Đốn hạ cây xanh: Cần lắm hỏi ý dân

18/03/2015 17:59 GMT+7

Trả lời báo chí về việc chặt cây cổ thụ để thay thế bằng cây mới, Phó ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho rằng đó là việc 'không cần phải hỏi ý kiến dân'. Thế nhưng việc thay đổi những hàng cây cổ thụ đã và đang làm nên 'hồn phách' của Hà Nội thì bắt buộc phải hỏi ý dân…

Trả lời báo chí về việc chặt cây cổ thụ để thay thế bằng cây mới, Phó ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội cho rằng đó là việc “không cần phải hỏi ý kiến dân”. Thế nhưng việc thay đổi những hàng cây cổ thụ đã và đang làm nên “hồn phách” của Hà Nội thì bắt buộc phải hỏi ý dân…

Hàng cây xanh quen thuộc trên đường Nguyễn Chí Thanh đã bị chặt hạ để trồng cây khác Ảnh: Đan Hạ
Vì sao tiếc?
Với việc đốn hạ hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng của TP.HCM trước đó và hiện nay là trên đường Nguyễn Chí Thanh của Hà Nội (trong kế hoạch thay 6.700 cây trong năm nay), rất nhiều người dân cảm thấy tiếc nuối và tỏ thái độ phản ứng. Nhiều người gửi ý kiến phản đối, gửi thư ngỏ, lập diễn đàn trên mạng để mong bảo vệ được những hàng cây cổ thụ đã gắn bó với đời sống đô thị của mình qua bao thế hệ.
Nói không ngoa, những tầng cổ thụ của các đô thị có bề dày văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt… có thể được xem như là những “di sản văn hóa vật thể” làm nên bản sắc của các thành phố ấy. Nói tới Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến những hàng cây bàng, cơm nguội, hoa sữa… đã đi vào thơ, nhạc. Sài Gòn còn khá thơ mộng với những hàng me cổ thụ. Hải Phòng được gọi là “thành phố hoa phượng đỏ”. Đà Lạt chắc chẳng là gì nếu không còn thông reo…
Đó cũng là một loại “tài sản công” có dính dáng trực tiếp đến quyền lợi trực tiếp của người dân: là bóng mát, là môi trường trong lành, là vẻ đẹp mỹ quan thành phố. Chúng không phải là vật vô tri mà như có “hồn”, có “thân phận”. Chính vì vậy mà khi một cây xanh cổ thụ bị đốn hạ hay bị đổ axít cho chết dần vì lý do kinh doanh, báo chí thường sử dụng từ “bức tử” để lên án các hành động này.
Như câu thơ của Huy Cận: “Phố không cây, sầu biết bao chừng”, những hàng cây đã làm nên hồn phố…
Hàng loạt cây hoa sữa xanh tốt tỏa bóng mát rượi phía gần cầu vượt giao với đường Láng bị đánh dấu "X" sắp bị chặt hạ - Ảnh: Đan Hạ
Trong thư ngỏ gửi UBND TP.Hà Nội, ông Trần Đăng Tuấn, Phó chủ tịch hội Truyền thông số Việt Nam, có nêu yêu cầu cần hỏi ý dân và các nhà khoa học trước khi đốn hạ và thay thế những hàng cây cổ thụ của Hà Nội. Ông cho rằng việc các nhà quản lý chưa công bố tính khoa học và sự cần thiết phải thay thế các hàng cây cổ thụ là chưa thỏa đáng với người dân.
Với lập luận cần phải thay thế các loại cây xanh thiếu thẩm mỹ hay thiếu an toàn của các cơ quan quản lý thì nhiều ý kiến từ các cộng đồng mạng cho rằng đó chỉ là sự yếu kém trong việc trồng và bảo dưỡng cây xanh. Việc mỗi một đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM có cả một công ty công viên cây xanh lớn với nguồn kinh phí nhà nước khá dồi dào chính là việc thực hiện công tác bảo quản và nhân rộng hơn lên những mảng xanh mang tính đặc thù của đô thị chứ không phải là việc đốn hạ đi hay “đồng bộ hóa” những mảng xanh này.
Hãy lấy điển hình như hàng cây sao, dầu ở TP.HCM, nhiều cây có tuổi thọ phải đến hàng trăm năm, nhưng với công việc bảo dưỡng kỹ càng, khoa học, các hàng cây cổ thụ lưu niên ấy vẫn sừng sững tỏa bóng mát cho biết bao thế hệ. Việc thay thế chúng chỉ là thay bằng loại cây non cùng loại khi cây cổ thụ đã có dấu hiệu sâu bệnh, mục ruỗng.
Hỏi ý dân thì mất gì?
Chưa có một cuộc hội thảo khoa học chính thức nào để các nhà khoa học công bố rằng những hàng cây cổ thụ đó đã không còn phù hợp và nên trồng thay thế bằng loại cây nào. Như ở Hà Nội, việc thay mới hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Chí Thanh bằng loại cây vàng tâm, một loại cây có lẽ chẳng mấy ai biết đó là loại cây gì, hoa lá ra sao, mang lại ý nghĩa văn hóa gì?
Với phát biểu: “Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà cũng phải hỏi ý dân”, có lẽ ông Phan Đăng Long cho việc đốn hạ những hàng cây cổ thụ là “chuyện nhỏ” và không dính dáng gì đến người dân Hà Nội (?!). Nhưng thực tế, những hàng cây cổ thụ này lại có mối “quan hệ đặc biệt” đến đời sống tinh thần và vật chất của người dân, thế nên mới có chuyện người dân xót xa, phản ứng.
Việc Sở xây dựng Hà Nội giao những “tài sản công cộng” đó cho các doanh nghiệp tư nhân, theo cách gọi là “xã hội hóa”, có thể không thỏa đáng. Vì tiêu chí hàng đầu của các doanh nghiệp luôn là lợi nhuận nên khó có thể trông mong các doanh nghiệp này phải “hi sinh” một điều gì đó cho những việc mang tính phúc lợi công cộng như đốn hạ và trồng thay cây xanh.
Vả lại, việc thay cây xanh có thể được xem là việc thay đổi quy hoạch đô thị, và điều này theo quy định là phải cần lấy ý kiến người dân.
Hãy nhìn sang Singapore để thấy đất nước này đã làm gì để thành một thành phố trong lành và sạch sẽ nhất châu Á: Một đảo quốc phải mở rộng bằng cách đi mua đất của các nước láng giềng để bồi đắp, nhưng vẫn dành đất trồng cây để đạt được mức tỉ lệ mảng xanh trên đầu người gấp khoảng 30 lần Hà Nội và TP.HCM như hiện nay…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.