Đơn hàng xuất khẩu quý 1/2022 'đầy ắp'

30/12/2021 17:19 GMT+7

Số lượng đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu quý 1/2021 đã tăng trở lại.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có 75,1% đơn vị đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 4/2021 so với quý 3/2021 tốt lên và giữ ổn định, chỉ còn 24,9% doanh nghiệp đánh giá hoạt động khó khăn hơn. Dự báo quý 1/2022, có 81,7% doanh nghiệp nhận định tình hình hoạt động tốt hơn và giữ ổn định, chỉ còn 18,3% dự báo khó khăn hơn.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng hết quý 1/2022

ngọc thắng

Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới quý 4/2021 đã hồi phục và cao hơn quý 3/2021 với 76,6% doanh nghiệp nhận định tăng và giữ nguyên. Do vậy, cũng có 83,2% công ty dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý 1/2022 tiếp tục tăng và giữ nguyên so với quý 4/2021. Tương tự, có 83,3% doanh nghiệp cũng dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 1/2022 khả quan hơn và giữ nguyên. Bên cạnh đó, có đến 91,1% công ty dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên trong quý đầu năm 2022 và chỉ có 8,9% đơn vị dự báo chi phí sản xuất giảm.

Trên thực tế, nhiều dự báo về các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020 khi kinh tế trong nước và nhiều quốc gia đang hồi phục và phát triển. Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM - hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý 1/2022. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì ước tính đơn hàng dệt may chưa tăng nhưng đã khởi sắc rất nhiều so với cuối năm 2021.

“Không thiếu đơn hàng dệt may trong năm mới và mục tiêu cả ngành đặt ra xuất khẩu trong năm tới khá lạc quan lên hơn 40 tỉ USD. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp vẫn lo số lượng người lao động còn chưa quay lại nhà máy đầy đủ. Bên cạnh đó, sau dịp Tết âm lịch cũng thường có biến động khi công nhân về quê, thay đổi công việc. Đồng thời, hiện giờ các doanh nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn là phải đảm bảo phòng chống dịch để đảm bảo sản xuất an toàn không bị đứt gãy như trước”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.