Đơn giản hóa nỗi đau

22/10/2022 07:33 GMT+7

Gặp cô Ba Đúa (tên thật Nguyễn Thị Kim Huê, 70 tuổi, trú quán khóm 2, P.1, TX.Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng ) trong một lần đi đò nơi ngã năm sông, tôi ngay lập tức ấn tượng và bị hút vào những câu chuyện kể đời thường mà có duyên của người đàn bà dù tuổi đã về chiều nhưng vẫn yêu đời một cách hồn nhiên, luôn đem lại niềm vui tiếng cười cho bạn đò hay khách vãng lai nơi đầu sông, bến chợ.

“Ngày nào hổng nghe chỉ nói chuyện tiếu lâm là khúc sông này buồn dữ à nghen. Truyền nhân bác Ba Phi mà”, cô Tư Kim, một bạn đò ở chợ nổi Ngã Năm, tấp ghe góp vui khi nghe khách hỏi cảm nhận về “đồng nghiệp” của mình.

Nếu chỉ nhìn nụ cười lạc quan thường trực trên môi, dẻo dai tay chèo, hẳn ít ai biết cô Ba Đúa lại có một cuộc đời lận đận lao đao. Tuổi già sức yếu vẫn còn gồng lưng lặn lội thân cò để nuôi hai đứa cháu thơ; từng vượt lên trên biến cố và nghịch cảnh để chiến đấu với ung thư bằng tình yêu mãnh liệt dành cho cuộc sống và gia đình.

Hai mươi năm chèo đò nuôi cháu

Sinh được hai người con đủ nếp đủ tẻ, nuôi dạy các con đến khi khôn lớn dựng vợ gả chồng, những tưởng cô Ba Đúa đã có thể “nghỉ hưu” an hưởng tuổi già. Nào ngờ biến cố bắt đầu ập đến khi hôn nhân người con trai út tan vỡ, vợ chồng mỗi người mỗi phương bỏ lại hai đứa cháu trai (đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 5 tháng tuổi) cho cô Ba dưỡng nuôi.

Có một câu nhẹ hều của cô Ba mà chắc là tôi sẽ còn mãi khắc ghi, ấy là: “Trời cho mình sống thì thôi mình cũng ráng mà trân quý sự sống”.

Gia cảnh khó khăn, không có đất đai canh tác, cô Ba xuôi về chợ nổi Ngã Năm thuê một chiếc đò chèo ghe tam bản đưa khách sang sông. Số tiền ít ỏi kiếm được dùng để thuê trọ và lo cái ăn đắp đổi qua ngày cho ba bà cháu.

“Chứ cháu mình mà biết bỏ cho ai”. Cô Ba cười móm mém, nhớ lại những ngày vất vả trăm đường khi hai cháu nhỏ đứa nào cũng khó nuôi, quấy khóc, bệnh vặt nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ các con mình.

Cô Ba kể, cô gả con gái lớn về tận Sa Đéc, nhà làm nghề cào tép, cũng nghèo nên không phụ giúp được gì. Con trai út sau khi ly hôn buồn bực nên rượu chè rồi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não mà theo cách nói của cô Ba là “phải bỏ đường mới xài được”, thành thử không còn trông mong gì ở y nữa.

Vậy là gần 20 năm qua, cô Ba Đúa dầm mưa dãi nắng mót máy từng đồng lẻ từ nghề đưa đò để nuôi các cháu lớn khôn. Em Lê Văn Ngoan giờ đã trưởng thành, rời vòng tay cô Ba để theo mẹ đi làm ăn xa. Em Lê Văn An, 15 tuổi, thương nội già yếu khó nhọc nên xin nghỉ học ở nhà để mò cua bắt ốc phụ miếng ăn với bà.

Lận đận một đời vì con vì cháu tuổi già chưa được nghỉ ngơi nhưng cô Ba vẫn yêu đời một cách vô tư. Chèo đò với cô là để mưu sinh mà cũng để “giãn gân giãn cốt” chớ ở nhà nhàn rỗi lấy gì mà ăn, cô bảo, đồng tiền mình tự kiếm được mình ăn mới dễ. Ít khi than buồn kể khổ, cô Ba Đúa còn tận dụng khiếu hài hước đem lại niềm vui tiếng cười để an ủi, động viên mọi người.

Cô Ba Đúa

Bạch Dương

Chiến thắng ung thư bởi còn nặng trách nhiệm làm người

Sáu năm trước phát hiện mình bị ung thư vú, cô Ba Đúa chết giấc khi tai ương bất ngờ ập đến với mình. Các cháu hãy còn nhỏ, đang tuổi đến trường, đứa con trai duy nhất thì lúc tỉnh khi mê tương lai mù mịt khiến lòng người mẹ, người bà quặn thắt.

Nhiều lần truyền hóa chất đau đớn, đi lại bất tiện, không tự phục vụ được nhu cầu cá nhân, cô Ba vô cùng bất lực, cảm nhận cái chết đến gần hơn sự sống, nhắm mắt xuôi tay còn dễ dàng và nhẹ nhàng hơn cuộc đời bất hạnh, nay đói mai no vất vả trăm chiều.

Nhưng mê rồi tỉnh, vượt lên trên những đau đớn thể xác là nỗi sợ hãi khi các con còn bôn ba trôi dạt, các cháu thơ dại thiếu thốn tình thương, nghĩ nếu mình chết đi, không người chăm sóc ai biết đời chúng rồi sẽ lớn lên như thế nào?

Nhớ đến những ngày tháng đó, cô Ba tâm sự: “Nghĩ đến mấy đứa nhỏ đêm nào bà cũng trào nước mắt. Mình nói mình không lo nhưng làm bà, làm mẹ mà không lo sao được con. Mình sống đây đâu phải chỉ vì mình, mà còn vì con vì cháu. Mình phải tròn trách nhiệm rồi ra đi cho nhẹ nhàng. Đó là bổn phận làm người”.

Vậy là bằng ý nghĩ ấy mỗi ngày cô Ba đều gắng gượng, tự nhủ qua được một ngày thì có thêm một ngày được ở cạnh người thân, gia đình. Và kỳ tích đã mỉm cười khi cô Ba Đúa cuối cùng đã chiến thắng ung thư dù một bên vú của cô phải chịu cắt bỏ.

Cô Ba cho biết đến giờ cô vẫn phải uống thuốc đều đặn vì tuổi già vẫn hay bệnh này bệnh nọ, mà từ hồi mắc ung thư sức khỏe cũng theo đó giảm sút hơn nhiều. Có nhiều người cũng mắc bệnh tương tự, tìm đến cô Ba, hỏi “bí kíp” nào đã giúp cô vượt qua căn bệnh quái ác đó một cách diệu kỳ. Bởi theo lời cô Ba kể lại, cùng một đợt hóa trị ung thư với cô có 6 người, nhưng chỉ một mình cô Ba chiến thắng.

“Thì có gì đâu con ơi”, cô Ba kể, “Cứ sống vui vẻ và lạc quan, mà phải có tình yêu nghen (cười), bị bà yêu dữ lắm à. Rồi chăm chỉ làm việc vận động đồ lên, cố gắng từng ngày rồi bệnh nó khỏi hồi nào hổng hay hà”.

Bây giờ đã ở tuổi thất thập, nhưng cô Ba Đúa vẫn còn miệt mài với nghề đưa đò nơi ngã năm sông. Còn khỏe là cô còn làm, hỏi mai này cô trăm tuổi thì sao? Cô Ba cười hề hề, hàm răng đã rụng gần hết, biểu: “Khỏi lo, mấy chú cán bộ phường nói rồi, đời người chết có một lần nên sẽ cho bà “kinh doanh” một bữa để tự mình lo hậu sự”.

Với cô Ba hình như hết thảy nỗi đau mà mình phải chịu đều hóa thành giản đơn. Đời cô, tôi ví như một bản nhạc buồn, nhưng giai điệu cô ngân lên thì vui tươi, tràn trề niềm tin và hy vọng. Tinh thần không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh và số phận ấy xứng đáng là tấm gương soi chiếu cho những ai đang khổ đau và tuyệt vọng đang đi tìm một tia nắng ban mai giữa đời sống mệt nhoài.

Có một câu nhẹ hều của cô Ba mà chắc là tôi sẽ còn mãi khắc ghi, ấy là: “Trời cho mình sống thì thôi mình cũng ráng mà trân quý sự sống”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.