Đòn bẩy phát triển miền núi Quảng Nam

05/05/2022 09:15 GMT+7

Nguồn lực đầu tư khổng lồ không chỉ tạo đòn bẩy phát triển miền núi phía Tây Quảng Nam, mà còn bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu.

Cực phát triển mới về miền núi

Chỉ sau 5 ngày mở cửa lần đầu cho dịp lễ 30.4 - 1.5, Khu du lịch (KDL) Cổng trời Đông Giang đã đón gần 10.000 lượt khách. Điều này không chỉ động viên những người làm du lịch mà còn cho thấy địa phương đã đi đúng hướng.

Nguồn nhân lực trẻ bản địa góp phần thổi hồn văn hóa Cơ Tu

Đứng tận cổng đón từng đoàn khách, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc KDL không giấu được nỗi xúc động, bà không tin đã vượt qua được chặng đường 4 năm gian khổ để mở đường cho du khách lên thẳng miền núi phía Tây Quảng Nam thuận lợi như ngày nay.

Không chút ngơi nghỉ, vừa trao đổi với chúng tôi, bà vừa xin phép được nghe điện thoại để kịp điều phối công việc. Bà Hương xác định ngay từ đầu, đầu tư cổng trời sẽ rất khó khăn, nhưng không thể tưởng tượng nổi 4 năm qua đã mất 2 năm Covid-19, nhất là thiên tai 2020 sạt lở nặng nề.

Làng văn hóa Cơ Tu ở Cổng trời Đông Giang

“Thiệt hại không đong đếm được nhưng chúng tôi không đầu hàng mà còn tăng mức đầu tư, quyết tâm làm lại các công trình hư hỏng và gia cố đường giao thông, kè dọc suối để đảm bảo kiên cố vĩnh cửu” - bà Hương nói.

Bà chia sẻ, gian khổ không chỉ thử thách nhà đầu tư mà tạo áp lực thu hút đầu tư với địa phương, nhất là khi đường sá lên cổng trời còn khó khăn.

“Giao thông là vấn đề lớn nhất quyết định thành bại dự án, nhưng nếu nhà đầu tư nào cũng e ngại, chờ tỉnh làm hạ tầng bài bản mới đầu tư thì trở lại chuyện quả trứng hay con gà có trước. Nếu không có nhà đầu tư tạo đòn bẩy thì đến bao giờ mới phát triển. Do đó chúng tôi quyết tâm tiên phong” - bà Hương bày tỏ.

Và đến nay, đòn bẩy Cổng trời Đông Giang đã cho thấy hiệu quả khi sắp đến sẽ có trạm điện 110KV, các đề xuất mở đường, nâng cấp giao thông cũng đang được phê duyệt. Từ đó vùng Tây Quảng Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mạnh dạn, tạo cực phát triển mới và sức mạnh tổng lực đổi thay miền núi.

Thổi hồn văn hóa Cơ Tu

Cổng trời Đông Giang không chỉ là sản phẩm du lịch mới cho Quảng Nam, mà người địa phương cũng rất hào hứng được giải quyết việc làm, nhất là đồng bào Cơ Tu.

Bà Nguyễn Thị Hương tặng hoa cho du khách

“Có đến 50% nhân sự là người Cơ Tu, chúng tôi ưu tiên đào tạo tại chỗ, lao động trẻ lần đầu bỡ ngỡ làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, áp lực cao nhưng các bạn rất nỗ lực, tiến bộ từng ngày” - bà Hương tin tưởng.

Ngay từ đầu, Cổng trời Đông Giang cam kết với Quảng Nam giải quyết lao động địa phương và đến nay cho thấy tính đúng đắn. Nhất là bối cảnh hậu Covid-19, lao động có xu hướng tìm việc ở quê, gắn bó gia đình. Đây là nền tảng vững chắc để phát triển tay nghề và chất lượng nhân lực không thua kém đô thị lớn.

Đặc biệt, nhờ am hiểu văn hóa địa phương, người bản địa chắc chắn phù hợp nhất truyền tải trọn vẹn hơi thở Cơ Tu thông qua các điệu múa, sản vật đến du khách. Đây chính là hồn cốt của Cổng trời Đông Giang mà những người Cơ Tu trẻ ở địa phương dĩ nhiên làm tốt hơn bất kỳ ai khác.

Thạch nhũ trong hệ thống hang động tại cổng trời

Nhằm thổi sức sống cho văn hóa Cơ Tu, Cổng trời Đông Giang tiếp thu các góp ý của du khách, chuyên gia để cải tiến các sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Phát triển miền núi nhiều năm qua vẫn là bài toán khó, cần cả những nỗ lực của doanh nghiệp và sự đồng hành của địa phương, cộng đồng để tạo nguồn lực tổng hợp.

Những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho miền núi phía Tây Quảng Nam chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhưng thời gian sẽ ghi nhận những cống hiến, hi sinh của nhà đầu tư đối với giai đoạn mở đường này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.