Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Anatoly Antonov làm đại sứ mới ở Mỹ không đơn thuần là chuyện thay đổi nhân sự thường thấy trong ngoại giao mà còn là động thái nhằm vào Mỹ lẫn EU.
Mỹ và EU là những đối tác từ mấy năm nay làm găng với Nga, áp dụng những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại, tài chính và tìm cách cô lập Nga về chính trị. Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện không chỉ chưa thấy có được triển vọng tan băng bớt giá mà càng ngày càng thêm nhạy cảm về chính trị nội bộ ở cả hai phía.
Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak kết thúc nhiệm kỳ giữa lúc cuộc điều tra cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tiếp tục hé lộ chi tiết mới.
Ông Antonov được coi - hoặc bị coi - là người có quan điểm cứng rắn đối với Mỹ. Trong thế giới ngoại giao, việc cử nhân sự làm đại diện ngoại giao cao cấp nhất thường phản ánh và chứa đựng ẩn ý về định hướng chính sách đối với nước tiếp nhận. Vào thời điểm phía Mỹ gia tăng đối đầu với Nga, ông Putin cử người có quan điểm cứng rắn đối với Mỹ làm đại sứ ở Mỹ là thông điệp rằng Nga thiện chí với Mỹ và vẫn coi trọng Mỹ khi cử đến Mỹ một trong những nhà ngoại giao cấp cao của Nga, nhưng đồng thời sẵn sàng chấp nhận ăn miếng trả miếng về căng thẳng và đối đầu trong quan hệ song phương. Ở đây là chuyện thể diện quốc gia và vị thế quốc tế của Nga.
Ông Antonov có quan điểm cứng rắn đối với Mỹ nhưng phía Mỹ không có lý do gì để không chấp thuận người này. Vấn đề ở chỗ ông Antonov bị EU đưa vào danh sách trừng phạt từ năm 2015. Mỹ và EU bị phân hóa bởi thế. Mỹ sẽ bị khó xử với EU khi chấp thuận ông Antonov nhưng lại không thể vì mắc mớ riêng giữa EU và ông Antonov mà từ chối chấp thuận ông này. Chuyện tưởng đơn giản mà hóa cú đòn hiểm.
Bình luận (0)