tài xế. Đó là giấy khen hợp tác xã trao tặng khi chị và chồng hỗ trợ một đứa trẻ đi lạc mẹ tìm về với gia đình. “Nghề nào nghiệp nấy mà”, anh Phương trầm tư khi nói về nghề tài xế. Nghề nào cũng cực khổ nhưng khi đã chọn nghề thì chỉ biết cố gắng từng ngày để không hổ thẹn với lòng mình.
Bình luận (0)