Ngày 1.3, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết từ năm 2019, nhìn nhận được những giá trị lớn, quý hiếm, độc đáo của hệ thống di sản tư liệu này, TP đã quyết định xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh di sản tư liệu.
Đến ngày 26.11.2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Theo bà Yến, đây là niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. "Thêm một di sản văn hóa vô giá mà cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp, gìn giữ, trao truyền lại cho cháu con được vinh danh, được cam kết giữ gìn để tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Đồng thời cũng là điểm nhấn giúp giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, điểm đến du lịch của địa phương đến cộng đồng trong nước và quốc tế", bà Yến nói.
Bà Miki Nozaqua, Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, nhận định bộ sưu tập đã lưu giữ những ký ức về sự giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam và các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế thế kỷ 17.
"UNESCO sẽ tiếp tục hành động và hỗ trợ quốc gia bảo tồn và gìn giữ di sản của mình. UNESCO sẽ khuyến khích xác định, bảo vệ và gìn giữ di sản để đảm bảo về hình ảnh của di sản và nhận thức về tầm quan trọng của di sản…", bà Miki Nozaqua nói.
Ma nhai Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá, hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
Ma nhai Ngũ Hành Sơn là nguồn di sản tư liệu có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của địa phương và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến, như lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục…
Bình luận (0)