Không còn là đồn đoán, thông tin Tập đoàn Pegatron của Đài Loan sẽ đầu tư vào Hải Phòng đã chính thức được xác nhận và dự án đầu tiên với số tiền khoảng 19 triệu USD đã được cấp phép từ tháng 3 vừa qua. Đến nay, tập đoàn này đang làm thủ tục đầu tư dự án thứ 2 với tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD.
Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho các “ông lớn” trong ngành điện tử như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo… Dự kiến tập đoàn này sẽ sản xuất thiết bị điện tử gồm điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch để cung cấp cho các tập đoàn điện tử lớn đang đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu.
“Đại bàng” về làm tổ
Không chỉ làm nhà máy, một lãnh đạo Bộ KH-ĐT tiết lộ, sau dự án thứ 2, kế hoạch của tập đoàn này có thể sẽ làm tiếp dự án thứ 3, quy mô vốn thêm khoảng 500 triệu USD, đưa Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đang làm tại Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai xa, sau năm 2025, trước mắt dự án nửa tỉ USD này đã được hiện thực hóa ngay trong đại dịch Covid-19.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, Samsung sau 12 năm vào Việt Nam đã quyết định đầu tư 220 triệu USD để xây dựng Trung tâm R&D lớn nhất khu vực Đông Nam Á ngay tại Hà Nội, dự kiến trung tâm này sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Chi bạo để làm Trung tâm R&D, tham vọng của tập đoàn điện tử đến từ xứ kim chi này không chỉ nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực điện tử mà còn nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), mạng 5G, vạn vật kết nối (IoT)… tạo tiền đề để Việt Nam có thể theo kịp những thay đổi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đến nay, Samsung đã đầu tư hơn 17 tỉ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam, sử dụng lao động lớn nhất.
Trên một số diễn đàn công nghệ lớn mới đây cũng xuất hiện hình ảnh vỏ hộp điện thoại Google Pixel 4A có dòng xuất xứ “Made in Vietnam”. Nhiều nhận định cho thấy, gã khổng lồ Google đã chính thức sản xuất mẫu điện thoại mới nhất tại Việt Nam. Trước đó, trên tờ Nikkei của Nhật Bản cũng có thông tin Google dự định đầu tư làm nhà máy tại Vĩnh Phúc để sản xuất điện thoại. “Gã khổng lồ công nghệ của Mỹ có kế hoạch chuyển hầu hết dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home. Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực phát triển của Google trên thị trường điện thoại thông minh” - tờ Neikkei viết.
|
Có thể nói, Việt Nam gần đây nổi lên như một trong những điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư lớn. Tháng 7 vừa qua, Apple khẳng định sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe Airpods từ Trung Quốc sang Việt Nam. HP và Dell đều đã di dời nhà máy sản xuất laptop sang Đài Loan hay đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. LG của Hàn Quốc cũng chuyển sản xuất dòng điện thoại thông minh sang Hải Phòng. LG, Nintendo, Sharp… cũng đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ngay trong đại dịch, thông tin các nhà sản xuất lắp ráp sản phẩm iPhone của Apple như Foxconn, Luxshare… mở rộng đầu tư, xây nhà xưởng tại Việt Nam cũng luôn được cập nhật.
Đại diện Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) tại tọa đàm thu hút dòng vốn FDI được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 9 này đã tiết lộ, ngoài thông tin nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang đàm phán để đổ vốn đầu tư vào Việt Nam lên đến con số hàng tỉ USD, có một số “đại bàng” đề nghị giấu tên sẽ đầu tư vào Việt Nam với các dự án từ 500 triệu đến 1 tỉ USD trong giai đoạn tới.
Tác động lớn đến nền kinh tế cả vùng
Nếu các tập đoàn công nghệ lớn thế giới, theo dòng chảy “tháo chạy khỏi Trung Quốc” để né thuế xuất khẩu sang Mỹ, hoặc rời Trung do bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch từ Vũ Hán (Trung Quốc), chọn Việt Nam để mở rộng đầu tư, đầu tư mới sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam. Với Tập đoàn Pegatron, nếu dự án được đưa vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm.
Trung tâm R&D của Samsung ở Hà Nội nếu đưa vào hoạt động, quy mô nhân lực sẽ tăng từ 2.200 người lên 3.000 người. Intel Việt Nam đến nay đã đầu tư hơn 1 tỉ USD, lãnh đạo của tập đoàn này tại Việt Nam tiết lộ tại Diễn đàn doanh nghiệp TP.HCM mới đây, sau 15 năm vào Việt Nam, Intel đã tạo ra hơn 5.000 việc làm và hiện Việt Nam là điểm sản xuất các con chip hàng đầu cung cấp cho thế giới. Nếu có thêm các tập đoàn khác đến, nhu cầu sử dụng lao động của các “đại bàng” này sẽ tăng cấp số nhân.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, những dự án lớn hàng trăm triệu USD này thực chất các tập đoàn đã có kế hoạch từ trước, bị chậm vì đại dịch Covid-19.
Ông tiết lộ thêm, có nhà đầu tư làm khu công nghiệp 1.800 ha tại một địa phương ở miền Nam trong thời gian tới; một số nhà sản xuất thiết bị điện tử, vi mạch... ở Đài Loan cũng đang có kế hoạch sang Việt Nam. Câu chuyện “đón đại bàng làm tổ” không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động mà sự chuyển đổi mạnh mẽ sau đó của nền kinh tế nhờ vào các "ông lớn" này. Ông nói, Samsung đến nay đã sử dụng 130.000 lao động tại Việt Nam. Khi nhà máy của Samsung xây dựng tại Bắc Ninh, loạt dịch vụ khác sẽ nở rộ đi theo như cho thuê nhà ở, cung ứng thực phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí… đó mới chính là hiệu quả từ việc thu hút được nhà đầu tư lớn vào một địa phương. Một tập đoàn lớn đến một nơi có thể làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của địa phương đó. Câu chuyện của Samsung đến Bắc Ninh hay Thái Nguyên sau này là dẫn chứng sinh động nhất. Có câu nói, Samsung đi đến đâu, sản xuất công nghiệp ở tỉnh đó lên “ngôi vương” ngay lập tức.
“Việc mời gọi được nhà đầu tư lớn đến một địa phương nào đó không chỉ là câu chuyện tạo công ăn việc làm, xây dựng một thương hiệu Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư… mà chính là những tác động kinh tế chúng ta nhận được từ các dự án đầu tư này vô cùng lớn. Nó có khả năng xoay chuyển nền kinh tế của địa phương đó. Tôi vẫn nói đùa, các tập đoàn lớn có vai trò quan trọng lắm, hơn những chính trị gia lớn”, TS Phùng Đức Tùng phân tích và lưu ý, do lợi thế về logistics nên các tập đoàn công nghệ lớn nếu có vào Việt Nam, sẽ ưu tiên đầu tư khu vực phía bắc hơn là phía nam do gần thị trường lớn là Trung Quốc. Đó là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới và cũng là công xưởng của thế giới.
Phải chủ động “gõ cửa các tập đoàn”
Trong trao đổi, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Covid-19 chỉ là “giọt nước tràn ly” trong kế hoạch chuyển nhà máy rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn lớn thế giới. Áp lực chính trước đó vẫn là thương chiến giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. GS Hà Tôn Vinh đánh giá, mục tiêu chính của các nhà đầu tư lớn vẫn là để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, mở rộng thị trường, tầm hoạt động hay ảnh hưởng lâu dài.
Các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh, Đức cũng sẽ dần dịch chuyển doanh nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc và vào những thị trường thân thiện với Mỹ như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không nên quá lạc quan mà quên nhiệm vụ liên tục mời gọi nhà đầu tư.
“Muốn thu hút FDI, không chỉ có làm tốt việc mời gọi mà làm tốt thường xuyên và liên tục từ cấp Chính phủ”, GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh. Dẫn chứng, ông cho biết, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra và có thông tin nhiều công ty đa quốc gia muốn rời khỏi Trung Quốc, ngay lập tức Thủ tướng Ấn Độ đích thân viết thư mời gọi các tập đoàn này, đặc biệt là đã có hơn 1.000 tập đoàn Mỹ đến đầu tư và mở rộng hoạt động tại Ấn Độ.
Tương tự, lãnh đạo các quốc gia Indonesia, Malaysia, Thái Lan… cũng có những động thái mời chào các nhà đầu tư đến thị trường của họ với các ưu đãi về thuế, thuê đất… “Điều này cho thấy sự nhạy bén trong tầm nhìn, thái độ cầu thị, quyết tâm kêu gọi và mang các nhà đầu tư nước ngoài vào đất nước của họ. Điểm yếu của Việt Nam trong thu hút FDI là mời họ vào rồi, nhưng giải ngân vốn đầu tư còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, việc đào tạo quản lý dự án chuyên nghiệp, có trình độ quốc tế và bài bản là việc cấp thiết cần làm ngay”, ông nói.
Đồng quan điểm, TS Phùng Đức Tùng bổ sung: “Đây là thời cơ vàng. Làm ơn đừng bị động, ngồi một chỗ chờ “đại bàng” bay đến làm tổ nữa mà phải gõ cửa từng tập đoàn đi chứ. Trong thu hút FDI giai đoạn này, chúng ta tuy có “lập tổ” để mời gọi, nhưng các vị trí vẫn là kiêm nhiệm, không thể toàn tâm toàn lực để làm tốt. Vấn đề lúc này là đến gặp trực tiếp các tập đoàn, xem họ có kế hoạch dịch chuyển đầu tư không. Nếu có, họ cần Việt Nam điều chỉnh cái gì, họ muốn làm ở đâu, trình bày những gì mình có không quan trọng bằng nghe họ cần gì. Đâu đó còn có tâm lý sợ nuông chiều nhà đầu tư quá, tạo tiền lệ, sợ họ đòi hỏi, mình “sập bẫy”. Tôi nghĩ đừng có tâm lý đó khi đi gõ cửa các “đại bàng”. Tại sao? Có những lĩnh vực mình không làm được, chẳng hạn như cánh quạt chạy điện gió trị giá cả triệu đô, tại sao không tạo điều kiện tối ưu nhất để mời họ đến Việt Nam?”, TS Phùng Đức Tùng đặt vấn đề.
Bình luận (0)