Cách đây 6 năm, khi xã Tiền Phong tiến hành dồn điền, đổi thửa, gia đình chị Bùi Thị Lý (33 tuổi, ngụ xã Tiền Phong) được giao 7.200 m2 đất ruộng phía ngoài đê sông Thái Bình thuộc địa phận thôn An Lạc.
Mô hình "thỏ trên, giun dưới" của gia đình chị Bùi Thị Lý đang được nhiều thanh niên học hỏi |
Lê Tân |
Tại khu vực này, người dân đều dần chuyển thành đầm nuôi rươi, mô hình mang lại nguồn lợi kinh tế cao, chỉ có vợ chồng chị Lý là đi theo hướng khác. “Nuôi rươi mang lại nguồn thu lớn nhưng số tiền đầu tư cũng cao lắm. Vợ chồng tôi mới cưới, tiền không có nên tìm cách phát triển vật nuôi khác phù hợp với hoàn cảnh”, chị Lý chia sẻ.
Là những đoàn viên thanh niên tiên tiến, chịu khó tiếp cận với các kiến thức trên mạng xã hội, vợ chồng chị Lý đã thử nuôi nhiều con vật để phát triển mô hình trang trại như: chim bồ câu, hươi sao, gà, dế, cho đến năm 2020 mới tiếp cận được mô hình nuôi thỏ. “Chúng tôi vay mượn khoảng gần 1 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại rộng 500 m2, mua con giống. Thỏ được nuôi trong các ô lồng đặt trong nhà kín có hệ thống thông gió tốt. Chúng tôi lắp cả hệ thống điều hòa để đảm bảo khu chuồng luôn ấm áp về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè”, chị Lý vừa luôn tay cho đàn thỏ gần 1.500 con ăn, vừa kể.
Trang trại nuôi thỏ của chị Lý hiện bán cả thỏ giống lẫn thỏ thịt. “Mỗi tuần tôi xuất 70 - 100 con thỏ giống và 40 - 50 con thỏ thịt. Riêng đàn thỏ, trừ các chi phí, gia đình tôi thu lại khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhu cầu thị trường vẫn lớn, cung không đủ cầu nên năm nay tôi sẽ tăng số lượng thỏ trong đàn”, chị Lý chia sẻ.
Để đàn thỏ khỏe mạnh, ít bệnh tật, chị Lý đã cho vào thực đơn của thỏ một số cây thảo dược như chè khổng lồ, cỏ voi, cây hòn ngọc. “Những loại cây này giúp thỏ có được hệ tiêu hóa khỏe mạnh và rất dễ trồng. Tôi có thể tận dụng những khoảng đất trống trong vườn để trồng”, chị Lý cho hay.
Chất thải cũng “hái ra tiền”
Thỏ là loại ăn nhiều nên chất thải chúng sinh ra cũng không ít, để giải quyết vấn đề môi trường, giảm sức lao động và thời gian để dọn dẹp, vợ chồng chị Lý đã xây những ô nuôi giun quế ngay dưới chuồng thỏ. “Loại này được dùng để nuôi cá, nuôi chim, trồng rau. Bán rất được giá. Hàng tuần sẽ có người đến thu mua. Họ múc cả hố với giá 10.000 đồng/kg. Nếu khách có nhu cầu mua giun đã được lọc qua tạp chất thì giá từ 70.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg”, chị Lý chỉ vào hố chất thải “hái ra tiền” dưới hệ thống lồng thỏ.
Theo chị Lý, mô hình nuôi thỏ trên, giun quế ở dưới đã đi vào ổn định và cần mở rộng phát triển để tăng hiệu quả kinh tế tốt hơn. “Sắp tới khi chồng tôi được nghỉ phép (chồng chị Lý là thuyền viên, thường xa nhà nhiều ngày), vợ chồng tôi sẽ mở rộng chuồng nuôi, xây thêm giá để đưa hệ thống nuôi dế lên trên chuồng thỏ. Như vậy, chúng tôi sẽ có mô hình 3 trong 1”, chị Lý giới thiệu về kế hoạch sắp tới.
Chị Lý chia sẻ nhờ phát triển hiệu quả việc nuôi thỏ kết hợp, gia đình chị vừa có kinh tế ổn định, tận dụng được nguồn lực đất đai quê hương và vừa có nhiều thời gian chăm sóc con cái, cũng như tham gia các hoạt động xã hội do Đoàn xã Tiên Phong phát động.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, anh Lê Xuân Lộc, Phó bí thư Đoàn xã Tiên Phong, cho biết: “Trang trại nuôi thỏ kết hợp nuôi giun, dế của đoàn viên Bùi Thị Lý là mô hình kinh tế hiệu quả. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan để thanh niên trong xã cũng như các địa phương khác đến đây học tập kinh nghiệm”.
Bình luận (0)