Lăng kính bạn đọc:

Đối xử văn minh với di tích, môi trường

M.Giao
(tổng hợp)
19/05/2023 06:38 GMT+7

Bức xúc trước những hình ảnh, chữ… vẽ bậy tại Kỳ Đài Huế, nhiều bạn đọc kêu gọi mọi người hãy thể hiện sự văn minh, trân quý đối với các di tích, thắng cảnh, môi trường…

Như Thanh Niên đã thông tin, gần đây, nhiều người dân và du khách dạo chơi trên con đường đi bộ Thượng Thành (Ðại nội Huế, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) bức xúc khi phát hiện nhiều vết vẽ bậy tại Kỳ Ðài Huế (cột cờ kinh thành). Những nét vẽ xấu xí đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh di tích cổ kính.

Đối xử văn minh với di tích, môi trường - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Thương (du khách Thái Bình) bức xúc khi chứng kiến di tích bị vẽ bậy

LÊ HOÀI NHÂN

Ða phần các hình vẽ này có chiều cao từ 1,5 m trở lên (khoảng cách tính từ nền), thuộc tầm với của thân hình những người trưởng thành.

Chứng kiến những hình vẽ bậy, nhiều du khách rất bức xúc. "Mình cảm thấy buồn vì những hình vẽ đã làm mất đi mỹ quan của di tích. Mọi người đi qua đây chỉ nên tham quan và ngắm cảnh, không nên có những hành động vẽ bậy, hay chỉnh sửa bất cứ cái gì của di tích", anh Nguyễn Văn Thương (du khách Thái Bình) nói.

Chị Võ Tường Vy (du khách Phú Yên) cũng bức xúc nhắn nhủ: "Hành động vẽ bậy lên di tích lịch sử là vô cùng phản cảm. Những địa điểm này luôn được du khách yêu thích đến vui chơi. Vì vậy chúng ta phải hành động, có nhận thức tốt, văn minh hơn để bảo vệ di tích".

Có mặt tại Kỳ Ðài Huế, một bảo vệ của Ðại nội Huế cho hay tình trạng vẽ bậy diễn ra đa phần vào ban đêm, tuy nhiên lực lượng bảo vệ mỏng nên rất khó khăn trong việc quản lý. Những ngày này, lực lượng đang tiến hành đóng các biển cấm, nhắc nhở người dân và du khách không vẽ bậy, ngồi lên tường thành.

Trước tình trạng trên, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cho tạm thời đóng cửa tham quan về đêm trên khu vực Thượng Thành từ 19 giờ hằng ngày. Ðồng thời, chỉ đạo xử lý lại một số các điểm bị viết vẽ bậy trên bờ thành, sớm trả lại mỹ quan của Thượng Thành.

Vẽ bậy chi chít “Hải, Tài, Phát, Đức” trên bờ tường Kỳ Đài Huế

Phạt nặng và bắt làm sạch hình ảnh vẽ bậy

Ðó là ý kiến của nhiều bạn đọc (BÐ) khi thấy những hình ảnh, chữ… vẽ bậy tại Kỳ Ðài Huế. BÐ Yen Thanh cho biết: "Nhìn những dòng chữ tự ghi tên mình với các hình ảnh trái tim vẽ bậy tại Kỳ Ðài Huế thấy quá phản cảm. Không hiểu sao tại một di tích như vậy mà có người nỡ lòng nào vẽ bậy lên? Họ muốn thể hiện điều gì? Muốn khoe mình đã từng đến đây ư? Muốn chứng tỏ "tình yêu" của mình ư? Thật không thể hiểu nổi".

Cùng ý kiến, BÐ Hai Binh cho biết thêm: "Không phải chỉ có ở Kỳ Ðài Huế, tôi thấy ở nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh… khác trong nước cũng bị vẽ bậy. Mà ngay tới đoàn tàu metro của mình cũng vừa bị vẽ bậy to đùng đấy thôi! Tôi đề nghị phải phạt thật nặng, như phạt 50 triệu đồng chẳng hạn, may ra mới hết nạn vẽ bậy!".

BÐ Tieu Minh nêu: "Ðúng là phải phạt thật nặng thì mới chừa được. Ngoài phạt tiền, đề nghị phải bắt làm sạch những hình ảnh xấu xí đó nữa, để họ có ý thức hơn. Các khu di tích, thắng cảnh nên có camera ghi lại, để làm bằng chứng bắt phạt".

Đừng tự bôi bẩn chính mình

"Tôi thấy có không ít người cứ gặp cái gì của chung là họ có thái độ hết sức lạ kỳ. Chuyện vẽ bậy, bôi bẩn ở những nơi công cộng là một ví dụ. Hàng xóm tôi mới xây nhà, cái tường nhà mới quét sơn nước thật đẹp, mới qua một đêm đã bị ai đó vẽ "một trái tim bị mũi tên xuyên qua rướm máu" cùng những chữ rất tục tĩu… Hay có lần đi vào một nhà vệ sinh công cộng, tôi thấy cái gương lớn bị nhổ đầy nước miếng, dán kẹo cao su… lên đó. Tôi không biết những ai đó ở nhà thì họ thế nào, có vẽ bậy, bôi bẩn… thành quen không?", BÐ Thien Ho bức xúc kể.

Nói về chung - riêng, BÐ Thiet Anh đề nghị: "Tôi có ý kiến nhỏ: Thử làm khảo sát xem những bàn học dài (ngồi chung 3 - 4 người) và những bàn học cá nhân (chỉ 1 người ngồi), loại bàn nào ít bị vẽ bậy hơn? Tôi nghĩ loại bàn học cá nhân chắc chắn sạch sẽ hơn nhiều, vì sao? Vì nó không phải là của chung (cho dù là tương đối)".

Trong khi đó, góp ý kiến về dẹp nạn vẽ bậy, BÐ Xuan Nguyen kể: "Tôi đi du lịch một số nước, trong đó có Singapore, không thấy nạn vẽ bậy ở các di tích của họ. Còn ở ta thì tại sao nạn vẽ bậy có khắp nơi? Bởi vì ở nước ngoài họ phạt nặng lắm, và xử rất nghiêm. Ở ta thì dường như chẳng thấy phạt, mà có phạt cũng nhẹ hều, không đủ sức răn đe. Chúng ta đã tuyên truyền rồi, giáo dục rồi mà không thay đổi thì nên phạt thật nặng".

"Chẳng có trường học nào, thầy cô nào, gia đình nào… dạy vẽ bậy cả, nhưng tại sao không ít người cứ thích vẽ bậy? Một cách thể hiện lệch lạc, xấu xí ư? Có ai biết lý do không? Mong mọi người đừng bôi bẩn các di tích, môi trường… vì như thế là tự bôi bẩn chính mình. Hãy thể hiện mình là người văn minh, biết yêu quý, trân trọng mọi vật, để cuộc đời này tươi đẹp hơn", BÐ Anh Kiet Ng. ý kiến.

Xem nhanh 12h ngày 18.5: Vẽ bậy chi chít ở di tích Huế | TP.HCM đề nghị hạn chế mặc áo vest

* Muốn hết nạn vẽ bậy thì phải gắn camera, thường xuyên kiểm tra và xử phạt. Không kiểm tra, không xử phạt thì chẳng bao giờ hết vẽ bậy đâu!

Anh Mẫn

* Đây là nét "đặc trưng" của một bộ phận không nhỏ du khách.

Lệ Đá

* Hãy sửa luật để phạt tiền thật nặng, thậm chí có thể xử lý hình sự để răn đe. Hãy đưa việc này vào nhà trường để giáo dục cho mọi học sinh từ mầm non trở lên.

Phúc - Hoài Phương

* Phải nói đây là hành vi rất thiếu ý thức, kém văn hóa. Đã nói nhiều rồi, nói mãi rồi, nói hoài mà sao đâu cũng vào đấy?

Do Nguyen


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.