(TNO) Một trong những chặng đường của "Nhật ký bụi đời xuyên nước Mỹ" mà tôi háo hức chờ đợi là việc có mặt ở quảng trường Thời đại (Times Square) tại New York City vào đúng ngày cuối năm để đón giao thừa và hòa vào biển người khổng lồ cùng "countdown" (đếm ngược) chào đón thời khắc chuyển sang năm mới 2015.
Cảnh sát đã được tăng cường để bảo vệ an ninh trong đêm giao thừa ở New York - Ảnh: Bùi Thanh Tuấn
Từ 7 giờ sáng tôi đã khởi hành từ Virginia bằng tàu điện lên Washington DC và sau đó chuyển qua xe bus của hãng Bestbus tại nhà ga Union Station. Vì mùa lễ trọng nên vé xe tăng gần gấp đôi (70 USD cho vé khứ hồi). Một mình lần đầu vác ba lô lên New York trong cái lạnh cắt da, tôi đoán chừng sẽ không ít khó khăn đang chờ mình. Chắc chắn sẽ phải thức trắng đêm ngoài phố vì khách sạn quá mắc (từ 500 đến 800 USD nếu đặt vào cận lễ).
Vừa lên xe chọn được chỗ ngồi ưng ý gần cửa sổ để tiện quay phim và chụp hình thì bỗng hai người khách ngồi ghế trên quay xuống chào: "Hello, bạn là người Việt Nam phải không?". Quá ngỡ ngàng và vui mừng khi gặp đồng hương ở một nơi xa hút thế này, hỏi ra còn bất ngờ hơn khi anh giới thiệu tên Bùi Thái Dũng (cùng họ với tôi) và lại cùng quê Bảo Lộc nữa! Anh Dũng ở Atlanta đi với người chị gái tên Linh ở Virginia, và thế là chúng tôi nhanh chóng nhập thành nhóm 3 người.
Theo trục đường 95 đi lên phía Bắc, trải qua gần 4 tiếng trên xe, đúng 12 giờ 45 chúng tôi có mặt tại New York City. Những tòa nhà chọc trời hiện ra từ phía xa khiến tôi trong thoáng chốc nhớ đến downtown của Seatlle. Khi xe dừng hẳn ở 612 đại lộ số 8, tôi vẫn không biết mình chỉ cách quảng trường Thời đại có vài trăm mét. Lúc đó dòng người từ khắp nơi đổ về quá đông. Dưới hầm tàu điện quá tải phải mở thêm cửa phụ để giải quyết ùn tắc.
Một cặp tình nhân hòa mình vào dòng người đông đúc để đếm ngược giờ phút bước sang năm mới tại quảng trường Thời đại (New York, Mỹ) - Ảnh: Bùi Thanh Tuấn
Để nhẹ bớt hành lý, chúng tôi đi lấy khách sạn ở Flushing, quận Queen (nơi có phố tàu thứ hai sau Chinatown của Manhattan) cách trung tâm đến hơn nửa giờ đồng hồ và phải qua hơn 20 ga tàu điện. Đến khi quay trở lại khu trung tâm thì trời đã sập tối. Vừa lên khỏi ga cuối Times Square thì cảnh tượng đập ngay vào mắt chúng tôi là một biển người với phục trang đầy màu sắc, đa số họ đi từng nhóm đông, vội vã tìm đường tốt nhất để càng gần quảng trường càng tốt. Nhưng có vẻ đã muộn, dọc theo đường số 8, từ đường 42 cho đến 58 các ngả đều đã được lập chốt chặn và chỉ những ai có giấy ưu tiên mới được cho vào. Thỉnh thoảng cảnh sát cũng có "xả cửa" cho vào từng đợt nhưng phải xếp hàng rất lâu. Tuy nhiên không có cảnh chen lấn xô đẩy nào xảy ra. Mọi người vui vẻ xếp hàng và hy vọng. Việc lập chốt chặn theo từng lớp cũng dễ gây nản lòng cho những ai đến muộn hoặc đã qua được những vòng ngoài. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều cảnh sát đến như thế (nghe đâu có tăng cường cảnh sát ở một số tiểu bang khác đến hỗ trợ). Họ kiểm soát rất gắt gao và tôi đã trở thành "nạn nhân" của vụ này.
Sau khi mất nhiều thời gian để xếp hàng ở cổng 42, cuối cùng cũng đến lượt chúng tôi. Hai người bạn đường vượt qua an toàn, đến tôi thì bị ngăn lại với một câu lệnh khẩn cấp: "Get out of here, now!" (Rời khỏi chỗ này ngay). Hóa ra là bởi tôi đeo ba lô sau lưng, họ nghi có bom và sau đó tôi mới hiểu khi nhìn thấy có nhiều ba lô khổ chủ phải "gửi tạm" bên vệ đường. Lại thêm bài học nhớ đời. Quyết không bỏ cuộc, cuối cùng tôi cũng tìm được chỗ đứng ưng ý ở Central Park, tuy hơi xa nhưng có thể dùng máy quay phim thu gần lại để xem.
Cũng như một số nơi ở VN, sau đêm lễ hội giao thừa, đường phố New York đầy rác - Ảnh: Bùi Thanh Tuấn
Càng đến gần giờ giao thừa khí trời càng lạnh. Nhiệt độ giảm xuống 28 độ F (dưới 0 độ C). Dòng người vẫn tấp nập hai bên vỉa hè mỗi con đường vòng ngoài. Đặc biệt dưới lòng đường tuyệt đối dành ưu tiên cho xe cảnh sát, chữa cháy, cứu thương phòng khi có trường hợp khẩn cấp. Xe ngựa và... xe đạp thồ kiểu New York cũng được lưu thông trên lòng đường, còn người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè.
Giây phút giao thừa cận kề. Tôi nghe rõ tiếng đếm ngược từ giây thứ 60 về zero. Cảm giác thật đặc biệt khó tả. Một góc trời phía cuối đường số 7 sáng bừng lên. Ánh sáng rực rỡ và lộng lẫy hòa vào nền trời đêm huyền ảo. Tiếng Happy New Year vang lên trên môi mỗi người, trong điện thoại và tin nhắn. Mọi người ôm nhau, hôn nhau thắm thiết. Nụ cười rạng rỡ nở khắp nơi nơi. Nghe nói đến giây cuối người ta thả một trái bóng khổng lồ từ trên cao xuống. Vì ở xa nên tôi không nhìn thấy được, chỉ nghe mọi người í ới hỏi nhau: "Thấy trái bóng không?". Đôi chút ngớ ngẩn, lúc đó tôi cứ chờ nghe ca khúc "Happy New Year" của nhóm Abba mà quên mất ở Mỹ vào đầu năm mới người ta ít lưu hành bài này.
Điều đặc biệt đáng để suy ngẫm là mặc dù trời rất lạnh nhưng không thấy nhiều người hút thuốc lá trên đường. Và trong suốt đêm, tôi không nhìn thấy một ai trên đường cầm bia rượu để uống. Họ cần ăn uống thì có thể vào các nhà hàng hai bên đường. Tuy nhiên đồ ăn mang theo để party ngoài trời thì gần như nhóm nào cũng có, và kết quả là sau giao thừa các con phố ngập tràn rác là rác. Hình ảnh các con phố bị xả rác sau giao thừa chắc cũng không thua gì ở xứ ta. Các xe xử lý rác chuyên dụng sẽ phải làm việc suốt đêm để trả lại vẻ đẹp và sạch sẽ cho đường phố ngày đầu năm mới!
Rời New York trong ngày đầu năm mới, tôi lại đi đến những chặng hành trình kế tiếp. Tạm biệt thành phố của những tòa nhà chọc trời, hẹn gặp lại!
Bình luận (0)