Dồn dập thông tin mâu thuẫn về tình hình Ukraine

18/02/2022 06:15 GMT+7

Phương Tây cảnh báo Nga đang đưa thêm lực lượng tới biên giới, trong khi Moscow thông báo rút quân và chỉ trích Washington “tự thôi miên” về tình hình khu vực.

Ảnh vệ tinh cho thấy binh sĩ và thiết bị của Nga tại Kursk vào ngày 14.2

Reuters

Reuters ngày 17.2 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố sườn đông NATO nếu Nga tấn công Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng tình hình ở Ukraine phải được đánh giá “cực kỳ nghiêm túc” vì vẫn còn nguy cơ Nga gây hấn về quân sự.

Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh Nga thông báo các lực lượng của nước này đang rút đi sau khi kết thúc tập trận ở quân khu phía nam và phía tây gần Ukraine, với thông báo mới nhất đưa ra ngày 17.2 về việc rút các binh sĩ, thiết bị sau khi tập trận tại Crimea. Trong khi đó, phương Tây tỏ ra hoài nghi, tiếp tục lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine.

Khủng hoảng Ukraine sắp kết thúc? NATO kém lạc quan

Thêm binh sĩ, thiết bị ?

Theo một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ, Nga vừa tăng thêm “đến 7.000 binh sĩ” gần biên giới Ukraine, trong khi thông báo của Moscow về việc rút quân là “sai sự thật”. AFP dẫn lời quan chức trên nhấn mạnh rằng Nga có thể đưa ra cớ giả để tấn công Ukraine “bất cứ lúc nào” và chỉ ra rằng dù Moscow nói muốn đạt được giải pháp ngoại giao, các hành động của họ lại cho thấy điều ngược lại.

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Anh Jim Hockenhull cũng cho biết đã có thêm nhiều xe bọc thép, máy bay trực thăng và một bệnh viện dã chiến của Nga được di chuyển về phía biên giới Ukraine.

“Những gì Nga nói và làm là khác nhau. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ lực lượng nào rút đi. Chúng tôi còn thấy các đơn vị quan trọng đang di chuyển về phía biên giới”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC. Ông Mikk Marran, Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Estonia, cho biết tình báo nước này phát hiện khoảng 10 nhóm binh sĩ Nga đang tiến về biên giới Ukraine.

Ngoài ra, theo Reuters, những hình ảnh vệ tinh mới nhất của Công ty Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy Nga rút một số thiết bị quân sự khỏi khu vực biên giới Ukraine, nhưng lại đưa các thiết bị khác đến và vẫn còn nhiều lực lượng, thiết bị tại đây. Trong một diễn biến khác, Bộ Tư lệnh lực lượng dự bị không quân Mỹ đã điều động một số tiêm kích F-35A đến căn cứ không quân Spangdahlem ở Đức nhằm “răn đe sự gây hấn và bảo vệ các đồng minh nếu sự răn đe thất bại”. Trong ngày 17.2, bộ trưởng quốc phòng các nước NATO đã họp tại Bỉ để thảo luận về tình hình Ukraine.

Bộ trưởng quốc phòng các nước NATO họp tại Bỉ vào ngày 17.2.

AFP

Nga chỉ trích gay gắt

Phản ứng những cáo buộc của Mỹ, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng “sự cuồng loạn về chống Nga đang tiếp diễn” khiến Washington thiếu khách quan về tình hình Ukraine.

Nhắc lại việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cáo buộc Nga tung tin sai lệch về tình hình Ukraine, Đại sứ quán Nga cho rằng đó “rõ ràng là bánh đà của chứng cuồng loạn chống Nga đang xoay vòng ở Mỹ, khiến họ không thể nhìn nhận khách quan và tự thôi miên rằng khả năng Nga tấn công Ukraine là không tránh khỏi”, theo TASS dẫn thông cáo của Đại sứ Nga. Thông cáo kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ tập trung vào các vấn đề quan trọng thực sự như “dàn xếp ngoại giao đối với xung đột bên trong Ukraine”.

Tiêm kích Nga-Belarus vờn nhau trong tập trận chung

Song song đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng việc một số quan chức Mỹ khẳng định có dữ liệu về kế hoạch Nga tấn công Ukraine là “đáng hổ thẹn”. Bà cáo buộc nhiều quan chức cấp cao Mỹ cung cấp thông tin sai cho Tổng thống Joe Biden. Bên cạnh đó, bà lưu ý rằng giới chức Kiev đã đề nghị phương Tây bớt gây hoảng loạn vì điều đó ảnh hưởng mọi thứ ở Ukraine, từ kinh tế đến đầu tư và trật tự xã hội.

Thông tin bất ổn ở miền đông Ukraine

Lực lượng đòi ly khai tự xưng là “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” ở miền đông Ukraine ngày 17.2 tố cáo quân đội Ukraine nã pháo, phóng lựu đạn và nã súng máy 4 đợt trong 24 giờ qua, theo Reuters. Đáp lại, quân đội Ukraine bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời tố ngược rằng lực lượng đó mới là bên nã pháo. Trong một diễn biến liên quan, Ukraine vừa đề nghị HĐBA LHQ xem xét việc Hạ viện Nga đề nghị Tổng thống Putin công nhận độc lập cho vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine. Theo đó, đề xuất trên đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cấu trúc an ninh thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.