Đón người quay lại

17/10/2021 10:20 GMT+7

Câu hỏi khi nào thì dòng người lao động về quê tránh dịch sẽ quay trở lại nơi làm việc - tưởng đâu phải vài ba tháng mới có câu trả lời. Nhưng mấy hôm nay dường như câu trả lời đã hiện hữu.

Nhiều lao động đã chọn phương án quay trở lại. Những hướng đường đổ về các tỉnh thành phát triển công nghiệp ở miền Đông Nam bộ bắt đầu đón nhận dòng người lao động.

Người từ Tây nguyên quay lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tăng mạnh để tìm việc làm

Có thể, sau khi đã kịp trấn tĩnh trước nỗi sợ hãi dịch bệnh, sau khi đã kịp giải tỏa tạm thời áp lực nghiệt ngã của gia đình lao động nghèo mắc kẹt trong tâm dịch những tháng ngày phong tỏa, họ nhận ra nơi quê nhà khó lòng có công ăn việc làm và thu nhập đủ để trang trải lâu dài cho cả gia đình. Lối suy nghĩ “về quê có mắm ăn mắm, có dưa ăn dưa” chắc chỉ đúng ở thời điểm nỗi sợ hãi phong tỏa đóng hết mọi nẻo đường sinh kế. Còn khi cơ hội “bình thường mới” mở ra, cũng là lúc người lao động nghèo tự giác ngộ mình theo hướng chủ động hơn, can đảm hơn. Hoặc chỉ đơn giản là đã thu xếp ổn thỏa cho bố mẹ già, con trẻ tạm ở quê, còn mình thì tiếp tục quay về lao động kiếm sống.

Và cũng là lúc mà tất cả các bên liên quan đều nên tự mình học những bài học quan trọng nhất đã nếm trải trong thời gian khủng hoảng phong tỏa vì dịch bệnh vừa qua để khỏi phải rút mãi rút hoài “sợi dây kinh nghiệm”.

Bản thân người lao động phải học điều gì? Học cách tự bảo vệ mình tốt hơn trước Covid-19. Học cách rời bỏ những nếp sinh hoạt vui vẻ tụ tập nhưng xô bồ tiếp xúc tự biến mình thành “mồi ngon” cho lây nhiễm dịch bệnh. Học cách luôn nhắc nhở bản thân thực hành 5K nghiêm khắc nhất có thể, học cách tổ chức nếp sống vệ sinh dù đang sống trong khu trọ nghèo.

Chính quyền các địa phương và doanh nghiệp học được gì từ chuyện phải trả giá đắt do không giữ chân được lao động để phục hồi hoạt động? Đầu tư để bảo vệ người lao động ở nơi làm việc phải là một trụ cột quan trọng để phục hồi trong hoàn cảnh “bình thường mới”. Chế độ chính sách dành cho người lao động phải được bổ sung những điều khoản mới về đảm bảo hỗ trợ an sinh đáng tin cậy để người lao động có thể bám trụ làm việc. Phải lựa chọn mục tiêu duy trì sản xuất, bảo vệ chuỗi cung ứng, giữ nguồn lực lao động trong thử thách ngắn hạn để còn có thể tìm lại cơ hội phát triển trong dài hạn.

Và chuyện trước mắt, là xin đừng để rơi vào thế bị động lần nữa khi dòng chảy lao động quay trở lại. Xin đừng để tái diễn những tình cảnh xót xa gắn với hình ảnh những người lao động nghèo, vừa rồi là “tháo chạy” về quê, và sắp tới biết đâu lại là “bôn ba hành trình sinh kế”.

Thu xếp tàu xe đón lao động quay lại. Rà soát lại cơ hội tiếp cận y tế của người lao động nghèo. Tìm cách thu xếp lại nơi cư trú cho người lao động, bao gồm cả việc hoạch định chương trình nhà ở đảm bảo tiêu chí an toàn phòng dịch cho lao động nghèo. Điều chỉnh cách phân phối các gói hỗ trợ an sinh theo hướng ngăn chặn phân biệt đối xử để người lao động dù đang cảnh xa nhà nhưng vẫn luôn ở giữa quê hương đất Việt. Chính quyền và doanh nghiệp nên xếp mức ưu tiên cho những việc này để có thể “đón” người lao động quay trở lại theo đúng nghĩa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.