Xuất khẩu dệt may, gỗ, thủy hải sản... tăng mạnh
Trong nửa đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu đạt hơn 190 tỉ USD, tăng đến 14,5%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 11,7 tỉ USD. Đáng lưu ý, những ngành xuất khẩu chủ lực đều có lượng đơn hàng mới gia tăng mạnh mẽ. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất VN do S&P Global vừa công bố cho thấy trong tháng 6, PMI VN đã tăng mạnh lên 54,7 điểm, trong khi tháng 5 đạt 50,3 điểm.
Theo kết quả khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp (DN), các chỉ số trên tương thích với thực tế hoạt động.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), xác nhận: Đơn hàng xuất khẩu của các DN trong ngành xuất khẩu gỗ tăng khá tích cực. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trong 6 tháng vào khoảng 22 - 25%. Đáng lưu ý, các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu đã phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, các thị trường mới được DN khai thác trong những năm sau đại dịch cũng có dấu hiệu tích cực. Chẳng hạn như thị trường Ấn Độ và Trung Đông, tuy tổng đơn hàng không lớn song tiềm năng phát triển và mở rộng rất đáng kỳ vọng.
Ông Phương nhận định: "Ngành xuất khẩu gỗ năm nay sẽ lấy lại phong độ, tăng trưởng 2 con số. Dù chưa đạt như thời chưa bùng phát đại dịch, song đã phục hồi khá tốt. Trong nửa cuối năm nay, vấn đề mà chúng tôi lo ngại không phải là đơn hàng mà là tình trạng thiếu hụt công nhân. Việc tuyển thêm nhân công của ngành gỗ đang bị cạnh tranh dữ dội vì các ngành xuất khẩu chủ lực của VN như dệt may, thủy hải sản đều có đơn hàng tăng, kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng".
Đúng như ông Nguyễn Chánh Phương nói, trao đổi với Thanh Niên, đa số DN làm hàng xuất khẩu dệt may đều phấn khởi vì đã ký đơn hàng sản xuất tới hết quý 3, thậm chí một số nơi đã đàm phán đơn hàng phục vụ kỳ Giáng sinh, năm mới 2025.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jeans, thông tin: Hàng may mặc VN vượt Trung Quốc về xuất khẩu sang Mỹ, riêng TP.HCM xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ tăng 40% trong 5 tháng đầu năm; trong đó Việt Thắng Jeans đóng góp hơn 1 triệu sản phẩm. Các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều đã tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, tỷ lệ hàng tồn kho giảm đáng kể, giúp DN bớt áp lực khi nhận đơn hàng mới…
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty sản xuất may mặc Dony, cũng tỏ ra lạc quan vì thị trường mới khai thác trong năm là Trung Đông chứng kiến đơn hàng tăng trưởng "nóng", 5 tháng đầu năm tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2, công ty đã tuyển dụng tăng 20% lao động và cũng tăng ca để kịp hoàn tất sản phẩm xuất khẩu.
Theo Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may VN tăng hơn 5% nhờ sự dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia khác sang VN, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi tiền đồng mất giá 5% so với USD kể từ đầu năm. Trong khi đó, đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.
Tương tự, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cập nhật xuất khẩu mặt hàng cá tra của VN đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong tháng 5, khối lượng xuất khẩu cá tra VN tăng hơn 46%; trong đó, phục hồi mạnh mẽ là tại thị trường Trung Quốc với mức tăng hơn 20%. Một số thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng đều như xuất sang thị trường ASEAN tăng 7%, sang Anh tăng đến 33%, nhưng sang Mỹ giảm 1% về sản lượng.
Áp lực cạnh tranh chi phí đầu vào
Trong khi đơn hàng khởi sắc, hàng tồn kho giảm thì nỗi lo của các DN giờ đây là mặt bằng giá vẫn chưa phục hồi trong khi chi phí sản xuất, vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng... lại tăng.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, nói so với năm 2023, các nhà cung cấp, đặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với thời điểm năm 2019, năm trước dịch Covid-19. Thế nên, đơn hàng tuy tăng tốt, song lợi nhuận DN thu về lại vô cùng khiêm tốn. "6 tháng tới, xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục khởi sắc, song DN sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp, duy trì suốt 2 năm qua vẫn chưa cải thiện", ông Hiếu lo lắng.
Riêng với ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương cho hay kỳ vọng đạt 16 tỉ USD trong năm nay. Tuy nhiên, ông cảnh báo nguy cơ lẩn tránh xuất xứ để xuất hàng sang Mỹ từ thị trường VN quá lớn.
"Hiện các nhà mua hàng từ Mỹ và cả các thị trường thân Mỹ - nơi các nhà mua hàng Mỹ là tổng thầu, đầu tư… đã khuyến cáo DN xuất khẩu từ VN là họ không chỉ xem xét thành phẩm từ VN mà sẽ lưu ý cả xuất xứ bán thành phẩm như phụ kiện, vật tư, nguyên liệu… sản xuất. Như vậy, cơ hội cho hàng xuất khẩu thuần Việt rất lớn tại thị trường này, song nguy cơ hàng Việt bị mượn xuất xứ để xuất khẩu cũng rất cao. Nếu không cảnh giác, DN Việt sẽ bị vạ lây", ông Nguyễn Chánh Phương cảnh báo và cho biết trong thời gian tới HAWA sẽ phối hợp với các DN, tăng cường làm việc, tuyên truyền và thông tin về khả năng tự cường trên chuỗi cung ứng. Điều này mới giúp DN sản xuất xuất khẩu Việt đứng vững tại các thị trường lớn một cách bền vững.
Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá các chỉ số cho thấy sức khỏe ngành sản xuất tại VN đã được cải thiện đáng kể trong 3 tháng liên tiếp. Sản xuất tại VN đã sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm nay, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng vừa qua nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh. Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng mạnh là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt khi chi phí vận tải tăng khiến giá cả đầu vào tăng thành mức cao của 2 năm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế) nhận xét hoạt động xuất nhập khẩu của VN trong 6 tháng đầu năm, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ, đã được khai thác khá tốt. VN đang có thuận lợi là tham gia ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 thị trường lớn nhỏ. Đây là lợi thế mà không phải quốc gia xuất khẩu nào cũng có được.
"Quan sát cho thấy, việc duy trì đeo bám các thị trường xuất khẩu chủ lực ngày càng khó khăn hơn khi đa số đang cạnh tranh về giá cả. Song đơn hàng từ các thị trường này quay trở lại chứng tỏ thực lực đeo bám thị trường, mở rộng thị trường của DN Việt khá tốt. Trong bối cảnh nhiều nước xuất khẩu giảm, VN duy trì xuất siêu là tín hiệu tích cực", ông Lạng nhận định, đồng thời khuyến cáo thêm: "Vấn đề quan trọng là VN cần đẩy mạnh chính sách giúp DN nội địa lớn mạnh lên, hội nhập và làm chủ được sân chơi quốc tế; gia tăng tự chủ nguồn nguyên phụ liệu; điều chỉnh mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu mạnh… để giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu thì mới bảo đảm tính bền vững, lâu dài".
Bình luận (0)